Tiếp tục khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

NDO -

NDĐT - Tiếp nối các công trình nghiên cứu khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam, ngày 12-12, tại TP Huế, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử". Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử trong cả nước.

Đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và các ban, ngành liên quan chủ trì tại hội thảo.
Đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và các ban, ngành liên quan chủ trì tại hội thảo.

Đề dẫn mở đầu Hội thảo, PGS, TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khẳng định: “Năm 1816, Vua Gia Long cử thủy quân ra cắm cờ ở quần đảo Hoàng Sa là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam, khẳng định chủ quyền biển đảo về phương diện Nhà nước của Triều đình Nhà Nguyễn ở Huế. Trong 200 năm qua, chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều biến động nhưng lịch sử chủ quyền Việt Nam đối với Biển Đông nói chung và hai quần đảo này là không thay đổi”.

Đây là lần đầu tiên được tổ chức tại Huế, Hội thảo "Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử" đã thu hút 27 tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử trong cả nước tập trung nghiên cứu nhiều nội dung phong phú, cung cấp những thông tin có giá trị về lịch sử, khẳng định vai trò, trách nhiệm của chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ đối với chủ quyền biển đảo.

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các chủ đề: vấn đề chủ quyền lịch sử; về sự hiện diện các thế lực nước ngoài, phản bác luận điểm xuyên tạc và sai trái lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa; về chủ quyền biển đảo đối với nhân dân các tỉnh miền trung.

Trong tham luận của mình, GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định chủ quyền lịch sử của Chủ quyền biển đảo Việt Nam và cho rằng: “Trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, năm 1816 là năm có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây là thời điểm mà vua Gia Long đã thi hành các biện pháp rất quyết liệt để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của vương triều Nguyễn ở Hoàng Sa, Trường Sa, cho nên ông không thể không đưa lực lượng thủy quân hùng mạnh của mình trực tiếp quản lý và bảo vệ chủ quyền ở các quần đảo giữa Biển Đông. Đến đây, chức năng bảo vệ biển đảo bắt đầu được chuyển dần từ các đội Hoàng Sa, Bắc Hải sang đội Thủy quân. Tuy nhiên, đội Thủy quân vẫn triệt để khai thác nhân lực, điều kiện và phương tiện hoạt động linh hoạt của đội Hoàng Sa, Bắc Hải trên vùng biển chủ yếu gồm các đảo đá, bãi cạn”.

Các địa phương được sử sách nhắc nhiều trong việc tham gia khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo trước đây là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế. Trong đó, nổi bật là Quảng Ngãi với đảo Lý Sơn, quê hương của Hải đội Hoàng Sa hoạt động từ thời chúa Nguyễn, Tây Sơn và đầu triều Nguyễn cũng được nhà báo Dương Phước Thu (Hội Nhà báo Thừa Thiên – Huế) và TS Bùi Gia Khánh (Trường đại học Tân Trào, Tuyên Quang) qua khảo sát thực địa đã cung cấp nhiều tư liệu quý về đóng góp của nhân dân địa phương.

Các tác giả rất cố gắng sưu tầm các nguồn tư liệu lưu trữ thời thuộc địa, thời Việt Nam Cộng hòa; tài liệu lưu trữ nước ngoài của Nhật Bản; hệ thống bản đồ cổ của Trung Quốc và phương Tây để chứng minh về chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận thêm về vai trò, trách nhiệm của chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ trong việc khai thác, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đóng góp của nhân dân, các địa phương, các ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo qua các thời kỳ; vị trí, chiến lược của Biển Đông và yếu tố nước ngoài xâm phạm, bài học từ quá khứ; giải pháp đấu tranh để khôi phục chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của biển, đảo hiện nay.

Thông qua hội thảo lần này nhằm góp phần làm rõ hơn chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử; từ đó định hướng nhận thức và đề ra những quyết sách phù hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; đồng thời, phản bác các lập luận và hành động sai trái của một số nước cố tình xuyên tạc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.