Thêm giá trị gia tăng cho các báo cáo kinh tế vĩ mô

Kinh tế Việt Nam cả năm 2022 sẽ tăng trưởng 6,7% đến 6,9%, theo kịch bản cập nhật vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố ngày 15/7. Trước đó vài hôm, Ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ chế cà rốt trước khi đóng container để đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Mạnh Tú
Sơ chế cà rốt trước khi đóng container để đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Mạnh Tú

Lạc quan trong thận trọng

Mức tăng trưởng ở kịch bản cao của CIEM và dự báo của HSBC là khá sát với mức 7% mà Chính phủ đang đặt ra cho kinh tế năm nay tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022. Nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, Việt Nam có thể là nền kinh tế đạt mức tăng trưởng đứng đầu toàn khu vực.

"Ảnh hưởng đến lao động, việc làm đặc biệt lớn trong năm 2021, nhưng thị trường lao động đã phục hồi vào đầu năm 2022. Riêng quý III/2021 có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng. Nhưng đến quý I/2022, số người bị ảnh hưởng chỉ còn là 16,9 triệu người", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM phân tích. Những hạn chế nhằm phòng, chống dịch được nới lỏng đã tạo cơ sở để Việt Nam trở lại trạng thái bình thường. GDP quý II/2022 của Việt Nam bật tăng tới 7,7% so cùng kỳ năm ngoái. Ngành dịch vụ, vốn phải chịu hậu quả nặng nề do dịch bệnh, nay cũng đã phục hồi với mức tăng lên tới 8,56%, cao nhất từ năm 2011 trở lại đây. Trong khi đó, các ngành sản xuất tiếp tục tăng trưởng, giúp xuất khẩu đạt đỉnh cao lịch sử…

Dè dặt hơn một chút và không đưa ra mức chính xác, Tổng Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương dự báo, nếu không có những biến cố lớn thì kết quả tăng trưởng cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã phê duyệt (từ 6-6,5%).

Cũng có quan điểm thận trọng, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam bày tỏ băn khoăn về khả năng đạt được mức tăng trưởng tới 6,9% trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn. TS Bùi Quang Tuấn phân tích, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và hai động lực tăng trưởng chính (đầu tư và xuất khẩu) đều đang gặp thách thức. Cán cân thương mại đang thặng dư, nhưng cán cân thanh toán đang thâm hụt. Việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế vẫn chậm, mặc dù Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy…

"Đạt được mức 6,5% cũng khá căng thẳng rồi", ông nói. Về lạm phát, TS Bùi Quang Tuấn cảnh báo: "Hiện có một số dự báo cho rằng lạm phát của Việt Nam có thể lên tới 5%; do đó cần bám sát tình hình để điều chỉnh kịp thời, tận dụng hết mọi dư địa chính sách còn lại".

Đồng quan điểm với ông Bùi Quang Tuấn về sức ép lạm phát, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nói thêm: "Nếu đầu tư công tăng mạnh những tháng cuối năm như quy luật nhiều năm qua thì chỉ tính riêng khoản này đã có số tiền tương đương 15-16 tỷ USD được đưa vào thị trường từ nay đến cuối năm".

Dự báo tăng trưởng là cần, nhưng chưa đủ

Dù là có những dự báo tương đồng hay khác biệt, theo TS Lê Duy Bình, các cuộc hội thảo kinh tế chỉ thật sự có tác dụng khi phác họa được bức tranh thật sự chi tiết, đồng thời nêu ra được những khuyến nghị thiết thực, không chỉ cho các cơ quan quản lý nhà nước, mà cả cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây chính là "giá trị gia tăng" của các báo cáo kinh tế vĩ mô "đến hẹn lại lên" vào thời điểm cuối tháng, cuối quý hay cuối năm…

Đứng đầu một đơn vị tư vấn, tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp, ông Bình cho biết, các doanh nghiệp giờ đây đã quan tâm nhiều hơn đến tình hình kinh tế vĩ mô. "Những dự báo cần chuyển thành thông điệp cụ thể cho doanh nghiệp", ông nói. Chẳng hạn, về tỷ giá hối đoái, vừa qua có hiện tượng đồng tiền Việt Nam giảm giá so với đồng USD, nhưng đang tăng giá so với đồng euro và tiền won của Hàn Quốc; tác động rất khác nhau tới các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu khác nhau, đôi khi là tác động kép, thậm chí ba, bốn vòng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Liên minh châu Âu (EU) cũng là thị trường có giá trị xuất khẩu tới 17 tỷ euro mỗi năm-chuyên gia này lưu ý.

Một điểm đáng nói nữa, có thể coi là tác động phụ không mong muốn khi gói hỗ trợ lãi suất trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế dần "ngấm" sâu vào nền kinh tế, là tình trạng gia tăng các vụ kiện chống phá giá. Nếu làm không khéo, không có giải trình đầy đủ và thuyết phục, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối diện những rắc rối tư pháp mệt mỏi và tốn kém.

Chia sẻ quan điểm này, PGS, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá: "Nhiều báo cáo kinh tế hiện nay quá "bác học", khô cứng; không dễ hiểu, càng không dễ vận dụng".

Đúng là những khuyến nghị kiểu như tăng cường hàm lượng kinh tế "xanh" hay chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, phát huy các ý tưởng mới-rất đúng, rất hay và đều được lặp lại mỗi mùa công bố-nhưng làm thế nào để thực hiện được?

Lấy thí dụ đầu tư tài chính cho khoa học công nghệ, theo số liệu được TS Bùi Quang Tuấn nêu ra, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ này cao hơn Việt Nam khá nhiều. Con số ở Việt Nam là 0,52% GDP, trong khi Malaysia là 1,6%; Thái Lan 0,8% và Trung Quốc, với GDP lớn thứ nhì thế giới, đầu tư tới 2,2% trong năm tài chính gần đây nhất. Vậy bao nhiêu là tỷ lệ thích hợp trong điều kiện cụ thể của Việt Nam?

Hoặc, nhìn từ một khía cạnh khác, việc trân trọng và phát huy ý tưởng mới còn có ý nghĩa là dám chấp nhận rủi ro và có giải pháp bảo hiểm nhất định để thực thi các ý tưởng mới-chắc chắn có một tỷ lệ rất cao trong số này sẽ thất bại. "Chúng ta luôn nói về giải pháp đột phá. Nhưng "đột phá", cho đến nay hầu hết chỉ là làm đúng những việc đang làm ở quy mô lớn hơn, nhanh hơn mà thôi", TS Lê Xuân Bá trăn trở. Dẫn lại một hình ảnh thú vị về chú cá dám nhảy vọt từ chiếc bình đã quá chật chội sang một chiếc bình mới để có được không gian sống và phát triển rộng rãi hơn, TS Lê Xuân Bá "gói ghém" lại câu chuyện: "Phải có thể chế tốt, đủ rõ ràng, bảo vệ được cán bộ để người ta dám làm. Mà với doanh nghiệp cũng thế, nếu chỉ làm những cái đã quen làm, thì thành công cũng không thể lớn được như kỳ vọng".