Bỏ thủ tục rườm rà, tăng cường ứng dụng công nghệ

“Thừa không chi được - thiếu lần chẳng ra”, hay tình trạng kết dư các quỹ ngắn hạn quá lớn là bất hợp lý tồn tại trong thu chi Quỹ Bảo hiểm xã hội. Do tính chất của quỹ đóng - hưởng, nguồn tiền không được phép chi vào các việc khác, kể cả là mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Muốn cải thiện hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội, tránh tình trạng luật pháp không thể đi vào ngóc ngách cuộc sống, trước hết, các cơ quan, bộ, ngành có liên quan phải bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quỹ. Tiếp đó, cần tháo gỡ, cải cách thủ tục gây phiền hà cho người dân, đẩy mạnh áp dụng công nghệ. Đó là những bước đi giúp giảm tiêu cực, quan liêu trong quản lý hành chính.

Bỏ thủ tục rườm rà, tăng cường ứng dụng công nghệ

Từ góc nhìn của một luật gia, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (trong ảnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên Hãng Luật Giải Phóng đã chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần chung quanh việc cải thiện hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội, tránh tình trạng luật pháp xa rời thực tế, không thể đi vào cuộc sống.

- Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và một số thành viên UBTVQH cho rằng việc kết dư các quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn, trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn như hiện nay là bất thường. Là luật gia, ông suy nghĩ thế nào về nhận định này? 

- Đúng là rất bất thường, đặc biệt là với các quỹ ngắn hạn. Điều đó cho thấy có thể mức thu hiện tại quá cao, hoặc các điều kiện được hưởng chính sách từ quỹ quá thắt chặt, hoặc hai yếu tố này không hài hòa. Điều đó không chỉ tạo thêm gánh nặng cho người lao động mà còn làm giảm cơ hội được tiếp cận các phúc lợi xã hội từ nguồn quỹ do chính họ đóng góp. 

- Chứng kiến quá trình triển khai thực hiện các chính sách xã hội thời gian qua, đặc biệt là liên hệ với việc triển khai các gói an sinh xã hội để khắc phục khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19, ông có nhận xét gì? 

- Về chủ trương, tôi đánh giá cao sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ trong các thông điệp, ngắn gọn nhất là “tuyệt đối không để dân thiếu ăn, thiếu mặc”. Tuy vậy, thực tế theo số liệu mà báo chí phản ánh từ các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh - là địa bàn tôi đang sống - thì việc tiếp cận các gói an sinh xã hội còn khó khăn, chưa kịp thời. Qua nhiều nguồn tin và sự quan sát, tôi thấy còn người dân nằm trong các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19 vẫn chưa nhận được hỗ trợ. 

- Theo ông, cần phải làm gì để những chính sách hỗ trợ thật sự đến được doanh nghiệp và người lao động, để thật sự “không ai bị bỏ lại phía sau”? 

- Chính phủ đã có chủ trương, để chính sách sớm đi vào thực tiễn, thì cần tháo gỡ, cải cách những thủ tục hành chính đang gây phiền hà không cần thiết cho người dân. Thí dụ có hộ dân đại diện tổ dân phố, khu phố trực tiếp đến tận nơi xác nhận hoàn cảnh gia đình của họ rồi, thì phải hỗ trợ ngay, chứ không bắt họ phải xin giấy tờ xác nhận này nọ nữa. Phòng, chống dịch là khẩn cấp, thì cứu trợ cho người dân khó khăn cũng khẩn cấp không kém. Ngoài ra, đất nước đang ở thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 nên mọi thủ tục hành chính, bao gồm cứu trợ khẩn cấp cũng cần sử dụng triệt để các ứng dụng công nghệ. Có công nghệ sẽ rút ngắn thời gian, chi phí để mọi chính sách sớm đến với người dân. Công nghệ cũng góp phần làm giảm tiêu cực, quan liêu trong việc giải quyết thủ tục hành chính công. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc thống kê, rà soát các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thí dụ, muốn biết gói ngân sách cần hỗ trợ là bao nhiêu thì phải có số liệu về người dân tạm cư ở thành phố, từ số dân tạm cư sẽ rà soát tiếp các đối tượng khó khăn theo các mức độ ưu tiên. Việc này cũng không quá khó, chỉ cần kết nối hệ thống tổ dân phố với các ứng dụng công nghệ có sẵn như mạng xã hội là có số liệu ngay. Số liệu này không chỉ làm căn cứ thuyết phục để Chính phủ sớm giải ngân ngân sách hỗ trợ mà còn phục vụ cho việc xây dựng các chiến lược, chính sách phòng, chống dịch bệnh nữa. 

- Theo ông, những giải pháp nào cần được Chính phủ và các ngành, các cấp triển khai để phục hồi kinh tế, đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới? 

- Tôi không phải chuyên gia kinh tế, nên mạn phép không bàn về các giải pháp phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nhìn chung các giải pháp phục hồi kinh tế phụ thuộc chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Chiến lược được xây dựng dựa vào cách tiếp cận như thế nào, sống chung với dịch hay kiểm soát dịch triệt để… Tôi nghĩ đây là “bài toán” khá hóc búa để ra quyết sách chống dịch sắp tới, đặc biệt là khi TP Hồ Chí Minh tạo được miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine. Cá nhân tôi thiên về cách tiếp cận là khi có đủ dữ liệu về miễn dịch cộng đồng, tức giảm nguy cơ lây lan và tỷ lệ tử vong thì cần những chính sách theo hướng sống chung với dịch để phục hồi kinh tế, đưa thành phố về trạng thái bình thường mới.

- Xin cảm ơn luật sư!

8_1-1630048132257.jpg
 Giải quyết thủ tục hưởng hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG