Hợp tác toàn cầu để khống chế Covid-19

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 14/9 thông báo, Hàn Quốc và Mỹ cam kết tăng cường hợp tác về cung ứng vắc-xin ngừa Covid-19.

Ðường phố tại Canberra, Australia trong thời gian phong tỏa. Ảnh THX/TTXVN
Ðường phố tại Canberra, Australia trong thời gian phong tỏa. Ảnh THX/TTXVN

Theo TTXVN, tại cuộc gặp ở Washington, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yeo Han-koo và Ðại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định duy trì mối quan hệ mật thiết giữa hai nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy nỗ lực chung nhằm đẩy mạnh chuyển giao vắc-xin trên khắp thế giới. Tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc và Mỹ đã thiết lập nhóm chuyên gia cấp cao để thúc đẩy quan hệ đối tác về vắc-xin.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ giữ liên lạc thường xuyên với Ấn Ðộ qua các kênh song phương và đa phương, thảo luận việc cung ứng và tái khởi động xuất khẩu vắc-xin phòng Covid-19. Washington cũng duy trì thảo luận với các đối tác khác trong nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Ấn Ðộ, Nhật Bản và Mỹ) liên quan hợp tác về vắc-xin và việc cung ứng trên toàn cầu. Theo Nhà trắng, Tổng thống Biden đã lên kế hoạch gặp Thủ tướng các nước Australia, Ấn Ðộ và Nhật Bản, nhân dịp các nhà lãnh đạo dự Phiên thảo luận cấp cao của Ðại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới.

Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Biden đề xuất tổ chức một hội nghị cấp cao quốc tế dành riêng để thảo luận nỗ lực tiêm chủng toàn cầu và các biện pháp nhằm khống chế dịch Covid-19. Sáng kiến sẽ được Tổng thống Biden công bố tại kỳ họp thứ 76 Ðại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó lãnh đạo Mỹ kêu gọi các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức nhân đạo cùng cam kết chấm dứt đại dịch.

Trong nỗ lực hỗ trợ châu Phi ứng phó tình trạng xuất hiện nhiều biến thể vi-rút gây Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cam kết giúp châu lục mở rộng việc giải mã gene để phát hiện sớm và giám sát các biến thể, qua đó nhanh chóng đưa ra phản ứng phù hợp và hiệu quả. Theo sáng kiến mới, trước mắt WHO hỗ trợ 14 quốc gia ở miền nam châu Phi, sau đó tiếp tục mở rộng ra các khu vực khác.

Trước tình trạng một số nước triển khai tiêm mũi vắc-xin thứ 3 trong khi nhiều nước nghèo và đang phát triển còn thiếu nguồn cung, các nhà khoa học tiếp tục khuyến cáo không cần thiết sử dụng mũi tiêm tăng cường. Trong bài báo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet, các nhà khoa học, có cả chuyên gia của WHO cho rằng, các bằng chứng hiện tại không cho thấy nhu cầu tiêm tăng cường, trong khi việc này lại làm cạn kiệt nguồn cung vắc-xin.