Thích ứng biến đổi khí hậu và bài toán sinh kế

Ngư dân tỉnh Cà Mau khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ. Ảnh: Phương Bằng

Ngư dân tỉnh Cà Mau khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ. Ảnh: Phương Bằng

Với hơn 3.260 km bờ biển trải dài ở 28 tỉnh, thành phố có biển cùng hai đồng bằng châu thổ lớn ở miền bắc và miền nam, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi từ thiên nhiên, nhưng cũng là một trong những nước chịu tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn chủ động đóng góp có trách nhiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu quốc gia và toàn cầu.

Thông điệp về trách nhiệm và hợp tác

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đoàn kết quốc tế là cách thức duy nhất để chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tham dự COP26 ở cấp cao, Việt Nam gửi thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm với nỗ lực chung bảo vệ không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho nhân loại.

Phát biểu tại lễ khai mạc COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, nguồn nước, phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân”.

Bởi thế, theo Thủ tướng, “Ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân. Hành động phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu (COP26). Ảnh: TTXVN

Tiến trình biến đổi khí hậu ngày càng tạo thêm nhiều và dày đặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan. Ảnh: UNESCO.org

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu (COP26). Ảnh: TTXVN

Tiến trình biến đổi khí hậu ngày càng tạo thêm nhiều và dày đặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan. Ảnh: UNESCO.org

Khẳng định đòi hỏi tất yếu là cùng nhau kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất, Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố công bằng, công lý trong ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ hơn về giảm phát thải khí nhà kính, trên nguyên tắc trách nhiệm chung, song có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Các nước phát triển thực hiện đầy đủ các cam kết tài trợ và sớm đề ra mục tiêu hỗ trợ cho giai đoạn mới, cả về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực.Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết, “Cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng”.


Với lợi thế về năng lượng tái tạo, với nguồn lực quốc gia và sự hỗ trợ quốc tế, Việt Nam xây dựng và triển khai mạnh mẽ các biện pháp giảm khí nhà kính, cùng các nước bảo đảm thực hiện Thỏa thuận Paris, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Là thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn ưu tiên vấn đề ứng phó và thích ứng trong phát triển kinh tế -  xã hội, chủ động, tích cực hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan. Tại các sự kiện trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật những cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu.

Một phiên thảo luận quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh biến đổi Khí hậu - COP26. Ảnh: The New York Times

Một phiên thảo luận quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh biến đổi Khí hậu - COP26. Ảnh: The New York Times

Thông điệp hợp tác, chia sẻ trách nhiệm với công việc chung của cộng đồng quốc tế cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong một loạt hoạt động tiếp xúc cấp cao bên lề COP26, nhất là tại các cuộc gặp, làm việc với các nhà lãnh đạo Anh, nước chủ nhà Hội nghị, cũng như trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Các chuyến thăm chính thức và làm việc của Thủ tướng tại Pháp và Anh, những thành viên cùng tham gia UNFCCC, nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt, trong đó có y tế và chống biến đổi khí hậu. Kết quả tốt đẹp các chuyến thăm đã góp phần nâng tầm các mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Pháp và Anh.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi Khí hậu - COP26, các nhà lãnh đạo bày tỏ hết sức lo ngại trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái đất. Video clip: Truyền hình Nhân Dân – Nhân Dân cuối tuần.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi Khí hậu - COP26, các nhà lãnh đạo bày tỏ hết sức lo ngại trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái đất. Video clip: Truyền hình Nhân Dân – Nhân Dân cuối tuần.

Cuộc chiến sống còn

COP26 được khai mạc ngay sau khi Liên hợp quốc công bố một báo cáo khoa học của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), ngày 31/10. Theo đó, mỗi năm mực nước biển trung bình đã tăng từ 2,1mm trong giai đoạn từ năm 1993-2000 lên 4,4mm trong giai đoạn 2013-2021, phần lớn do các sông băng và núi băng tan chảy.

Trái đất nóng lên, làm tan chảy cả những khối băng tuyết nghìn năm ở hai đầu cực Trái đất. Ảnh: Livescience

Trái đất nóng lên, làm tan chảy cả những khối băng tuyết nghìn năm ở hai đầu cực Trái đất. Ảnh: Livescience

Đồng thời, năm 2021 cũng nhiều khả năng sẽ trở thành năm thứ bảy liên tiếp mà nền nhiệt toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, với nhiệt độ trung bình của năm cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1,09 độ C. Và điều đáng sợ là những hiện tượng thời tiết cực đoan, như thiên tai, bão lũ, hạn hán… đã xảy ra với tần suất dày đặc, đến mức độ trở thành một kiểu “trạng thái bình thường mới”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Nói như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, “hành tinh đang thay đổi ngay trước mắt chúng ta”, với “Các hệ sinh thái và cộng đồng bị tàn phá”. Ông kêu gọi “COP26 phải trở thành một bước ngoặt đối với con người và hành tinh,” nhấn mạnh thế giới “phải hành động ngay bây giờ - với tham vọng và sự đoàn kết - để bảo vệ tương lai của chúng ta và cứu vớt nhân loại”.

Theo đánh giá hằng năm về những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan giai đoạn 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018, và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn. Năm 2017 được coi là năm kỷ lục về thảm họa thiên tai tại Việt Nam, với hơn 16 cơn bão, lũ lịch sử trái quy luật.

Nhiệt độ trung bình tại miền bắc và Bắc Trung Bộ cao hơn từ 0,5 – 1 độ C so với nhiệt độ trung bình của các năm trước. Sự thay đổi trong tần suất xuất hiện các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ngày càng rõ rệt. Biến đổi trong nguồn nước trong những năm gần đây cũng tăng đáng kể so với trước.

Bờ biển Hội An (Quảng Nam) ngày càng bị sạt lở nghiêm trọng do nước biển xâm thực. Ảnh: CTV

Bờ biển Hội An (Quảng Nam) ngày càng bị sạt lở nghiêm trọng do nước biển xâm thực. Ảnh: CTV

Việt Nam xác định ứng phó biến đổi khí hậu là “Cuộc chiến” có ý nghĩa sống còn và cấp thiết, đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển bền vững.

Chính phủ Việt Nam đã chủ động đưa các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các văn bản pháp luật, tạo cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Điển hình là một số chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu đã được ban hành, như Quyết định số 1055/QĐ-TTg, ngày 20/7/2020, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25/3/2021, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030”.

Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh, phù hợp điều kiện canh tác của từng tiểu vùng. Video clip: Truyền hình Nhân Dân - Nhân Dân cuối tuần.

Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh, phù hợp điều kiện canh tác của từng tiểu vùng. Video clip: Truyền hình Nhân Dân - Nhân Dân cuối tuần.

Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng xác định: Việt Nam cần “chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, carbon thấp… Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế… Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là định hướng nhất quán của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hương

Trồng rừng ngập mặn ở phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là định hướng nhất quán của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hương

Trồng rừng ngập mặn ở phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội

Chính phủ Việt Nam đã dành hàng tỷ USD cho công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu như lũ lụt, bão, hạn hán… với cường độ ngày càng khốc liệt. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật để triển khai thực hiện, như Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Việt Nam cam kết giảm mạnh điện than, đồng thời tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức 20% vào năm 2030 và 30% năm 2045, giảm mức độ phát thải trên tổng GDP xuống 15% năm 2030 và giảm phát thải khí methane trong sản xuất nông nghiệp xuống 10%. Từ tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh, qua đó giúp hấp thụ 2-3% lượng khí phát thải vào năm 2030.

Các đoàn viên thanh niên ra quân trồng rừng ngập mặn tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Các đoàn viên thanh niên ra quân trồng rừng ngập mặn tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Đầu tháng 10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Không chỉ ban hành các quy định và chương trình hành động ở tầm quốc gia, Chính phủ Việt Nam cũng lồng ghép cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vào trong các hoạt động của thanh niên, thế hệ tương lai của đất nước, nhằm bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Chúng ta đứng trước cơ hội chấm dứt lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, thay vào đó trở thành những người trông coi và chăm sóc thiên nhiên.
Thủ tướng Anh Boris Johnson

Ngày xuất bản: 8/11/2021
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, HOÀNG NGHĨA NAM, VÕ HOÀNG, SƠN NINH, QUỐC DŨNG, HỮU TÙNG, NGUYỄN HÀ, MINH KHÁNH
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG
Ảnh, Video: ĐĂNG KHOA, TRUNG HIẾU, TRƯƠNG HOÀNG THÊM, TTXVN…