Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách

Chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên, tiết giảm tối đa các khoản kinh phí hội họp, công tác nước ngoài… đã được Chính phủ quan tâm thực hiện nhiều năm qua. Trong bối cảnh nguồn thu năm nay tiếp tục bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch, đòi hỏi quyết tâm cao và sự nghiêm minh trong việc chấn chỉnh thu - chi ngân sách.

Lô đất bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Ðăng
Lô đất bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Ðăng

Mối quan tâm xuyên suốt

Tháng 6/2020, tại hội trường Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9, đồng chí Phạm Minh Chính - lúc đó đang là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - nêu ra một vấn đề không mới, nhưng không dễ gì thực hiện. Khẳng định vẫn còn dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên, đơn cử như kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đồng chí Phạm Minh Chính trăn trở: “Các khoản chi thường xuyên chiếm tới hơn 65% tổng chi ngân sách nhà nước và chỉ cần tiết kiệm được 1%, chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng để bổ sung cho đầu tư phát triển và nhiều mục tiêu quan trọng khác”.

Không dẫn chứng cụ thể, nhưng là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông chắc chắn đã biết đến những trường hợp lạm dụng “hội nghị” và “công tác”, gây lãng phí không nhỏ. Báo chí từng nêu tên một bộ trưởng thời còn làm lãnh đạo bộ có năm tham gia tới 22 đoàn công tác nước ngoài với tổng thời gian 163 ngày, nghĩa là hơn một nửa thời gian làm việc trong năm!

Gần một năm sau, tháng 5/2021, đồng chí Phạm Minh Chính, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, như đã nêu trên. Các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6 chưa phân bổ (hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thật sự cần thiết cũng sẽ được đề nghị Quốc hội cho phép thu hồi.

Không chỉ dứt khoát và hết sức kịp thời, quyết định này còn chứng tỏ quan điểm nhất quán của người đứng đầu Chính phủ. Ông đã lựa chọn chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách như là một trong những việc cần làm ngay.

Ðồng lòng “thắt lưng buộc bụng”

Ðiều đáng nói là chỉ sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành ít ngày, tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên và đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ, cũng dành nhiều thời gian để phân tích kỹ và sâu về chi tiêu ngân sách.

Ông thẳng thắn chỉ rõ rằng, năm 2019, chi thường xuyên vẫn lên tới 65,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội quy định, chưa tuân thủ nghiêm ngặt Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu năm 2020 cần có số liệu chứng minh tiết kiệm chi thường xuyên là bao nhiêu tiền, tỷ lệ là bao nhiêu, nơi nào làm tốt, nơi nào chưa… để từ đó đánh giá thêm về hiệu quả tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế. Không chỉ có vậy, các dạng lãng phí khác như lãng phí tài nguyên, năng suất, thời gian lao động của cả khu vực công lẫn khu vực tư… cũng đã được ông đề cập. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, tình trạng dự án treo với tổng cộng khoảng 500.000 héc-ta gây lãng phí nguồn lực chính là một trong những trăn trở lớn của ông.

Thêm nữa, theo Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 56 của Ủy ban cho thấy, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2.900 tỷ đồng); cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách (ngân sách trung ương tiết kiệm được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Trong sáu tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1.000 tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6.400 tỷ đồng). Ðể có cơ sở định lượng cho việc cắt giảm, đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành khoảng 11.500 tiêu chuẩn Việt Nam. Tỷ lệ tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên khoảng 60%.

Tuy thế, như chính Báo cáo nêu trên của Chính phủ nhìn nhận, hệ thống pháp luật nói chung và về vấn đề này nói riêng còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa được khắc phục triệt để; việc tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; chi phí thi hành lớn. Và đây chính là một nguyên nhân gây lãng phí sức người, sức của.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy một số cơ quan vẫn còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian; kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thật sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn bất cập, hiệu quả chưa cao; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra, một bộ phận công chức, viên chức vẫn nhũng nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc liên quan người dân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh, hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%... phản ánh sức chống chịu của nền kinh tế đã suy giảm bởi dịch bệnh. Tiết kiệm là quốc sách, lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc chắn là phương châm phải thực hiện để bảo đảm phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, về lâu về dài, cũng cần thấy rằng, việc tăng cường hiệu quả đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu mới là gốc rễ lâu bền để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô. Tiết kiệm, dù dư địa còn lớn và là việc phải làm thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao, cũng có những giới hạn nhất định.

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, Chính phủ sẽ cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch). Ðồng thời, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường đầu tư phát triển và chi cho những nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.