Con người là trung tâm của quá trình phát triển

LTS - Tuần qua Nhân Dân cuối tuần tiếp tục nhận được những chia sẻ của nhiều trí thức tâm huyết với bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong số báo này, xin giới thiệu góc nhìn của PGS, TS Nguyễn Xuân Phong - Trưởng khoa Chính trị học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Ðầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là trọng tâm chính sách của Ðảng và Nhà nước ta. Trong ảnh: Giờ thực hành tại phòng thí nghiệm hiện đại của Trường đại học Trà Vinh.
Ðầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là trọng tâm chính sách của Ðảng và Nhà nước ta. Trong ảnh: Giờ thực hành tại phòng thí nghiệm hiện đại của Trường đại học Trà Vinh.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển… đã trở thành một định hướng chiến lược, một triết lý hành động xuyên suốt quá trình phát triển. Ðiều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát trong bài viết gần đây: Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người. Qua bài viết, Tổng Bí thư khẳng định mục tiêu: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Nhìn lại quá trình lãnh đạo của Ðảng để một lần nữa khẳng định những luận điểm của Tổng Bí thư trong bài viết đặc biệt quan trọng:

Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế đến đâu thực hiện công bằng xã hội đến đấy vì con người, không chờ kinh tế phát triển cao mới thực hiện công bằng xã hội hay hy sinh công bằng xã hội để tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, cũng không thể thực hiện tốt được những hoạt động phúc lợi, giảm bớt sự phân hóa, giảm bớt bất bình đẳng trên một nền kinh tế nghèo nàn, tăng trưởng thấp. Nhận thức này được Ðảng ta thể hiện từ Ðại hội Ðảng lần thứ VIII: "Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển". Nội dung này được tiếp tục thể hiện trong các Văn kiện sau này.

Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau, tăng trưởng kinh tế làm tiền đề vật chất bảo đảm thực hiện tốt các chính sách xã hội. Công bằng xã hội vừa là động lực, vừa là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo cho những đối tượng yếu thế chính là tạo được môi trường, động lực cho tăng trưởng kinh tế. Công bằng xã hội có thể khuyến khích mọi cá nhân vươn lên làm giàu, tích cực đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Quan niệm này được Ðảng ta thể hiện trong Ðại hội VIII của Ðảng: "Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo". Thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế nhiều thành phần nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội gắn với phát triển văn hóa

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hoá, Ðảng ta đã khẳng định: "Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội... Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội". Quan niệm này đòi hỏi các giá trị văn hóa tiên tiến phải được thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội để tạo nên những giá trị bền vững: "đưa các nhân tố văn hóa, tinh thần nhân văn thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ cách ứng xử trong gia đình, trường học, xã hội đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao tiếp" vì con người.

Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế nhằm tạo ra của cải vật chất. Còn phân phối công bằng là việc phân chia các sản phẩm xã hội sao cho hợp lý. Nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có nghĩa là kinh tế thị trường để phục vụ con người, vì con người. Vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng thể hiện ở chỗ: Nhà nước tạo môi trường, tạo cơ hội bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh; Nhà nước định hướng quá trình phát triển, phân bổ các nguồn lực; Nhà nước chế định thực hiện các chính sách xã hội, chính sách kinh tế; Nhà nước điều tiết phân phối thu nhập giữa các lĩnh vực kinh tế, bộ phận nhân dân, đồng thời phân phối lại thông qua phúc lợi xã hội; Nhà nước tạo cơ hội cho mọi cá nhân, tổ chức.

Phát huy sức mạnh của cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc tham gia hoạt động phúc lợi xã hội như: đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các đối tượng chính sách, đồng bào bị thiên tai, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người già cô đơn. Ðưa những hoạt động này thành một phong trào thực tiễn sâu rộng mang tính chất thường xuyên: "Thực hiện các chính sách bảo trợ trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn, nạn nhân chiến tranh, người tàn tật; xây dựng quỹ tình thương… Giúp đỡ những người bị thiên tai và rủi ro khác". Xã hội hóa hoạt động này, xem đây là trách nhiệm của mọi cá nhân, cộng đồng. Ðồng thời bảo đảm an sinh xã hội: "bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương".

Tăng trưởng kinh tế phải chú ý đến bảo vệ môi trường. Nhận thức rõ điều này, Ðảng ta quan niệm: "Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường". Tăng trưởng kinh tế gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết: Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội phải chú ý đúng mức tới lợi ích người lao động, nhân dân. Tăng trưởng kinh tế phải phục vụ mục tiêu vì người lao động. Việc chú ý đến lợi ích người lao động là động lực to lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ðảng chủ trương: "khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp". Sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là ở chỗ chúng ta xác định mục tiêu chung, vì con người, phát huy nhân tố con người: "tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người".

Như vậy, quan điểm của Ðảng ta trong quan hệ tăng trưởng kinh tế với các vấn đề xã hội đều gắn với con người, xem con người là trung tâm. Ðiều này đã thể hiện rõ được bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị mà chúng ta đang xây dựng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu đến năm 2045 chúng ta là một nước phát triển có thu nhập bình quân đầu người cao, con người ngày càng được hưởng hạnh phúc từ những thành quả kinh tế mang lại.