Chữ “đồng” trong hiện thực hóa khát vọng

Cử tri cả nước tin tưởng, các ứng cử viên trúng cử Quốc hội khóa mới lần này, đứng trước sứ mệnh lớn lao, sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến tại UBND quận 11, TP Hồ Chí Minh, sáng 11-5. Ảnh: HÀ AN
Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến tại UBND quận 11, TP Hồ Chí Minh, sáng 11-5. Ảnh: HÀ AN

Tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế một lần nữa cho thấy sự đồng thuận giữa Ðảng, chính quyền, với nhân dân chính là cội nguồn cho những bước chuyển lớn lao của đất nước. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, bị bủa vây bởi muôn vàn khó khăn, sau hơn ba thập niên nỗ lực, Việt Nam đã viết nên một câu chuyện thành công về phát triển. Trong quá trình đó, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định các giá trị tạo sự đồng thuận rộng rãi: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực tế lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, được đúc rút qua những vần thơ giản dị: “Khuyên ai xin nhớ chữ đồng/ Ðồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”; “Nước nhà giành lại nhờ tài sắt/ Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”.

Lý luận Mác - Lê-nin chỉ ra vấn đề của các nền dân chủ tư sản hay dân chủ tự do là các cá nhân hoặc nhóm ưu thế sẽ luôn giành chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh chính trị. Bởi thế, các chính quyền dân chủ tự do thực chất là chính quyền của các nhóm thiểu số quyền lực. Trong các xã hội tư bản, nơi chế độ sở hữu tư nhân được bảo vệ, thì quyền lực chính trị đích thực sẽ không thể thuộc về số đông nhân dân lao động.

Dân chủ XHCN là nền dân chủ hướng đến bảo đảm quyền làm chủ cho đa số nhân dân lao động. Theo đó, một nền dân chủ đích thực là nơi mà mọi cá nhân, không phân biệt vị thế xã hội, đều có thể thực thi quyền lực chính trị. Chính quyền dân chủ XHCN là chính quyền “của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân”. Quyền lực chính trị trong nền dân chủ XHCN thuộc về nhân dân lao động, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

“Ðại diện chính trị” là nguyên tắc phổ biến của các nền dân chủ hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, thế nào là “đại diện chính trị” là chủ đề lý luận vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Cũng bởi thế, các quốc gia có thể áp dụng nhiều mô hình đại diện chính trị khác nhau. Ðiển hình nhất là các mô hình “đại biểu thông thái”, “đại sứ của cử tri”, hay mô hình “đại diện ủy nhiệm” đã và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia.

“Ðại diện theo cơ cấu” là cơ chế đại diện chính trị được áp dụng trong các nền dân chủ XHCN. Theo đó, một chính quyền đại diện phải là chính quyền bao gồm đại biểu của mọi giai cấp, tầng lớp, và nhóm xã hội. Cũng bởi thế, cầm trên tay lá phiếu bầu cử, mỗi công dân đã trực tiếp thực hành dân chủ XHCN.

Ngay sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ trên báo Cứu Quốc ra ngày 21-1-1946: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Những ham muốn của Bác trong tư cách đại biểu Quốc hội (ÐBQH) cũng nhất quán với khát vọng đưa đất nước ta “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”; hay “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Cơ chế đại diện chính trị, giúp các ÐBQH có thể nêu quan điểm hoặc hành động trên tư cách thay mặt/đại diện cho một tập hợp người nào đó. Do đó, có thể nói, vai trò chính trị đặc biệt quan trọng của ÐBQH là bảo đảm cầu nối giữa những lợi ích, quan điểm của nhân dân và các hành động chính sách của chính quyền.

Việt Nam sẽ có 25 năm, tương đương với năm nhiệm kỳ Quốc hội, để biến khát vọng tới năm 2045 trở thành hiện thực. Bởi thế, các ÐBQH khóa XV tới đây chính là những người vinh dự được nắm giữ sứ mệnh nâng sự đồng thuận giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân lên cấp độ mới. Mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045 sẽ là thực tế hay chỉ dừng ở khát vọng phụ thuộc rất lớn vào việc chữ “Ðồng” được vun đắp, tôn bồi ra sao trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng như các nhiệm kỳ tới.