Để luôn xứng đáng là Đảng của nhân dân

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta”.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.Ảnh: ĐĂNG KHOA
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.Ảnh: ĐĂNG KHOA

 Mỗi kỳ Đại hội, mỗi hội nghị của Đảng chính là sự tổng kết, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và bản lĩnh chính trị, để Đảng ta thật sự xứng đáng là Đảng cầm quyền, Đảng của nhân dân, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên con đường độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc.

Tuần này, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta”.

Thời gian qua, Trung ương đã bàn và ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả và “dấu ấn Nghị quyết Trung ương 4” ngày càng rõ nét. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI ngày 31/12/2011 đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", trên tinh thần đó là việc ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/3/2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban (tháng 2/2013).

Có thể nói đã có một sự thay đổi căn bản về công tác phòng, chống tham nhũng khi Đảng trực tiếp lãnh đạo công tác này và gắn phòng, chống tham nhũng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ra Nghị quyết Trung ương 4 "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". 

Điều đáng nói, Nghị quyết Trung ương 4 lần này không chỉ đưa ra chủ trương, định hướng mà đã cụ thể hóa các biểu hiện, hành vi làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tự soi xét và rèn luyện, đồng thời là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh những người vi phạm, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã có 87.210 đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật, trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý; 2.209 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, hơn 25.000 đảng viên bị kỷ luật vì có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Có lẽ chưa thời kỳ nào, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lại diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay. Công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý cán bộ vi phạm bất kỳ là ai được thực hiện không ngừng nghỉ dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã không những làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước mà còn củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tiền đồ xán lạn của đất nước.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường, đòi hỏi chúng ta phải có những nhận thức mới, cách làm mới, biện pháp và giải pháp phù hợp.

Mới đây, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực. Đây có thể coi là bước phát triển mới, thể hiện quan điểm cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... thể hiện tinh thần nghiêm túc và quyết tâm rất cao của toàn Đảng ta trong công tác quan trọng nhưng đầy khó khăn, thử thách này.

Phòng, chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để bảo đảm sự trong sạch, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì các nghị quyết của Đảng cũng như việc mở rộng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là để làm sao giữ được sự trong sáng và uy tín của Đảng, để người dân có niềm tin vào Đảng, vào bộ máy Nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như công tác phòng, chống tham nhũng được nâng lên một tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn của một đảng cách mạng luôn biết tự đổi mới, với vũ khí phê bình và tự phê bình sắc bén để tự hoàn thiện, nâng cao sức chiến đấu, hoàn thành sứ mạng thiêng liêng của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn trong Di chúc thiêng liêng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên chính là để thực hiện lời dạy thiêng liêng của Người. Một Đảng cầm quyền phải thể hiện được sức mạnh của mình, đó là vai trò tiên phong, tình đoàn kết, nhất trí từ hạt nhân của nó là các chi bộ, cơ sở Đảng và sự gương mẫu trong sáng của mỗi cán bộ, đảng viên. Để làm được điều đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác giám sát, kiểm tra đối với đảng viên là điều hết sức quan trọng.

Ngày 1/11/2011, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã ban hành Quy định số 47 về 19 điều đảng viên không được làm. Thực tế gần 10 năm triển khai thực hiện vừa qua cho thấy, các quy định này là rất cần thiết; những nội dung của Quy định đến nay cơ bản vẫn còn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Mỗi kỳ Đại hội, mỗi hội nghị của Đảng là một sự tổng kết, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và bản lĩnh chính trị, để Đảng ta thật sự xứng đáng là Đảng cầm quyền, Đảng của nhân dân, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên con đường độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc.

TS ĐINH VĂN MINH
Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ