Giá trị cao quý của những lá phiếu

Nói về công tác bầu cử để lựa chọn ra những người đại diện xứng đáng của nhân dân, năm 1960 khi phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử Quốc hội Khóa II, Bác Hồ đã nói: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”. Lúc này, sau 61 năm, đã rất gần thời điểm để mỗi cử tri tiếp tục đắp bồi thêm giá trị cao quý cho lá phiếu của mình.

Trong chuyến giám sát, kiểm tra công tác bầu cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp xúc với cử tri Khu vực bỏ phiếu số 4 tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Doãn Tấn (TTXVN)
Trong chuyến giám sát, kiểm tra công tác bầu cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp xúc với cử tri Khu vực bỏ phiếu số 4 tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Doãn Tấn (TTXVN)

Tính đại diện và chất lượng hoạt động của Quốc hội
 
Thông báo với giới truyền thông về danh sách chính thức 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV ở 184 đơn vị bầu cử để bầu ra 500 ĐBQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, trong danh sách này có 393 ứng viên nữ, chiếm 45,28%, tăng 6,31% so với khóa XIV. Về trình độ chuyên môn, có 564 người trên đại học, chiếm gần 65%; trình độ đại học 294 người, chiếm gần 34%. Trong quá trình hiệp thương, các cơ cấu kết hợp đã được cân nhắc kỹ để bảo đảm tính đa dạng, đại diện cho mọi vùng miền, mọi tầng lớp, thành phần xã hội - Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh. Những thống kê rất cụ thể kể trên đã chứng minh điều đó, dù rằng, có một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt được như mong muốn.
 
 Thế nhưng, đó mới chỉ là điều kiện cần. Mục tiêu cao nhất là thiết lập Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri để trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân để đứng trong cơ quan quyền lực nhà nước các cấp.

Giá trị cao quý của những lá phiếu -0
Đưa các hòm phiếu lên tàu thực hiện công tác bầu cử sớm trên biển.
Ảnh: Đoàn Mạnh Dương (TTXVN) 

 Về mặt thể chế, phương thức bầu cử được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện nay - cũng là phương thức tiến bộ được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng - đã bảo đảm bốn nguyên tắc quan trọng nhất: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Mọi công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri; danh sách cử tri được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước ngày diễn ra bầu cử. Danh sách ứng cử viên cũng được lập và niêm yết công khai chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa chọn…
 
 Vấn đề chính yếu còn lại là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thật sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử. Về phần mình, cử tri phải trực tiếp thực hiện quyền và trách nhiệm công dân, không bầu hộ, bầu thay, bầu theo cách lựa chọn ngẫu nhiên mà không nghiên cứu kỹ về ứng cử viên. Trong đó, yêu cầu thứ ba - lựa chọn một cách sáng suốt những chính khách đại diện cho mình - chắc chắn là yêu cầu thách thức hơn cả.
 
 Quyết định sáng suốt của cử tri
 
 TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một nhà nghiên cứu chính trị kỳ cựu nhận định, chính khách là những người cảm nhận được nhu cầu của xã hội và xu thế của thời đại. “Họ có thể vạch ra phương hướng phát triển và dẫn dắt xã hội tiến lên phía trước. ĐBQH là các chính khách “bàn một” trong hệ thống của chúng ta (trong mọi hệ thống trên thế giới thì cũng vậy)”, ông nói.
 
 Hiểu như thế, rõ ràng làm đại biểu dân cử là gánh trên vai một trọng trách đòi hỏi một loạt năng lực và kỹ năng chuyên nghiệp - không phải chỉ chuyên môn sâu, mà còn phải thấu hiểu cử tri; thấy được thiên hướng của xã hội, của thời đại và thành thạo các kỹ năng mềm như diễn thuyết, thuyết phục; tranh luận và thậm chí là thỏa hiệp (vì không hiếm trường hợp các nhóm dân cư khác nhau có lợi ích mâu thuẫn, xung đột).
 
 Tuy nhiên, những phẩm chất cần thiết để làm ĐBQH (và đại biểu HĐND cũng không khác) rất khó được lượng hóa, dù đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một số nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, gần nhất là nhiệm kỳ XIV, đã có tới hai vị sau khi được bầu không được xác nhận tư cách đại biểu và bảy vị rời ghế vì những sai phạm khác nhau, trong đó có người từng là Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng nói với báo giới: “Chưa có nhiệm kỳ nào mà số ĐB bị cho thôi làm nhiệm vụ, trong đó có những ĐB còn bị những bản án nghiêm khắc của pháp luật, nhiều như nhiệm kỳ này. Đó là điều không ai mong muốn”.
 
 Tất nhiên, như chính vị Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thừa nhận, trách nhiệm đầu tiên khi để những nhân sự không đủ tiêu chuẩn này lọt vào cơ quan quyền lực cao nhất thuộc về các cơ quan có trách nhiệm cơ quan tham mưu về nhân sự ở cả trung ương lẫn địa phương. Công tác thẩm định, đánh giá cần phải chặt chẽ và thực chất hơn nữa, trên cơ sở thu nhận thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là từ nơi công tác, cư trú của các ứng cử viên. Làm sao để những lời nói thật có thể được nghe thấy mà không làm phương hại đến người dám nói.
 
 Bên cạnh đó, về phía cử tri, ngoài việc đọc kỹ hồ sơ lý lịch của ứng cử viên, một trong những kênh quan trọng để nhận biết về năng lực, phẩm chất của các ứng cử viên chính là thông qua hoạt động vận động bầu cử. Nghiêm túc theo dõi các ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình, cử tri có thể biết được rất nhiều điều về ứng cử viên, mà dễ nhận thấy nhất là khả năng diễn thuyết, tầm nhìn, sự hiểu biết, khả năng thuyết phục cử tri.
 
 Cũng cần lưu ý thêm rằng mỗi ĐBQH vừa phải đại diện cho đơn vị bầu cử, vừa phải đại diện cho quốc gia. Trong quá trình hoạt động, không tránh khỏi có những trường hợp lợi ích của đơn vị bầu cử và lợi ích quốc gia không trùng hợp, khi đó, ĐBQH phải là người lấy lợi ích quốc gia làm trọng. Đây cũng là lý do khiến cơ cấu đại biểu trung ương được phân bổ về các đơn vị bầu cử ở địa phương là yếu tố rất quan trọng mà mỗi cử tri cần cân nhắc khi đặt bút xuống lá phiếu bầu.
 

 Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học. Có 185 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 21,3%. Ứng cử viên là người ngoài Đảng có 74 người, chiếm hơn 8,5%. Trong 868 ứng cử viên, có 205 người là ĐBQH khóa XIV tái cử, chiếm hơn 23,6%, tăng 4,31% so kỳ bầu cử trước…