Cải cách thể chế sâu rộng, bài bản

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra những mục tiêu và yêu cầu mới đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cho giai đoạn chiến lược 2021 - 2030, và nhiệm kỳ 2021 - 2025. Trong bối cảnh công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một chương trình cải cách thể chế sâu rộng và bài bản là hết sức cần thiết.

Cần xây dựng cơ chế “một cửa liên thông” trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Cần xây dựng cơ chế “một cửa liên thông” trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Sáu nghị quyết và những đổi thay trông thấy

Theo nghiên cứu vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố ngày 19/8 vừa qua, sáu nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (gồm các nghị quyết số 19 các năm 2014 và 2015 và các nghị quyết số 02 trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021) được ban hành đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, hàng nghìn điều kiện khác đã được bổ sung, sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy vậy, kết quả cải cách không đồng đều. Cải cách theo hệ quy chiếu của Ngân hàng Thế giới (Doing Business - DoB) có kết quả rõ nét hơn so các bảng xếp hạng khác, song trong 10 chỉ số DoB cũng chỉ có một nửa được cải thiện. Có hai chỉ số được thăng hạng vượt bậc, trong khi nhiều chỉ số, lĩnh vực “giậm chân tại chỗ”, thậm chí tụt cả hạng và điểm. Do đó, mục tiêu chung chưa đạt như kỳ vọng. Theo bảng đánh giá của Ngân hàng Thế giới, phần lớn các chỉ số đều có cải thiện nhất định so với trước. Tuy vậy, một số chỉ số chỉ cải thiện ở mức quá nhỏ so cải cách ở các nước khác; nên không tăng được thứ hạng cũng như điểm số.

Cần thêm sự phối hợp từ các ngành tư pháp 

Đi vào phân tích các lĩnh vực cụ thể, đáng lưu ý hơn cả là những lĩnh vực có liên quan tư pháp (như bảo vệ nhà đầu tư, giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp…) hầu như không có bất kỳ thay đổi tích cực nào trong 5 năm qua. 

Đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong củng cố niềm tin kinh doanh, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam được xếp ở thứ hạng 117, khá thấp. Đây là chỉ số đo lường mức độ dễ dàng trong việc khởi kiện của nhà đầu tư, cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ, thiểu số ra tòa án để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Theo các chuyên gia CIEM, trước mắt, cần thay đổi cơ quan chủ trì cải thiện chỉ số bảo vệ nhà đầu tư từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sang Bộ Tài chính. Bộ Tài chính cùng các cơ quan có liên quan tập huấn về quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư; nội dung, cách thức và định chế bảo vệ nhà đầu tư; tích cực triển khai thực thi, nâng cao hiệu lực quản trị công ty theo quy định của pháp luật. 

Về giải quyết tranh chấp hợp đồng, năm 2015, với 36 thủ tục, Việt Nam được xếp thứ 47, trong đó, thời gian trung bình mất 400 ngày, chi phí là 29% giá trị hợp đồng. Từ năm 2016, Ngân hàng Thế giới sử dụng chỉ số chất lượng quy trình xét xử thay cho số lượng các thủ tục. Năm 2016, chỉ số chất lượng quy trình xét xử của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18 điểm. Kể từ đó đến nay, không có cải thiện nào về thời gian và chi phí; riêng chỉ số chất lượng xét xử có tăng lên chút ít, đạt 7,5 điểm trong hai năm gần đây. Xếp hạng của giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm xuống, đứng thứ 68. So với mục tiêu mà các nghị quyết đặt ra là giảm thời gian từ 400 ngày xuống 300 ngày; nâng hạng lên 10 bậc; giai đoạn 2019 - 2021 nâng hạng từ 8 lên 12 bậc; năm 2019 ít nhất 3 bậc; năm 2020 lên 5 - 7 bậc thì rõ ràng còn phải phấn đấu rất nhiều. 

Trong bối cảnh phần lớn công việc phải làm để cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, từ ban hành pháp luật, cải cách hành chính tư pháp đến xét xử, đều thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao (trừ việc thi hành án thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp), thì sự quan tâm của Tòa án nhân dân tối cao và sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan này với các cơ quan hành pháp có ý nghĩa quyết định trong cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và các chỉ số khác liên quan đến hành chính tư pháp. Hay một chỉ số khác cũng rất đáng được phân tích là phá sản doanh nghiệp. Chỉ số này cũng không có bất kỳ cải thiện nào trong nhiệm kỳ vừa qua.

Cho đến nay, khó xác định cơ quan nào chủ trì thực hiện các cải cách để cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp. Tuy vậy, công việc trước hết phải làm là cải cách hành chính tư pháp: cắt giảm, đơn giản hóa, cụ thể hóa hồ sơ vụ án; điều kiện tiếp nhận đơn khởi kiện và thời hạn xử lý đơn để quyết định thụ lý vụ án, và các hoạt động liên quan khác... Xây dựng cơ chế “một cửa liên thông” (tương tự như Chính phủ đã làm) trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành các quy trình nghiệp vụ thống nhất về công tác hành chính tư pháp; trong đó có hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn cho những vụ việc có giá trị nhỏ; triển khai thực hiện các dịch vụ hành chính tư pháp theo cấp độ 3 và 4 (như nộp đơn khởi kiện, nộp chứng cứ tố tụng bằng phương thức điện tử, trước hết đối với loại án kinh doanh thương mại…). Các trang thông tin điện tử của Tòa án cần cập nhật thường xuyên thông tin về giải quyết vụ án, thủ tục tố tụng, biểu mẫu pháp lý cần sử dụng trong hoạt động tố tụng. 

Trước yêu cầu và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng cùng với chuyển biến tích cực nội bộ các ngành tư pháp. Chỉ như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam mới đủ tốt, đủ nhanh, góp phần thúc đẩy tiến độ hồi phục của nền kinh tế sau thời kỳ đại dịch.