Giữ lửa "lò chống tham nhũng"

Thực tiễn cho thấy, muốn xây dựng đất nước phát triển, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng cần phải duy trì, đẩy mạnh hơn nữa, không chỉ trong khu vực nhà nước mà phải mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước và cả ngoài nước.

Tại kỳ họp thứ 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, đề xuất kỷ luật một số tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Ảnh: TTXVN
Tại kỳ họp thứ 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, đề xuất kỷ luật một số tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Ảnh: TTXVN

Những nhận định và giải pháp mà Bộ Chính trị vừa nêu trong Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cụ thể, sát thực, gồm sáu nhóm giải pháp. Đó là những giải pháp cơ bản, sát thực yêu cầu các cơ quan, tổ chức của đảng, nhà nước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Điểm nổi bật trong Kết luận 12 là: Mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, kể cả việc mở rộng ra khu vực nước ngoài; hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng, chính trị, lối sống; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả của cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc tham nhũng không chỉ dừng lại ở khu vực công, mà tràn sang khu vực "sân sau" của những cán bộ công quyền. Vụ án tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Nhà nước chi hơn 18 tỷ đồng cho một đội ngũ cán bộ khoa học quân đội để thực hiện việc nghiên cứu kit test chống dịch Covid-19, nhưng kết quả rơi thẳng vào một doanh nghiệp để họ có cơ hội lợi dụng lúc đất nước khó khăn thao túng thị trường, thu lời bất chính, ăn chia, hối lộ. Vụ án những người đứng đầu cấp ủy đảng tỉnh Bình Dương bất chấp pháp luật, giao "đất vàng" cho tư nhân gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Vụ án hối lộ tại Bộ Ngoại giao, từ Thứ trưởng đến Cục trưởng Lãnh sự lợi dụng việc bà con người Việt trên thế giới có nguyện vọng được giải cứu theo chủ trương nhân văn của Nhà nước, trở về Tổ quốc trong cơn bão dịch bệnh để cấp phép các chuyến bay cho các doanh nghiệp hàng không rồi nhận hối lộ… là những biểu hiện điển hình.

Tại khu vực ngoài nhà nước, nhiều chủ doanh nghiệp lợi dụng việc đấu giá đất đai để trục lợi, hay thao túng thị trường chứng khoán như Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Chủ tịch Tập đoàn FLC… Cũng còn nhiều doanh nghiệp khác chưa bị phát hiện khi phát hành cổ phiếu, trái phiếu sai quy định, thổi phồng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, thổi phồng giá trị tài sản thực chất của doanh nghiệp để lừa gạt cổ đông nhằm kiếm lợi, thâu tóm chiếm đoạt toàn bộ tài sản của cổ đông. Những hoạt động phi pháp này diễn ra không ít, kéo dài trong nhiều năm, nhưng cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương hầu như không biết, hoặc thậm chí làm ngơ. Kết luận 12 của Bộ Chính trị đã rất sát thực tế, chỉ ra chân dung của chủ thể tham nhũng trong khu vực này.

Chủ thể của hành vi tham nhũng không phải là nhân dân, mà là cán bộ, công chức, đảng viên, người đứng đầu thuộc khu vực công quyền, là những người có chức, có quyền được Đảng, Nhà nước đào tạo, nhân dân trả lương. Việc phát hiện ra đối tượng tham nhũng đã rất khó khăn do họ dùng quyền lực, thủ đoạn tinh vi để bưng bít, che đậy. Nhưng khi đã phát hiện ra, thì việc xử lý thường gặp những rào cản về cơ chế, pháp luật. Hơn thế là cả một hàng rào bảo vệ, bao che tham nhũng vây quanh… Bộ Chính trị nêu lên giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực này là hoàn toàn chính xác. Thiết nghĩ, cần quy những hành vi tham nhũng, bảo vệ tham nhũng khi chưa kết luận được số tài sản mà những người này chiếm đoạt cụ thể thành một tội độc lập trong Bộ luật Hình sự. Làm sao cho những chủ thể có quyền lực: Không muốn, không dám, không thoát khỏi bị trừng trị khi có ý định tham nhũng, tiêu cực, bao che tham nhũng, tiêu cực.

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị khóa XII cho thấy: Vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, vai trò của cơ quan thông tin đại chúng, vai trò của nhân dân thông qua hoạt động khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế kỳ vọng đáp ứng yêu cầu của công cuộc chống tham nhũng từ khu vực này của một vài bộ phận trong khu vực này chưa được như mong muốn. Khu vực dân cử ở địa phương thường bị ràng buộc vô hình trong mỗi địa phương mình, nên hầu như chưa có nhiều những kết quả trong phát hiện, đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, vùng lãnh thổ.

Người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nói về hiện tượng trên nóng, dưới lạnh, hoặc cần xây lò để "đốt củi" ở các địa phương… Đó chính là sự cảnh báo những hạn chế lớn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc tố cáo của nhân dân về hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên đã được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng. Luật Tố cáo đã được Nhà nước tách ra từ Luật Khiếu nại, tố cáo và đã qua hai lần điều chỉnh tạo cơ chế để người dân báo cho nhà nước biết những hành vi sai phạm của cán bộ, công chức. Luật Tố cáo còn quy định các chế định bảo vệ, khen thưởng người tố cáo… Kết luận 12 của Bộ Chính trị đã nêu trong phần giải pháp là rất sâu sắc. Việc thực hiện tốt hay không là thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan dân cử, của công dân và của toàn Đảng, toàn dân.

Trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị có nội dung: "Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai…". Đây là một trong những yếu tố quyết định thành, bại của cuộc đấu tranh này. Tổ chức, đội ngũ làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua từ Trung ương đến các ban, ngành, địa phương đã nỗ lực, cương quyết, kết luận, giải quyết được nhiều vụ việc lớn. Tuy nhiên, cần hoàn thiện hơn về thể chế, đào tạo, xây dựng đội ngũ có chất lượng hơn nữa, tạo điều kiện cho họ vững vàng thực hiện nhiệm vụ đặc thù này.

Tham nhũng, tiêu cực đang hoành hành làm ảnh hưởng kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và thể chế chính trị, sự nghiệp đúng đắn của Đảng, của nhân dân ta. Toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội. Kết luận số 12 của Bộ Chính trị đã chỉ ra thực trạng và sáu giải pháp thực hiện là cụ thể, sát thực và sáng suốt. Vấn đề thực hiện là thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cơ quan, tổ chức và công dân. Chúng ta tin tưởng rằng, cuộc đấu tranh này sẽ tiếp tục gặt hái thành công.