Thiệt mạng vì chủ quan và bất cẩn

NDO - Nhiều vụ ngạt khí đau lòng vừa qua tái diễn một lần nữa báo động về sự bất cẩn, khinh suất của người dân. Và những nạn nhân đã phải trả giá đắt bằng mạng sống của mình, để lại cho người thân nỗi đau khôn xiết.
Hiện trường vụ ngạt khí hầm biogas tại Ðan Phượng (Hà Nội).
Hiện trường vụ ngạt khí hầm biogas tại Ðan Phượng (Hà Nội).

Những cái chết thương tâm

Trưa 9-10, anh Uông Văn Ðệ, ở tổ 10, Hạ Mỗ, Ðan Phượng (Hà Nội) phát hiện nhà mình bị kẻ gian đột nhập, dùng xà cậy phá két sắt lấy trộm hơn 20 cây vàng. Biết đang bị công an truy lùng, ông Vương Văn Hùng (bố đẻ Vương Văn Mạnh, người cùng xã) đã sang nhà anh Ðệ thừa nhận con trai mình lấy trộm, cam kết sẽ trả lại vàng và đề nghị anh Ðệ rút đơn trình báo. Nửa đêm, Mạnh cùng cả nhà cậy nắp hầm biogas phía sau nhà lên để xuống lấy vàng. Vương Văn Quyết, em trai Mạnh xuống trước, buộc được túi vàng nhưng bị ngạt khí, ngất xỉu. Thấy Quyết xuống một lúc mà không thấy lên, Mạnh vội nhảy xuống cứu em trai nhưng cũng tử vong. Quá bất ngờ, ông Hùng nhảy xuống, đưa được hai con trai lên nhưng cũng bị ngộ độc, rất may đã qua cơn nguy kịch.

Không ít người thiếu hiểu biết, tự động xuống hầm biogas xử lý rồi vĩnh viễn không trở lại dương gian như vụ một người chết và hai người phải đi cấp cứu tại gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, ở xã Trung Hà (Thủy Nguyên, Hải Phòng); hai công nhân chết ngạt ở hầm biogas cơ sở chăn nuôi An Khang, xã Ðồng Thạnh (Gò Công Tây, Tiền Giang). Nhiều người bị cướp đi mạng sống quá bất ngờ. Thấy màng sinh học trong hầm ủ khí dày biogas lên, làm lượng khí lên ít, ông Lê Ðình Thạch, ở Xuân Khuê, Lý Nhân (Hà Nam) tháo nắp, bơm nước ra rồi dùng thang dây xuống hầm rửa hố biogas, bị ngất và chết ngay do ngạt khí độc. Thấy ông Thạch "mất tăm", con trai ông và hai người hàng xóm nhảy xuống cứu nhưng vì khí độc quá nhiều nên cũng tử vong. Nếu họ biết cách mở nắp hầm một lúc để khí bay hết, dùng gậy chọc phá màng sinh học, bơm nước vào đẩy lớp váng ra, chờ mấy tiếng đồng hồ mới xuống hầm, có lẽ đã không xảy ra hậu quả đau lòng.

Cũng chỉ vì chủ quan, bất cẩn, trưa 18-4-2011, khi bật bếp nấu ăn mà không thấy gas trào lên như mọi khi, Huỳnh Minh Thái và Huỳnh Minh Thắng ở xã Tân Bình (Châu Thành, Ðồng Tháp) nhảy xuống kiểm tra hệ thống đường dẫn khí từ hầm ủ biogas phía sau chuồng lợn của gia đình. Chừng 10 phút sau gọi mãi không thấy thưa, đứa cháu lội xuống hầm kiếm. Nghi có chuyện chẳng lành, mọi người kéo lên thì cả ba đã tắt thở...

Phòng là chính

Mặc dù những vụ chết ngạt thương tâm đã liên tiếp được cảnh báo, nhưng vẫn xảy ra. Người dân vẫn chủ quan, tự tiện chui xuống hầm biogas bất chấp nguy hiểm rình rập tính mạng bản thân. Ðau lòng hơn, nhiều người xuống cứu cũng bỏ mạng. Còn muôn nẻo dẫn đến cái chết tức tưởi do ngạt khí khi xuống giếng, bể nước ăn bỏ hoang lâu ngày, để than tổ ong sưởi ấm, chạy máy phát điện trong nhà khi cúp điện đi ngủ đóng kín cửa... Người dân không hoặc thiếu hiểu biết các quy trình, thao tác xử lý khi xuống hầm biogas; trong khi hầm tối, khí độc dưới đáy rất nhiều, nên vừa xuống bị nhiễm ngay lập tức; càng luống cuống, nồng độ mê-tan càng đậm đặc, càng nhanh tắt thở. Thiếu ô-xi, nạn nhân bị ngạt, bủn rủn chân tay, rối loạn trí nhớ dẫn đến hôn mê, chết não, tim ngừng đập. Thành giếng hoặc bể nước sâu xây lâu ngày bị nứt, nhiều cái bỏ hoang nên khí độc bồi lắng ở dưới đáy nhiều, trước khi xuống phải dùng gầu múc nước khuấy thông đáy, hoặc cây xanh giơ lên hạ xuống tạo lưu chuyển không khí.

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai là cơ quan chống độc tuyến trên nhưng rất hiếm khi có cơ hội chữa ngạt khí cho người nhiễm độc khi xuống hầm biogas, giếng vì đa số nạn nhân tử vong chỉ sau vài phút, không kịp đưa đến bệnh viện. Ngay cả trường hợp ngạt có thể cứu sống như ngạt hệ thống (do đun bếp than để cả đêm đóng kín cửa) sinh ra khí C02, ngăn cản hấp thụ O2, dẫn đến liệt cơ, chìm người nhưng với nhiều người nhiễm nặng, có sống cũng thành tật vì tổn thương thần kinh.

Căn nguyên của bất cẩn do thiếu hiểu biết vì không được cập nhật thông tin. Người dân nông thôn thường ít đọc báo, nghe đài, có khi người xây bể chủ quan không khuyến cáo hoặc khuyến cáo chưa đầy đủ nên người sử dụng không biết hoặc chưa rành các thao tác, quy trình sử dụng, bảo dưỡng. Biogas là hỗn hợp khí được sinh ra từ sự phân hủy những hợp chất hữu cơ dưới tác động của vi khuẩn trong môi trường yếm khí, trong đó thành phần chủ yếu là khí mê-tan (CH4) và carbonic (CO2). Thông thường, hầm biogas tự động thải bã nhưng không hoàn toàn thải hết được, lâu ngày bã chiếm dần thể tích tầng chứa gas, làm cạn đáy, cần vét. Khi muốn cải tạo, chỉnh sửa, mở rộng hầm biogas tuyệt đối không được xuống ngay mà phải dùng quạt thông gió (khí nặng thường chìm dưới hầm) thông khí, khi xuống phải đeo dây an toàn, dùng mặt nạ dưỡng khí, bình ô-xi hoặc giảm thiểu phải có khẩu trang, dây buộc để người ở trên thường trực kịp thời kéo lên khi gặp sự cố, nếu thấy mùi khí lạ, khó thở phải lên ngay. Người cứu cần bình tĩnh, tuyệt đối không liều lĩnh xuống để lãnh rủi ro.

Trong vụ ngạt khí ở Ðan Phượng vừa qua, để xuống hầm lấy tang vật vàng bị trộm cắp, lực lượng PCCC và cứu hộ cứu nạn đã huy động chiến sĩ có sức khỏe tốt, tinh nhuệ, dùng các thiết bị tốt nhất. Theo TS Trương Ðình Hồng, Trưởng khoa cứu hộ cứu nạn - Ðại học PCCC, chỉ có TP Hồ Chí Minh có lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp có thể xử lý những "ca" khó, ở nhiều tỉnh, thành vẫn thiếu nhân lực giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu khi cứu hộ những vụ ngạt khí phức tạp.

Hậu quả các vụ ngạt khí nói trên rất thương tâm. Do đó, việc chủ động đề phòng rất quan trọng. Trong đó tuyên truyền, cảnh báo, bổ túc kiến thức cho người dân là biện pháp cốt lõi, để không còn những cái chết vì thiếu hiểu biết.

* TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai): Với các trường hợp ngạt khí khi xuống giếng, hầm biogas, tử vong rất nhanh nên cấp cứu tại chỗ rất quan trọng để giành lại mạng sống. Nếu xử lý nhanh cũng chỉ cứu được người vừa xuống, nhiễm độc nhẹ còn ai bị nhiễm nặng thì vô phương cứu chữa. Phải kéo người bị ngạt ra nơi thoáng mát, thoáng khí, nhanh chóng hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt, bóp bóng...) để họ thở dễ dàng, nhanh hồi tỉnh. Cần hướng dẫn người dân biết cách sơ cứu, muốn vậy phải tăng cường tuyên truyền và tập huấn hồi sinh tim phổi cho mọi người, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.