Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Bảo vệ & phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai

Quốc hội khóa XV vừa kết thúc đợt 1 (họp trực tuyến) của kỳ họp thứ hai. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: Linh Nguyên
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: Linh Nguyên

Quy hoạch "tấc vàng"

Theo Tờ trình số 491/TTr-CP ngày 28/10 của Chính phủ, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu; độ che phủ rừng được nâng từ 39,1% năm 2010 lên 42,01% năm 2020 - góp phần bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011 - 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015 và 2016 - 2020) quốc gia, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra, cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch. Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn, bởi Điều 6, Luật Quy hoạch nêu rõ: "quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia", nhưng hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt. Trong khi, các địa phương chưa lập xong quy hoạch của địa phương, quy hoạch của một số ngành còn chưa rõ. Một số quy hoạch như quy hoạch nông thôn, quy hoạch hạ tầng thường xuyên thay đổi, không đồng bộ với quy hoạch đất quốc gia, dẫn đến sử dụng nguồn lực đất đai không hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) yêu cầu, các bộ, ngành liên quan cần cập nhật đầy đủ, sát với nhu cầu của các ngành, địa phương, để việc phân bổ chỉ tiêu không làm ảnh hưởng đến phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng ngành trong phát triển kinh tế.

Rà soát kỹ lưỡng để bảo vệ đất lúa

Tại các buổi thảo luận tổ, thảo luận trực tuyến, nhiều ý kiến đại biểu đề cập tình trạng người dân "di cư ngược" về quê từ các thành phố lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19, đã cho thấy rất nhiều gợi ý chính sách, nhất là về phát triển nông nghiệp hiện đại. Liên quan trực tiếp là vấn đề quy hoạch đất khu công nghiệp trên đất nông nghiệp thời gian tới.

Ủy ban Kinh tế cảnh báo, thời gian tới đất khu công nghiệp sẽ được chuyển đổi từ đất lúa có diện tích tương đối lớn (48,4 nghìn ha), khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất lúa đó, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp.

Về đất trồng lúa, theo Quy hoạch đã cơ bản bám sát Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Theo đề xuất của Chính phủ, trong số 3,568 triệu ha đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300 nghìn ha, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.

Đề xuất của Chính phủ nhận được nhiều đồng tình, song một số chuyên gia lưu ý: Đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Do đó, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa (tầng canh tác, hệ thống thủy lợi, không làm nhiễm mặn, phèn, làm ô nhiễm, thoái hóa đất). Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác thì cũng không dễ chuyển đổi trở lại thành đất lúa.

"Để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi", Ủy ban Kinh tế đề nghị trong Báo cáo thẩm tra.

Theo kế hoạch, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia lần này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong đợt 2 kỳ họp thứ hai (họp trực tiếp từ ngày 8 đến 13/11). Trên cơ sở quy hoạch sau khi được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện công bố công khai, phát huy vai trò giám sát của nhân dân; quan tâm đầu tư cho điều tra, đánh giá đất đai, hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; đồng thời thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,… Có như thế, mới mong "tấc đất, tấc vàng" - nguồn tài nguyên vô giá của quốc gia sẽ không bị lãng phí.

Theo dự thảo quy hoạch, diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348,77 nghìn ha; giảm tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng (101,8 nghìn ha), vùng đồng bằng sông Cửu Long (88,56 nghìn ha)… và nhiều diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp (trong đó có khu công nghiệp).