DIỄN ÐÀN CHỦ NHẬT

Nhiệm vụ kép của thể thao Việt Nam

Mới đây nhất, Việt Nam đã có hai đại diện là nữ trọng tài Bùi Thị Thu Trang và trợ lý trọng tài Trương Thị Lệ Trinh được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) chọn vào danh sách ứng cử để từ đó tuyển chọn 56 trọng tài và 100 trợ lý trọng tài điều hành tại vòng chung kết Giải Bóng đá nữ thế giới năm 2023.

Theo FIFA, một trong những lý do để có được vinh dự này là Việt Nam đã tổ chức thành công các giải bóng đá nữ quốc gia trong năm 2020 do kiểm soát tốt dịch Covid-19, các trọng tài và trợ lý trọng tài không bị thời gian nghỉ ngắt quãng, bảo đảm duy trì hoạt động nghiệp vụ, phong độ điều hành và trau dồi năng lực cá nhân.

Những đánh giá khách quan trên đã góp phần khẳng định uy tín của thể thao nước ta nói chung, không chỉ ở lĩnh vực bóng đá nữ mà còn của nhiều bộ môn khác khi chúng ta thực hiện tốt việc phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, đưa hoạt động xã hội trở lại bình thường. Có thể thấy điều đó qua việc thể thao Việt Nam đã tổ chức thành công 148 giải thi đấu quốc gia trong năm vừa qua, nhất là Giải Bóng đá vô địch quốc gia V.League 1 - 2020 với các sân bóng tràn đầy khán giả, gây sự ngạc nhiên lớn và thán phục trong lòng bạn bè quốc tế, đồng thời cử nhiều đội tuyển tham dự 18 cuộc thi đấu quốc tế, giành được nhiều Huy chương vàng, bạc cùng năm suất chính thức dự Ô-lim-pích Tô-ki-ô. Chúng ta cũng đã duy trì ổn định công tác tập luyện của các đội tuyển bộ môn tại tất cả các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, mở được 16 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên. Qua đó, giúp các trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Những thành tựu nêu trên thật đáng tự hào khi hoạt động thể thao rất nhiều nước trên thế giới gần như bị "đóng băng", nhiều giải đấu quốc tế và các giải đấu quốc gia ở các nước, kể cả ở các nước phát triển đã phải hủy bỏ, tạm dừng hoạt động trong thời gian dài, thậm chí là cả năm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập luyện, thi đấu và trình độ chuyên môn của các huấn luyện viên, vận động viên.

Bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đặt niềm tin vào Việt Nam trong năm 2021 với việc đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế và khu vực. Trong năm nay, chúng ta dự kiến sẽ tổ chức khoảng 175 giải thể thao trong nước và quốc tế, trong đó đặc biệt quan trọng là việc đăng cai tổ chức Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Ðại hội thể thao người khuyết tật Ðông - Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11). Những nỗ lực của Việt Nam trong việc chuẩn bị tổ chức cho hai đại hội trong bối cảnh nhiều khó khăn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm gắn kết cộng đồng ASEAN vì sự phát triển bền vững của thể thao khu vực và sự tự tin trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như những phương án hiệu quả để tổ chức thành công đại hội.

Ðến thời điểm hiện tại, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với những biện pháp ngăn chặn, phòng, chống kịp thời, Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh, từng bước đưa các hoạt động trở lại bình thường trong tình hình mới, vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội. Ðó cũng là nhiệm vụ kép của thể thao nước ta trong năm 2021. Ngay sau Tết Nguyên đán, 17 đội tuyển thể thao quốc gia với 300 vận động viên đã được tập trung trở lại tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia để tập huấn chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Giải Bóng đá vô địch quốc gia V.League 1-2021 cũng chính thức trở lại thi đấu từ ngày 13-3 tới cùng Giải Bóng đá hạng nhất quốc gia V.League 2-2021 khởi tranh từ ngày 19-3 trong điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch. Trong tháng 3 này, ngoài một số giải đấu khác, Giải vô địch quốc gia ma-ra-tông và cự ly dài báo Tiền Phong sẽ được tổ chức thu hút khoảng 5.000 vận động viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp tham gia tại Gia Lai. Cùng thời gian, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến tổ chức phát động cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2021 - 2030 và Ngày chạy Ô-lim-pích vì sức khỏe toàn dân năm 2021 trên cả nước nếu tình hình cho phép...

Tuy nhiên, dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhưng chúng ta không được phép thỏa mãn, chủ quan và phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu cho các vận động viên và người hâm mộ khi thể thao quay trở lại hoạt động bình thường. Những kinh nghiệm phòng, chống dịch và điều hành thể thao trong năm 2020 cần được phát huy và thực hiện quyết liệt, kỹ lưỡng hơn, duy trì theo hướng vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa làm tốt công tác huấn luyện, tập luyện, tổ chức thi đấu. Tổng cục Thể dục - Thể thao cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị, ban tổ chức giải đấu và địa phương, bám sát sự chỉ đạo của ngành y tế và Chính phủ, không để xảy ra những trường hợp vi phạm quy định, thực hiện xét nghiệm kỹ cho thành viên các đội tuyển được tập trung, thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn, hạn chế và kiểm soát số lượng người tại các giải đấu, cập nhật liên tục thông tin dịch Covid-19 và có phương án kịp thời điều chỉnh hoặc cho dừng ngay các giải đấu, cách ly ở các trung tâm huấn luyện nếu dịch diễn biến phức tạp...

Ðiều quan trọng là sự chung tay, đồng lòng của mọi người, từ các cấp lãnh đạo, quản lý của ngành thể thao, các địa phương, ban huấn luyện, vận động viên, người hâm mộ trong việc nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Làm tốt việc đưa thể thao trở lại tập luyện, thi đấu trong môi trường cộng đồng an toàn chính là cơ sở để thể thao nước ta chuẩn bị cho các giải thi đấu quốc tế quan trọng trong năm 2021 và tiếp tục là một trong những tấm gương tiêu biểu chiến thắng dịch bệnh của thể thao khu vực và thế giới.

TIẾN CƯỜNG