Dấu ấn đối ngoại đa phương

Việt Nam tham gia Khóa họp thứ 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khi đang đảm nhiệm những trọng trách lớn của khu vực và thế giới. Trong những thông điệp của nước Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), lãnh đạo cấp cao Việt Nam khẳng định ủng  hộ chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế vượt qua thách thức chung. Đồng thời, nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên đối ngoại đa phương, tiếp tục đóng góp cho công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam có nhiều đóng góp giá trị trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1-2020.
Việt Nam có nhiều đóng góp giá trị trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1-2020.

Kỳ họp Đại hội đồng năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập. Từ 51 quốc gia tham gia khi mới ra đời năm 1945, LHQ nay đã có 193 thành viên, trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất, với hệ thống và hoạt động toàn diện, với mục tiêu và trọng trách lớn nhất là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, giải quyết các thách thức toàn cầu về kinh tế - xã hội, văn hóa và nhân đạo. Với những thành tựu nổi bật, LHQ đã khẳng định vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, giữ gìn hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó thách thức toàn cầu.

Trở thành thành viên LHQ ngày 20-9-1977, song ngay khi giành độc lập năm 1945, Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng tham gia LHQ, đồng thời vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt, nỗ lực vì khát vọng thiêng liêng của đất nước và cũng là mục tiêu chung của LHQ, đó là hòa bình, quyền tự quyết, bình đẳng cho mọi dân tộc. Trong chặng đường 43 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và LHQ luôn có ý nghĩa quan trọng, từ giai đoạn tái thiết sau chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, đến phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Hợp tác với LHQ góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh quốc gia và tạo môi trường ổn định, thuận lợi và nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Kết quả hợp tác tích cực vừa đáp ứng lợi ích quốc gia - dân tộc trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, vị thế và ghi dấu ấn Việt Nam.

Dấu ấn đối ngoại đa phương -0
Các chiến sĩ quân đội Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. 

Trong quan hệ với LHQ, từ vị thế là bên nhận viện trợ Việt Nam dần trở thành đối tác, hợp tác bình đẳng và đóng góp chủ động, tích cực và hiệu quả cho hoạt động của LHQ. Đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, cũng như quan hệ bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia vì hòa bình và phát triển toàn cầu, Việt Nam đã tham gia tích cực, đóng góp thiết thực, mang đậm dấu ấn Việt Nam trong cả ba lĩnh vực chủ chốt của LHQ. Trong lĩnh vực hòa bình - an ninh, Việt Nam kiên trì và nhất quán ủng hộ giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, tôn trọng độc lập, chủ quyền, giải trừ quân bị, ngăn ngừa chạy đua vũ trang. Trong lĩnh vực phát triển, từ một nước nghèo, bị bao vây cấm vận, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, trở thành nước có thu nhập trung bình; trở thành một trong số ít các quốc gia hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) của LHQ, đi đầu triển khai sáng kiến “Một LHQ” thành công. Về thúc đẩy quyền con người, Việt Nam ủng hộ và thúc đẩy đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng; hoàn thành và bảo vệ thành công báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ghi mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế và hợp tác với LHQ, khi mở rộng đóng góp cả nhân lực cho công việc chung của LHQ.

Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam tham gia ngày càng rộng rãi và hiệu quả vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ, đồng thời tranh thủ diễn đàn LHQ để mở rộng quan hệ song phương với các nước và tổ chức quốc tế. Đáng chú ý là, sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam vào việc xây dựng chính sách, cải tổ hoạt động của LHQ thích ứng ngày càng tốt trước thách thức toàn cầu mới, cũng như phù hợp sứ mệnh được cộng đồng quốc tế giao phó. Với những đóng góp hiệu quả, Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm cao bầu vào nhiều vị trí quan trọng tại LHQ, như Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hội đồng Nhân quyền LHQ... Đặc biệt, các nước hai lần dành ủng hộ cao bầu Việt Nam giữ chức Ủy viên không thường trực HĐBA. Là Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam phát huy “vai trò kép”, tiếp tục đóng góp vào công việc của HĐBA, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Trên cương vị Chủ tịch HĐBA trong tháng 1-2020, Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công phiên thảo luận chung lần đầu về hợp tác giữa LHQ và ASEAN, nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các tổ chức khu vực với LHQ. Việt Nam cũng phối hợp tốt với LHQ trong nỗ lực chống đại dịch Covid-19, đóng góp cho Quỹ Ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...

Chặng đường 43 năm hợp tác với LHQ chứng kiến những bước triển khai hiệu quả và nhất quán đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó ưu tiên thúc đẩy và nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, củng cố hòa bình và tăng cường hợp tác cùng có lợi. Thông qua diễn đàn LHQ, Việt Nam không chỉ giới thiệu một cách hiệu quả chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị và rộng mở, cùng những thành tựu toàn diện của công cuộc đổi mới, mà còn góp phần giữ vững môi trường hòa bình và điều kiện quốc tế thuận lợi, phục vụ phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.