Niềm tự hào được Tổ quốc gửi trao

NDO -

NDĐT- "Đừng nghĩ về khó, về khổ, mà hãy nghĩ về niềm tự hào được Tổ quốc trao, để ngẩng cao đầu hoàn thành nhiệm vụ" - cô Giáp chúc chúng tôi ngày chia tay trên cầu tầu cảng Cát Lái...

Cô Trần Thị Giáp trên cầu cảng Trường Sa Lớn
Cô Trần Thị Giáp trên cầu cảng Trường Sa Lớn

Phòng D9 tàu Trường Sa HQ 571 nơi tôi được "biên chế" được coi là một căn phòng đặc biệt. Căn phòng be bé này có sự hiện diện của tất cả sáu phóng viên nữ cùng nữ chiến sĩ Hải quân duy nhất trên tàu, và sự góp mặt của một người đồng hành đặc biệt - cô Trần Thị Giáp, nữ Việt Kiều 70 tuổi đời, 46 năm tuổi Đảng, đã vượt hành trình dài từ Cộng hòa Séc về để hoàn thành tâm nguyện được một lần đến Trường Sa.

Ngay phút giây làm quen, cô Giáp đã làm chúng tôi thật sự xúc động. Nhiều năm làm báo, coi như chuyện đi lại đã được "rèn luyện" rồi, nhưng giữa biển trời mênh mang, sự hiện diện của cô Giáp thật sự đã truyền nhiệt huyết mạnh mẽ cho chúng tôi. Nhiều năm công tác, ở nhiều vị trí, sau đó ra nước ngoài, nhưng suốt mấy chục năm qua, bên cạnh nhiều hoạt động hướng về biển đảo Tổ quốc, cô luôn nuôi nguyện ước được một ngày tới Trường Sa để "cảm giác Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió trong con tim và khối óc, để biến tình yêu Tổ quốc thành những hành động thực tiễn dành cho quân và dân Trường Sa". Món quà vật chất cô Giáp đem ra có thể còn rất nhỏ nhoi, nhưng tôi nhìn thấy những giọt nước mắt rơi trên gò má sạm nắng gió của anh chiến sĩ Hải quân trẻ, khi rưng rưng nghe cô hát khúc hát mẹ ru.

"Đừng nghĩ về khó, về khổ, mà hãy nghĩ về niềm tự hào được Tổ quốc trao, để ngẩng cao đầu hoàn thành nhiệm vụ" - cô Giáp chúc chúng tôi ngày chia tay trên cầu tầu cảng Cát Lái như một lời nhắn về ý thức trách nhiệm với Tổ quốc của mình.

"Cứ lên thuyền, là ra đảo", "hai mươi năm qua, cuộc đời tôi gắn với Trường Sa" - lời tâm sự tự hào của những người gác hải đăng ngày đêm giữ từng nhịp đèn sáng, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trên từng chấm nhỏ trong hải đồ, đã cho chúng tôi thấy, Trường Sa không xa.

Có gì thân thương và gần gũi hơn những trò chơi con trẻ dưới tán mát của cây bàng, nơi những cô bé cậu bé véo von bài đồng dao và người lớn đi nốt mấy nước cờ, chơi cho xong trận bóng chuyền cuối ngày trước khi cùng quây quần quanh bữa tối. Biết mình trùng tên với con trai tôi, cậu bé Nguyễn Chinh Si - học sinh lớp 2, Trường tiểu học Thị trấn Trường Sa - mời tôi "về nhà con cùng ăn tối cho giống ăn tối ở nhà cô". Bất giác trong tôi, khoảng cách giữa đảo và đất liền như không còn tồn tại. Trong đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa lớn, một người cha - Hải quân đã nối điện thoại di động để con trai mới hai tuổi của anh và người vợ trẻ đang ở tận Đồng Nai cùng chia sẻ không gian văn nghệ với quân dân trên đảo.

"Đất liền cứ yên lòng, bởi bộ đội Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo" - Thượng úy Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Đông B nhắn với chúng tôi khi chúng tôi lên xuồng rời đảo, sau khi bảo người đồng đội, cũng là người bạn thân năm năm mới hội ngộ, rằng "đừng khóc, nước mắt dành cho ngày gặp lại".

"Chúng tôi đã hy sinh nhiều mong muốn cá nhân để cả đời gắn bó với các trạm hải đăng, với vùng biển đảo của Tổ quốc. Chỉ mong đất liền luôn là hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm công tác" - ông Nguyễn Văn Thu, Trạm trưởng hải đăng Sinh Tồn, chia sẻ. Tình cảm rưng rưng đó khiến chúng tôi ý thức hơn về trách nhiệm xã hội của mình, về nghĩa vụ nối liền khoảng cách biển đảo và đất liền, góp phần hun đúc hơn tình yêu Tổ quốc trong lòng mỗi người con đất Việt, bắt đầu từ chính việc giữ lửa nghề trong trái tim mình.

Có một "bài học" truyền thông khác mà Trường Sa "dạy" cho người làm báo, đó là nhạy cảm chính trị qua từng con chữ. Qua nhiều năm với bao chuyến tàu, lớp lớp nhà báo đã đến các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn ở Trường Sa, đem hơi ấm đất liền đến với quân, dân huyện đảo, và cũng đem tìm cảm ấm nồng, sức sống mãnh liệt của mỗi con người, viên đá, hàng cây nơi đây về đất liền. Cuộc sống của người chiến sĩ, thợ gác đèn, nụ cười của mỗi em bé và niềm vui của những bà mẹ trẻ... theo chuyến tàu rời đảo đến với mỗi bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc. Có những câu chuyện "thật" lắm, "đời" lắm, nhưng không thể kể hồn nhiên, bởi trách nhiệm chính trị của người viết "nặng" hơn câu chữ rất nhiều. Nhưng cũng phải tinh ý lắm, nhạy cảm lắm, thì người viết mới "lách" ra khỏi sự cám dỗ được chia sẻ của một người kể chuyện. Vì thế, chuyến đi Trường Sa đã phần nào giúp người làm báo "lớn" lên rất nhiều trong ý thức chính trị, một cách rất tự nhiên.

Đối với mỗi phóng viên, ra Trường Sa vừa là nhiệm vụ cũng là mong ước và tự hào. Với phóng viên nữ, được trực tiếp tác nghiệp ở Trường Sa càng khó quên hơn, vì đó là những kỷ niệm, những trải nghiệm đặc biệt trong đời. Bởi, những phút giây quý nơi Tổ quốc ở Trường Sa đem đến cho mỗi người ý nghĩa lớn lao khác trong cuộc sống...

Niềm tự hào được Tổ quốc gửi trao ảnh 1

Phút chia tay giữa nữ phóng viên trẻ và chiến sĩ đảo Đá Nam

Niềm tự hào được Tổ quốc gửi trao ảnh 2

Tác nghiệp ở đảo Đá Đông

Niềm tự hào được Tổ quốc gửi trao ảnh 3

Tác giả và công dân nhỏ của Thị trấn Trường Sa Nguyễn Chinh Si