25 năm trận chiến Gạc Ma: Hội ngộ tháng ba

NDO -

NDĐT– 25 năm kể từ ngày 64 chiến sĩ hy sinh anh dũng tại trận hải chiến ở đảo Gạc Ma, lần đầu tiên những cán bộ chiến sĩ, thân nhân gia đình liệt sĩ hy sinh năm ấy đã hội tụ giữa phố biển Đà Nẵng.

Thân nhân của các liệt sĩ Đà Nẵng hy sinh trong trận Gạc Ma.
Thân nhân của các liệt sĩ Đà Nẵng hy sinh trong trận Gạc Ma.

Ký ức về “Vòng tròn bất tử”

Giữa tháng 3-1988, các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 Hải quân được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam). Đến chiều tối ngày 13-3, tàu HQ-604 đến vùng biển Gạc Ma, tàu HQ-505 đến Cô Lin và tàu HQ-605 thẳng tiến đến Len Đao.

Sáng ngày 14-3, hải quân Trung Quốc thả thuyền nhôm và quân đổ bộ lên đảo, giật cờ Việt Nam tại đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ trên đảo đã cùng nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn nhằm bảo vệ không để mất cờ.Tàu Trung Quốc đã bắn pháo vào tàu 604 của Việt Nam làm tàu hư hỏng nặng và chìm dần xuống biển. Đồng chí Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng, đồng chí Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 cùng một số đồng chí trên tàu đã hy sinh.

Cả ngày 14-3-1988, các anh đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền tổ quốc. 64 chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn ra đi trong trận chiến đầy khốc liệt đó. Các đồng chí đã không trở về đất mẹ, với bao ước vọng của tuổi xuân chưa kịp thực hiện. Trong 64 chiến sĩ ấy, có chín người con của TP Đà Nẵng anh hùng…

Mãi mãi tuổi xanh

25 năm trôi qua, dường như trên những con tàu lướt sóng giữa trùng khơi mênh mông vẫn còn nghe thấy tiếng của các anh. Để tưởng nhớ và tri ân tới các anh, Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng phối hợp cùng Thành Đoàn Đà Nẵng, đài PTTH Đà Nẵng và Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tổ chức buổi gặp mặt giao lưu với chủ đề “Hướng về Trường Sa thân yêu”. Cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa các cựu chiến binh từng là đồng đội, đồng chí với nhau làm ai cũng nghẹn ngào. Những người lính năm xưa nay trở về, người đã thành đạt, người lại sống bình dị nơi quê nhà. Dù đất nước đã hòa bình, nhưng ký ức của các anh về ngày 14-3 thì vẫn còn tồn tại mãi…

“Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Phương (Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma), sau khi bao lá cờ quanh mình anh nói: Anh em mình thà hy sinh đổ máu nhưng không bao giờ lùi bước trước kẻ thù. Máu của mình sẽ tô thắm lá cờ Tổ quốc… Sau đó anh Phương đã bị thương ngay đầu và hy sinh” - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại úy Nguyễn Văn Lanh, người đã cùng các đồng đội tạo ra “vòng tròn bất tử” bảo vệ cờ Tổ quốc kể lại.

Xúc động hơn nữa khi anh Lanh được gặp lại người đồng đội cũ - trung sĩ Lê Hữu Thảo ở ngay trường quay. Anh Thảo vừa từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng. Sau khi trở về, ký ức về trận chiến ngày đó vẫn cứ ám ảnh anh, hình ảnh những người ngã xuống, những người còn sống anh vẫn nhớ rõ từng khuôn mặt. Từ đó, anh Thảo đã rong ruổi những chuyến đi để tìm lại đồng đội, kết nối những con người còn sống với nhau.

Các anh cùng lặng đi khi nhìn thấy chiếc áo kỷ vật của đồng đội đã hy sinh. Mẹ Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự (một trong chín liệt sĩ của Đà Nẵng) nghẹn ngào nhớ lại ngày con mình nhập ngũ: “Lúc ra đi, cháu có nói: “Mẹ ở nhà yên tâm để con ra đi được vững vàng, hoàn thành nhiệm vụ”. Thế mà cháu ra đi mãi mãi không về…”. Sau khi liệt sĩ Phan Văn Sự hy sinh, đồng đội đã gửi về cho mẹ chiếc áo hải quân của anh. Mẹ Muộn đã may lại và luôn mang nó bên mình như một kỷ vật thiêng liêng. Mẹ nói, mặc áo vào như cảm thấy đứa con trai đang ở ngay bên cạnh…

Chiến tranh đã qua đi, dù mỗi người đã sống và làm việc mỗi nơi khác nhau, nhưng đến ngày 14-3, các anh vẫn nhớ để tìm về, để ôn lại kỷ niệm cũ, để thắp những nén nhang cho đồng đội. Họ nay đã là những người cha, người ông, sức khỏe cũng chẳng còn được như trước nhưng ai cũng muốn được một lần quay lại Trường Sa, được dâng hoa đến các đồng đội…

Buổi giao lưu đã tái hiện phần nào trận chiến ngày 14-3 của các chiến sĩ hải quân bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Không chỉ tri ân những anh hùng đã ngã xuống, bảo vệ Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng, mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí chiến đấu của tuổi trẻ Việt Nam đến các đoàn viên, thanh niên hôm nay.