Liên hợp quốc tìm giải pháp tăng nguồn cung lương thực

Trong tuyên bố ngày 31/5, người phát ngôn Liên hợp quốc cho biết, Liên hợp quốc đang phối hợp các nước nhằm tăng nguồn cung lương thực, trong đó có nỗ lực gỡ bỏ rào cản đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine.

Bông lúa mì trên cánh đồng tại Kiev, Ukraine, tháng 7/2020. (Ảnh: Reuters)
Bông lúa mì trên cánh đồng tại Kiev, Ukraine, tháng 7/2020. (Ảnh: Reuters)

Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về hợp tác và phát triển (UNCTAD) vừa tới Moskva, thảo luận với giới chức Nga về việc đưa các mặt hàng lúa mì, phân bón của Nga trở lại thị trường, giúp hạ nhiệt mối lo mất an ninh lương thực toàn cầu. Quan chức UNCTAD cũng đang thảo luận với phía Mỹ về vấn đề nêu trên.

Cùng ngày, Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc cho biết, Washington ủng hộ Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian trong đàm phán nhằm đưa ngũ cốc của Nga và Ukraine trở lại thị trường. Trong cuộc điện đàm, các bộ trưởng ngoại giao Mỹ và Italia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thúc đẩy nối lại hoạt động xuất khẩu lương thực từ Ukraine, nhất là hơn 20 triệu tấn ngũ cốc hiện bị kẹt tại các kho của nước này. Trước đó, EC đã đề xuất thiết lập "làn đường đoàn kết" nhằm bảo đảm Ukraine có thể xuất nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh các cảng của Ukraine bị phong tỏa do cuộc xung đột.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga sẵn sàng tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, gồm cả ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Nga có thể khôi phục xuất khẩu thực phẩm và phân bón nếu lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva được dỡ bỏ. Phát biểu ngày 31/5, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu phụ thuộc vào phương Tây và Ukraine, khi mà các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, trong đó có lương thực.

Sau cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nỗ lực làm trung gian đối thoại nhằm khôi phục tuyến đường biển vận chuyển lương thực qua các eo biển của nước này. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, tuần tới Bộ trưởng Ngoại giao Nga sẽ tới Ankara, thảo luận việc mở hành lang an toàn trên biển phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đánh giá cao nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tháo gỡ khó khăn đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Ông Zelensky cho biết, sẵn sàng đối thoại nhằm thiết lập hành lang an toàn trên biển.

Liên minh châu Phi (AU) cảnh báo rằng, các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga gây tổn hại nguồn cung lương thực cho châu Phi. Trong phát biểu trực tuyến khi được mời dự hội nghị cấp cao EU hôm 31/5, Chủ tịch AU Macky Sall nêu rõ: Xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đã khiến giá ngũ cốc thế giới tăng cao, khủng hoảng lương thực ở châu Phi thêm nghiêm trọng.