Đồng hành tới "bình thường mới"

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội với toàn bộ chương trình nghị sự chỉ gói gọn trong 5 ngày làm việc.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Khoa Linh
Quang cảnh Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Khoa Linh

Sớm tiếp sức cho nền kinh tế

Trong bối cảnh đất nước đang gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước, kỳ họp nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ những nút thắt pháp lý cho đầu tư phát triển.

Chương trình nghị sự của kỳ họp bao gồm bốn nội dung lớn. Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua một dự án luật, ba dự thảo nghị quyết (đều theo quy trình tại một kỳ họp). Đó là dự án "1 luật sửa 8 luật"; nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Dễ hiểu là nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội đang được hết sức chờ đợi, bởi một số lĩnh vực được coi là đã tới ngưỡng chống chịu. Vấn đề không chỉ là có bao nhiêu tiền sẽ được rót vào nền kinh tế, mà còn là đầu tư vào lĩnh vực nào mới đúng và trúng trong bối cảnh ngân sách có quá nhiều nhiệm vụ chi. Cùng với đó phải là cả một chương trình với nhiều giải pháp ngắn và dài hạn; bao gồm cả việc khai thác các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy cải cách, thu hút đầu tư và đặc biệt là linh hoạt thích ứng, "sống chung" với dịch Covid-19.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một trong những yêu cầu tiên quyết để bảo đảm hiệu quả của chương trình là thực thi nhanh, kịp thời; nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa; có thời hạn triển khai chủ yếu trong hai năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp, gắn với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trong khi đó, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 có tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 146.990 tỷ đồng (dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025) được kỳ vọng tạo ra cú huých giải ngân đầu tư công. Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, cùng với 11 dự án thành phần giai đoạn 2017-2020, tuyến đường bộ cao tốc sẽ thông suốt dọc chiều dài đất nước với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, tạo sức lan tỏa, tạo ra động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Còn cơ chế đặc thù cho Cần Thơ, đô thị duy nhất đến nay chưa có cơ chế cho "bằng chị bằng em" với bốn thành phố trực thuộc Trung ương khác, kích hoạt sự phát triển Cần Thơ đến năm 2030-như được xác định rõ trong Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị-là "thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long".

Tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc

Mặc dù tháng 7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30, mở đường cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 với những giải pháp đặc biệt cho tình huống đặc biệt, để những chính sách đi vào cuộc sống một cách êm thuận, hạn chế tối đa những hệ quả phát sinh về lâu về dài, không thể dựa mãi trên những quy định tạm thời và đặc biệt. Cũng chính vì lẽ đó mà lần này, có tới tám đạo luật được xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Đó là Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Với sự giúp sức của khoa học-công nghệ, với kinh nghiệm vận hành các kỳ họp trực tuyến khá suôn sẻ thời gian qua, tới đây, các kỳ họp "bất thường" rất có thể sẽ trở thành một việc "bình thường", như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định khi kết luận phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này sẽ giúp cơ quan quyền lực tối cao kịp thời cân nhắc, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong tình thế đặc biệt; thiết kế, ban hành cơ sở pháp lý vững vàng để Chính phủ thực thi chính sách một cách êm thuận; đồng thời giám sát chặt chẽ để có sự điều chỉnh ngay khi cần thiết, bảo đảm nguồn lực của đất nước được sử dụng đúng đắn và hiệu quả nhất. Có như vậy, đất nước sẽ sớm vượt khó, tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.

Gần 340.000 tỷ đồng hỗ trợ tài khóa, tiền tệ phục hồi kinh tế

Dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội có tổng quy mô hỗ trợ từ tài khóa là 291.000 tỷ đồng, tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng và qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng. Những giải pháp được thiết kế trong chương trình có khả năng hấp thụ nhanh, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, tăng năng suất cạnh tranh, tính tự chủ nền kinh tế trong trung, dài hạn. Ngoài ra, chương trình này cũng sẽ giúp khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng với mục tiêu bình quân 6,5%-7% một năm trong 5 năm tới. Để có nguồn lực thực hiện chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội, Chính phủ trình Quốc hội tăng bội chi ngân sách, với tổng số tiền 24.000 tỷ đồng trong hai năm (2022-2023).