Dấu ấn sắc nét vì hòa bình và an ninh quốc tế

Việt Nam vừa hoàn thành vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HÐBA) Liên hợp quốc (LHQ) trong tháng tư, ghi đậm dấu ấn đóng góp tích cực, hiệu quả trong lần thứ hai giữ cương vị điều phối tại cơ quan quyền lực cao nhất của LHQ. Ðảm nhiệm trọng trách đa phương đầu tiên sau thành công của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Việt Nam gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế về tầm nhìn, khát vọng phát triển và đường lối đối ngoại của đất nước trong giai đoạn mới.

Trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam chủ trì và tham gia xây dựng, thông qua chương trình làm việc trong tháng, điều hành các cuộc họp của HÐBA LHQ. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam chủ trì và tham gia xây dựng, thông qua chương trình làm việc trong tháng, điều hành các cuộc họp của HÐBA LHQ. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HÐBA 2020 - 2021 là lần thứ hai Việt Nam tham gia cơ quan giữ vai trò quan trọng nhất của LHQ. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng, xung đột và bất ổn tiếp diễn tại nhiều khu vực, trong khi đại dịch Covid-19 hoành hành, làm rối loạn và ngưng trệ các hoạt động kinh tế -xã hội trên toàn cầu, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia và đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả vào công việc chung của HÐBA. Việc hoàn thành khối lượng công việc lớn đã ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong năm đầu của nhiệm kỳ, và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo cơ sở vững chắc, động lực cũng như sự tự tin để Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm trọng trách quốc tế, nhất là vai trò Chủ tịch HÐBA trong tháng tư vừa qua.

Trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam chủ trì và tham gia xây dựng, thông qua chương trình làm việc trong tháng, điều hành các cuộc họp của HÐBA, làm "trọng tài" xử lý tranh chấp, khác biệt giữa các thành viên; đại diện cho HÐBA trong quan hệ với các cơ quan và các nước thành viên LHQ, cũng như với truyền thông quốc tế. Chương trình nghị sự của HÐBA trong tháng tư dày đặc với hàng chục cuộc họp, thảo luận về hàng loạt chủ đề ở tất cả các khu vực trên thế giới. Trong đó, nổi bật là ba "sự kiện điểm nhấn" mà Việt Nam chủ trì trên cương vị Chủ tịch HÐBA - các phiên thảo luận về những chủ đề gồm: Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột; khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn; và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Phát huy truyền thống hòa hiếu, nhân văn và tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của dân tộc, cũng như ước vọng của một đất nước yêu hòa bình, đổi mới và phát triển, Việt Nam cam kết và thúc đẩy đối thoại, đóng góp vào nỗ lực chung của HÐBA trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, đáp ứng lợi ích chính đáng của các quốc gia, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tốt đẹp hơn.

Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử và thông qua thực tiễn bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước vừa qua, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp thiết thực cho công việc của HÐBA nhằm nỗ lực xây dựng nền hòa bình bền vững trong khu vực và trên thế giới. Ðóng góp của Việt Nam thể hiện rõ nét trong việc lựa chọn và thúc đẩy thảo luận ba chủ đề nổi bật nêu trên, phù hợp mục tiêu, thể hiện sự liên thông của chủ trương "Ðối tác vì hòa bình bền vững" - được xác định là ưu tiên tổng thể, trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ Việt Nam tham gia HÐBA lần này. Theo đó, thúc đẩy gìn giữ hòa bình, an ninh thông qua xây dựng lòng tin, đối thoại và tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực; bảo đảm môi trường an toàn, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân ở những nơi có xung đột; giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh, coi đây là hành động nhân văn, nhân đạo và đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định sinh kế lâu dài cho người dân...

Dấu ấn sắc nét vì hòa bình và an ninh quốc tế -0
 Phiên thảo luận trực tuyến mở của Hội đồng Bảo an do Việt Nam chủ trì.

Phiên thảo luận mở cấp cao của HÐBA về chủ đề: "Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột", do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì theo hình thức trực tuyến, là điểm nhấn đặc biệt trong "tháng Chủ tịch" do Việt Nam đảm nhiệm. Sự kiện này đã phát huy thành công của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và tiếp nối, nâng tầm sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và LHQ mà Việt Nam đề xuất cũng như chủ trì phiên thảo luận trong năm đầu của nhiệm kỳ vừa qua. Qua đó, thể hiện sự gắn kết giữa vai trò thành viên có trách nhiệm của ASEAN với trọng trách tại HÐBA; gửi thông điệp về sự quan tâm của Việt Nam thúc đẩy vai trò của các tổ chức khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và ngăn ngừa xung đột.

Ðây là lần đầu lãnh đạo cấp cao Việt Nam chủ trì một sự kiện quan trọng của HÐBA, cũng là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của đất nước được triển khai ngay sau Ðại hội XIII của Ðảng thành công tốt đẹp. Sự kiện đặc biệt này gửi đi thông điệp ở cấp cao của Ðảng, Nhà nước Việt Nam về định hướng, tầm nhìn phát triển do Ðại hội XIII đề ra; tiếp tục khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Tháng Chủ tịch HÐBA vừa qua ghi đậm dấu ấn và bản sắc đối ngoại của đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, phản đối mọi hình thức chiến tranh và sử dụng vũ lực, đề cao Hiến chương LHQ, thượng tôn và tuân thủ luật pháp quốc tế. Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm của một thành viên HÐBA thúc đẩy đồng thuận và tìm giải pháp các vấn đề liên quan hòa bình và an ninh quốc tế.