Ngược thượng nguồn

Thoáng miền Tây bên phố Hội

Ngày nhìn dừa nước mọc dọc bờ sông, đêm nghe tiếng chim cuốc kêu gọi bạn thiết tha, mà nghĩ, mình đang “trôi” trong miền Tây mênh mông chứ không phải đang sống bên bờ sông Đò (Hội An, Quảng Nam).
0:00 / 0:00
0:00
Sông Đò man mác, yêu thương.
Sông Đò man mác, yêu thương.

Sông Đò chảy quanh co và phân chia ranh giới giữa hai phường Cẩm Châu và Cẩm Thanh (Hội An). Sông Đò lấy nước từ sông Thu Bồn và đổ vào sông Đế Võng (còn gọi Ba Chươm) tại cầu Phước Trạch.

Dòng sông quê đổi phận

Hơn 20 năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ du lịch Hội An, dòng sông Đò cũng có sự chuyển mình khác xưa. Nhiều người tìm đến sông Đò, tìm cơ hội kinh doanh. Theo đó, đất dọc dòng sông đò cũng được thổi giá cao hơn nhờ có “viu” sông, “viu” (view) cánh đồng mềm mại, thoáng đãng và hàng loạt khách sạn, resort, homestay, villa thậm chí là làng villa mọc lên ven sông. Có thể khẳng định rằng, đây là dòng sông quê có mật độ kinh doanh dịch vụ lưu trú lớn nhất so với các dòng sông khác ở Việt Nam.

Sông Đò bắt đầu từ đường Huyền Trân Công Chúa, chảy qua chợ Bà Lê, dòng võng sâu vào đất Cẩm Châu rồi lại ngược về đất Cẩm Thanh - đây là hai cua dòng thần thái như cái móc sắt treo thịt bò hàng phở, tạo nên hai làng làm nông nghiệp, làng rau Thanh Đông (Cẩm Thanh), làng nuôi vịt Cẩm Sơn (Cẩm Châu). Chảy qua hai làng, dòng cảm thấy “mệt” bởi khúc quanh. Và sông Đò “cắm đầu” lao thẳng ra phía biển...

Nhưng rồi “kế hoạch” của sông Đò đã bị phá sản. Sông Đế Võng chảy song song với bờ biển, dòng bắt nước từ vịnh Cửa Đại ngược về làng rau Trà Quế và “cuốn” sông Đò vào lòng mình. Theo đó, đứng trên cầu Phước Trạch sẽ nhìn thấy hai màu nước sông khác biệt và dần hòa trộn vào nhau.

Bà Silvia (Vương quốc Bỉ), đã nghỉ hưu, sang Hội An, thuê một căn villa tại làng rau Thanh Đông đã nhiều năm. Bà học được một chút tiếng Việt và đã nói được nỗi sợ hãi của mình bằng tiếng Việt. Bà Silvia kể: “Khi bão Noru ập đến, gió rít trên mái nhà, khung cửa. Tiếng mái tôn nhà ai đó cứ “xoeng xoeng”, tôi sợ co rúm người. Cô bé hàng xóm trú bão bên nhà tôi, an ủi tôi, bà ơi không sao đâu. Bà ơi không sao đâu!”.

“Tôi muốn cuộn tròn mình lại, lăn vào một góc nào đó. Nhưng giọng cô bé nói, tôi cảm thấy cô bé che chở tôi. Chúng tôi nắm tay nhau vững vàng hơn”- bà Silvia nói.

Làng rau Thanh Đông thuộc diện đất nhoai nhờ dòng lấn, chuyên thâm canh rau hữu cơ và cũng làm du lịch. Tại đây, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cống lấy nước từ sông Đò vào đồng và thoát nước từ đồng vào sông Đò, tránh ngập úng. Những cái cống thô sơ của thời sắt thép, xi-măng còn hiếm và đắt đỏ, dựng lên dọc theo cánh đồng và bờ sông.

Du lịch đem đến một nguồn thu nhập cho nông dân trên cánh đồng Thanh Đông, nên ruộng đẹp, bờ vuông, cỏ xén sát gốc và người dân cày cuốc vẫn nở nụ cười. Nhưng ba năm nay, chuyện đó lại là của ngày hôm qua chưa trở lại. Năm 2019, ông Hà Văn Tùng, ngụ xóm Thanh Đông đã từng làm một căn nhà bốn cột bằng gỗ, lợp tàu dừa nước, phối cảnh đẹp nên thơ bên bờ sông.

Năm 2020, khách du lịch ít ỏi, tháng 10-2020, bão đổ bộ, mái nhà nằm úp lên nền đất, bốn cây cột đứng chuyển trạng thái nằm ngang. Ông Tùng cười xòa: “Làm lại thôi”. Năm 2021, ông đổ cột bê-tông, vẫn lợp tàu dừa nước, cơn bão Noru bứng gọn phần trên, ông Tùng chẹp miệng: “Bao phen thử thách bởi trời”.

Ở một phía khác của dòng sông, thôn Cẩm Sơn ồn ào chợ vỡ. Lý do, đàn vịt không kêu thì thôi mà kêu cũng điếc tai mấy chập, mấy hồi. Bà Lê Thị Lương có lò ấp trứng vịt, chiều nào cũng đem trứng luộc bán bên chợ, bên đường. Cuộc sống bên bờ sông lúc buồn vui, ngày mưa, khi bão vẫn nhịp độ hiền hòa bởi đã có dòng sông hóa giải.

Thoáng miền Tây bên phố Hội ảnh 1

Một quán cà-phê trên đồng lúa, bên bờ sông Đò.

Nghề mọn trong dòng chảy

Có người nói, người Quảng Nam đã vào miền Tây lấy giống cây dừa nước về trồng trên những dòng sông xứ Quảng. Mà điều này tôi không những chỉ nghe một lần mà nhiều lần. Cây dừa nước không những chỉ mọc ở các con sông Quảng Nam mà đi vào Quảng Ngãi, theo lưu vực dòng sông Trà Khúc, sông Vệ cũng vô cùng nhiều. Nhưng với người dân đôi bờ, cây dừa nước mọc bên bờ sông là do thiên nhiên tìm cơ hội sống chứ không có chuyện tìm giống má xa xôi.

Trở lại với sông Đò, nơi tôi đã ở gần 5 năm nay mà cũng mới biết tên nó trong thời gian gần đây, chứ trước vẫn lầm tưởng nó không có tên riêng. Khi biết nó là con sông có tên riêng, đi hết dòng sông không thấy con đò nào mới hiểu ra rằng những cây cầu đã đẩy lùi con đò vào quá khứ.

Trước cửa nhà tôi ở có một bến thuyền neo đậu những con thuyền nhỏ đánh cá. Năm nào cũng thế, tôi đếm số lượng con thuyền neo đậu không thấy nó tăng lên mà cũng chưa giảm đi. Anh Nguyễn Văn Toàn thả lờ, thả lưới cá hằng đêm trên sông Đò, cho biết: “Có đêm được 200 nghìn đồng, có đêm được 400 nghìn đồng”. Nghe vậy, mà nghĩ cũng đủ thu nhập cho một gia đình nhỏ, an phận.

Nhưng gia đình anh Toàn chỉ có mình anh đi đánh cá, vợ anh buôn bán trên phố cổ còn có đồng tiền khác. Chứ như gia đình anh Trịnh Văn Thơm, anh Võ Văn Nhung... tối nào cũng thấy hai vợ chồng lóc cóc ra bến, xuống thuyền thả lưới. Và dù một người vẫn một con thuyền ngần ấy lưới cụ, hai người cũng một con thuyền ấy, rõ ràng thu nhập qua một đêm lưới sông, họ vẫn chỉ có thu nhập sêm sêm nhau. Và nhìn vào hoàn cảnh gia đình, hai vợ chồng chỉ biết đi đánh cá, nhà họ vẫn nhà cấp 4. Bên cạnh nhà họ là các dịch vụ nghỉ ngơi cho khách, một cuộc sống khác bên cạnh đời sông dân chài.

Lợi ích từ du lịch, dịch vụ vẫn ở phía khác, không bao giờ thuộc về họ.

Như thường lệ, 8 giờ tối họ đi thả lưới, 3 giờ sáng họ thức dậy bơi thuyền đến chỗ họ thả lưới tối qua và vớt lưới về.

Anh Nguyễn Văn Toàn, người duy nhất trong gia đình có năm người con, chỉ có anh theo nghề đánh cá của cha truyền lại. Tuổi nghề của người đánh cá sông Đò cũng đã trên 50, có người lên ông, và nghĩ chắc cái nghề này, trên dòng sông cũng đang mai một.

Nhưng một điều đáng ghi nhận ở những người đánh cá nơi đây là không ai dùng xung điện đánh cá trên sông. Điều đó tạo ra sự bình yên khó có sông nào ở khu vực sánh được. Ở gần thì biết họ hiền lành, và cũng có phần lười, vì con đường họ ra bến sông hằng đêm, cỏ mọc rậm cũng kệ. Những nhà hàng, villa kinh doanh, thỉnh thoảng lại tẩu rác ven đường nhưng họ không lên tiếng. Họ sợ phải đối mặt khi phải nói chuyện với chính quyền hoặc đôi co với hàng xóm về những điều phải quấy vì hàng xóm có điều kiện hơn họ và theo đó, họ cứ “nhắm mắt” mà qua.

Sông Đò không có đò qua. Sông Đò là dòng sông của du khách đến rồi đi mà chẳng biết tên, chỉ biết nước sông chảy khi vơi, lúc đầy và an bình quá đỗi.

Tại một nhà hàng ở Cẩm Thanh, người ta dựng sân khấu bằng bè tre nổi trên dòng sông, đây sẽ là một sân khấu nhỏ biểu diễn bài chòi và thỉnh thoảng tổ chức các “sâu” (show) diễn quy mô nhỏ cho khách thưởng ngoạn thư giãn bên dòng sông. Cũng tại điểm này, khách có thể đi trên cầu tre xuyên qua ruộng lúa, uống cà-phê và ngắm cánh đồng, ngắm dòng sông.