Dịch bệnh không phải điều đáng sợ nhất!

"Điều đáng sợ hơn cả đối với chúng tôi - những phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch, là việc Covid-19 khiến người người phải cách xa nhau, phải giãn cách xã hội, và chúng tôi sẽ không có nhân vật, không có sự kiện... Nói một cách khác, chúng tôi sẽ không được làm nghề". Những tâm sự ấy của các anh chị em phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga chắc chắn cũng là tâm tư của nhiều anh chị em, đồng nghiệp Báo Nhân Dân vẫn ngày đêm cống hiến, bất chấp hiểm nguy, vì niềm kiêu hãnh của tờ báo Đảng ở khắp các phương trời.

Đại diện Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp trao tặng khẩu trang chống dịch cho Công đoàn Sách và Xuất bản báo chí Pháp (CGT).
Đại diện Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp trao tặng khẩu trang chống dịch cho Công đoàn Sách và Xuất bản báo chí Pháp (CGT).

Niềm vui trong nghịch cảnh

Sáng 8-10-2020, tại TP Saint Petersburg (LB Nga) diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ đặt phiến đá tại nơi dự kiến xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh mơ hôm ấy, phóng viên K.L của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) nhắn cho tôi (Ngô Quế Anh (ảnh 2), Trưởng cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại LB Nga - TS): "Hôm nay mọi người cứ đi làm nhé, em chắc không đi được vì cả đêm hôm qua sốt".

Dịch bệnh không phải điều đáng sợ nhất! -0

Mùa dịch sợ nhất nghe thấy từ "sốt"! Đầu óc tôi lập tức "tua" lại một loạt hoạt động cùng nhau giữa hai cơ quan đại diện tại Nga của Báo Nhân Dân và VTV từ chiều hôm trước. Ba giờ chiều xuống xe ra ga, bốn tiếng ngồi tàu Sapsan (tàu hỏa tuyến Moscow - Saint Petersburg) cùng chung một cái bàn, xuống ga cùng lên xe chính quyền bạn đón, về khách sạn cả mấy anh chị em lại quây quần xuýt xoa bên bát phở nóng ăn vội, rồi cả đêm cùng nhau trên taxi, trên tàu thủy làm phóng sự Cầu mở ở Saint Petersburg. Thông thường, mỗi chuyến công tác chúng tôi đều cố gắng tận dụng tối đa thời gian, làm được càng nhiều đề tài càng tốt. Thế nên, dù sáng mai mới là sự kiện chính, thì chúng tôi cũng đã tất bật suốt cả chiều và đêm hôm trước. Tôi lại nhớ lúc ngồi trên tàu Sapsan, K.L kêu "muốn ho quá mà không dám!". Tôi còn tưởng bạn ấy đùa, nên trêu: "Em cứ ho thoải mái đi, trên tàu này có ai dám không đeo khẩu trang đâu mà lo!". Giờ nghĩ lại, ho, sốt và mỏi người, không lẽ K.L đã "dính" Covid-19?! Tính đến tháng 10-2020, các anh em báo chí ở Nga vẫn đang trụ vững, chưa anh em nào nhiễm bệnh dịch. Vậy nên tin K.L sốt thật sự làm chúng tôi lo lắng.

Tối hôm đó, Đại sứ quán tổ chức tiệc mừng thành công. Thế nhưng chẳng ai bảo ai, tất cả chúng tôi quyết định ra ngoài ăn, cũng là giữ cho mọi người và các bạn Nga, nhỡ đâu… Sau này, khi K.L có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, chúng tôi thấy quyết định của mình lúc đó thật sáng suốt!

Dịch bệnh không phải điều đáng sợ nhất! -0
Phóng viên Trần Thanh Thể tác nghiệp tại cuộc tập trận Kavkaz 2020. 

Trần Thanh Thể, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga, còn nhớ rõ từng chi tiết: "Anh K.L vẫn ho, nhưng ai cũng nghĩ cảm cúm bình thường. "Anh Thể ở cùng phòng với anh K.L được không?" - cô lễ tân hỏi. Nhìn anh K.L đang quấn chặt khăn lên cổ, tôi đáp: "Khách sạn còn phòng trống không?". Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ, đêm đó nếu tôi gật đầu cho xong chuyện, thì sự việc sẽ ra sao? Sáng hôm sau, tôi mang đồ ăn sáng lên cho anh. Qua một đêm vật lộn với cơn ho và sốt li bì, anh K.L đầu tóc rũ rượi, da trắng bệch. Mở cửa cho tôi, một tay anh K.L gập trước mặt, che mũi, một tay anh nhận đồ rồi gạt gạt, bảo tôi nhanh đi đi. Những lần tiếp tế đồ ăn và thuốc uống sau đó, tôi thấy anh K.L như gầy xọp đi từng giờ. Trong phòng, điện lúc nào cũng tắt. Anh nằm li bì suốt thời gian chúng tôi ở Saint Petersburg".

Ngày 9-10, sau sự kiện chính ở Saint Petersburg, chúng tôi có kế hoạch bay tiếp đi Kaliningrad, nơi một thời từng được coi là "thành phố cấm" bởi các công trình quân sự quan trọng nơi này - điểm đến cực kỳ cuốn hút đối với bất cứ ai.

Đến được Kaliningrad không phải dễ. Kaliningrad thuộc Nga, nhưng tỉnh này nằm biệt lập khỏi đất Nga, đến đây chỉ có một phương tiện thông dụng duy nhất là máy bay. Suy đi nghĩ lại, chúng tôi vẫn quyết định lên đường. Đoàn dự định ban đầu là năm người, nhưng "rơi rụng" quá nửa. Nguyên nhân đều do bị ốm - nghĩ thật nản! Có lẽ bởi vậy, việc hai phóng viên Báo Nhân Dân chúng tôi quyết định vẫn tiếp tục hành trình đã định không khỏi khiến đồng nghiệp lo lắng. Thuê xe như bên VTV đã khó, đến Kaliningrad mà hai F1 chúng tôi lại trở thành F0 thì… Những ánh mắt ái ngại. Những lời khuyên "hãy suy nghĩ kỹ", bởi ở Saint Petersburg đã khó thuê xe vậy, thì việc phải thuê bao cả một chuyến bay để về Moscow là điều không tưởng.

Nhưng rồi mọi việc đã diễn ra thật tốt đẹp. Kaliningrad cho chúng tôi những trải nghiệm tuyệt vời, và tất cả những trải nghiệm đó đã được lan tỏa tới bạn đọc của Báo Nhân Dân và bạn xem Truyền hình Nhân Dân, thông qua những bài viết, những phóng sự truyền hình mà chúng tôi thực hiện.

Trong cái rủi, lại có cái may. Covid-19 khiến đi lại khó khăn, nhưng một Kaliningrad vắng khách du lịch, một Kaliningrad yên ả êm đềm thì biết đến bao giờ tròn duyên để chúng tôi có thể được gặp lại lần thứ hai?

Xin chia sẻ thêm: vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cả gia đình tôi đã trải nghiệm thế nào là Covid. Nguồn lây bệnh, không đến từ những chuyến công tác, mà đến từ trường phổ thông, nơi con gái tôi vẫn đi học hằng ngày. Những vất vả, khó nhọc ấy cũng đã trôi qua... Và cũng may phóng viên Thanh Thể đã kịp tiêm chủng vaccine Sputnik V.

Nhìn thấy "nhà", mà không thể về!

Sáng 4-5-2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đề nghị Báo Nhân Dân tham dự buổi trao hỗ trợ lương thực, thực phẩm tặng Đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Trước khi đi, Trưởng đại diện bốn cơ quan báo chí Việt Nam cũng bàn nhau, cân nhắc việc cử phóng viên đi tác nghiệp như thế nào.

Dịch bệnh không phải điều đáng sợ nhất! -0

Cẩn thận không thừa, vì trong số sinh viên học tại đây, vừa phát hiện F0 mà không biết nguồn lây, số còn lại sẽ là F1 và có thể sẽ trở thành F0 bất cứ lúc nào. Tần ngần đứng trước cánh cổng khóa chặt của ký túc xá, chúng tôi bảo nhau: "Không dám vào, làm sao có tin hay?". Cùng đến với tôi (Trần Xuân Sơn (ảnh 1), Trưởng Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Lào - TS) là hai bạn phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt NamĐài tiếng nói Việt Nam, cả ba quyết định vẫn đề nghị xe chở đồ ủng hộ cho sinh viên vào ký túc xá, để lễ bàn giao diễn ra suôn sẻ, nhưng phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách triệt để nhất. Mấy hôm sau, có kết quả, khu vực ấy phát hiện F0, chúng tôi thành F1. Vẫn cười đùa, nhưng phải tới khi nhận giấy xác nhận xét nghiệm âm tính vài lần, chúng tôi mới âm thầm thở phào vì chắc chắn mình không nhiễm bệnh.

Với hầu hết phóng viên Báo Nhân Dân thường trú ở nước ngoài, cơ quan đồng thời là nhà. Cũng thật không may mắn, Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Lào lại nằm ở tâm một số ổ dịch. Có nhiều giai đoạn, bạn phong tỏa từng phần, hạn chế đi lại. Đôi khi, phóng viên thường trú đi tác nghiệp về mà không vào nhà - cơ quan được. Thành thử trước mỗi sự việc, chúng tôi đi dò các tuyến ngõ về nhà trước, chạy vài vòng để khi kết thúc vụ việc, có thể về được nhanh nhất.

Việc quyết định tham gia đưa tin hiện trường, ngoài những cân nhắc về việc theo sự kiện đến mức nào là đủ, còn cả áp lực từ việc cân nhắc giữa rủi ro nhiễm Covid-19 với độ nóng của thông tin. Bởi nếu sơ suất, ngoài những nguy hiểm cho bản thân, mỗi chúng tôi đều có thể trở thành nguồn bệnh lây cho đồng nghiệp.

Chúng tôi là phóng viên báo Đảng

Lần đầu tiên, chúng tôi - những phóng viên thường trú tại Thái-lan, chứng kiến một cái Tết Songkran ảm đạm đến thế. Trong suốt ba ngày Tết, chẳng còn được thấy cảnh những đám đông dù ướt nhẹp vẫn vui vẻ té nước vào nhau, cảnh những chiếc xe bán tải bật nhạc ầm ĩ, chở đầy người cùng thùng nước trên xe để té vào người đi đường.

Sau hơn một năm đại dịch bùng phát, nền kinh tế Thái-lan đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Năm 2020, nền kinh tế nước này tăng trưởng âm 6,1%. Chính phủ Thái-lan đã phải triển khai nhiều gói cứu trợ trị giá cả nghìn tỷ baht để kích thích kinh tế, hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Làn sóng dịch thứ ba, bùng phát từ đầu tháng 4-2021, tiếp tục giáng thêm một đòn nặng nề. Chính phủ Thái-lan buộc phải khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng dịch, hạn chế đi lại, đồng thời kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp áp dụng tối đa hình thức cho nhân viên làm việc tại nhà.

Đối với những phóng viên Báo Nhân Dân nói riêng và Việt Nam nói chung thường trú tại Thái-lan, đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra không ít khó khăn. Với khả năng lây lan mạnh mẽ của biến chủng SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu ở Anh, các ổ dịch liên tiếp bùng phát ở Thủ đô Bangkok. Có những ổ dịch có tỷ lệ lây nhiễm lên tới 10%, tức là cứ 100 người thì lại có 10 người nhiễm Covid-19. Bởi thế, giờ đây anh em không thể tự do vác máy ảnh lang thang ngoài đường, trò chuyện với người dân trên phố. Bất cứ khi nào đi ra khỏi nhà, đều phải trang bị đầy đủ khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tay. Thậm chí, khi lên kế hoạch công tác, cũng phải cân nhắc tránh những địa phương có yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người đến từ Bangkok.

Nhưng, Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Thái-lan đã thực hiện tốt nguyên tắc bảo đảm giãn cách xã hội, nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh. Ngay từ khi Chính phủ Thái-lan còn chưa ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, chúng tôi ra khỏi nhà là đã đeo khẩu trang y tế, trong xe luôn có sẵn dung dịch rửa tay. Đồng thời, trong lúc tác nghiệp cũng luôn bảo đảm giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc gần với người khác. Dù đã cẩn thận như vậy, nhưng cũng không tránh khỏi vài lần phải tự cách ly 14 ngày do tiếp xúc các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao. Rất may là cho đến nay, các phóng viên của Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Thái-lan vẫn giữ được an toàn trước dịch bệnh.

Để hạn chế nguy cơ, chúng tôi hạn chế việc sử dụng các phương tiện công cộng, như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, máy bay... Thậm chí, khi phải đi công tác đúng vào thời điểm làn sóng dịch Covid-19 thứ hai bùng phát ở Thái-lan, thay vì đi máy bay, chúng tôi thay nhau lái xe trên một quãng đường dài gần 1.800 km, mất gần 20 giờ đồng hồ cả đi và về để tác nghiệp.

Trong suốt thời gian diễn ra những đợt bùng phát dịch vừa qua, các phóng viên Cơ quan thường trú đã liên tục theo sát, phản ánh kịp thời các diễn biến tình hình dịch cũng như những ảnh hưởng và tác động của nó tới cuộc sống của người dân Thái-lan. Đồng thời, vẫn bảo đảm công tác tuyên truyền đối ngoại, đưa đầy đủ tin tức về tình hình kinh tế - xã hội Thái-lan, các hoạt động của cơ quan đại diện cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Thái-lan.

Dịch bệnh không phải điều đáng sợ nhất! -0

Khi tình hình dịch tại Thái-lan trở nên căng thẳng, những người thân trong gia đình, dù ở Thái-lan hay ở Việt Nam, cũng luôn lo lắng dõi theo. Thật trớ trêu là khi đưa tin, phản ánh tình hình dịch tại địa bàn, người thân đọc được lại càng thêm bồn chồn, lo lắng. Những cuộc điện thoại liên tục từ Việt Nam gọi sang hỏi han, nhưng tôi (Bùi Nam Đông (ảnh 3), Trưởng Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Thái-lan-TS) và anh em cũng chỉ biết trấn an bố mẹ, gia đình rằng mọi chuyện vẫn ổn, không có gì phải lo lắng.

Sau tất cả, và bất kể tình hình đại dịch diễn biến thế nào, chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cơ quan đã giao phó. Vì chúng tôi là những nhà báo. Vì chúng tôi là phóng viên Báo Nhân Dân, phóng viên báo Đảng!.

"Thật vất vả, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, với tâm huyết và nhiệt tình vốn có của người phóng viên báo Đảng, chúng tôi tự hào đã cùng đóng góp công sức bé nhỏ của mình, đưa đến cho bạn đọc, người xem bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch Covid-19 không chỉ tại Lào, mà cả ở các nước khác như Nga, Trung Quốc, Pháp, Thái-lan, Campuchia...

Nhà báo TRẦN XUÂN SƠN