Thước đo sự tiến bộ vượt bậc

SEA Games 31 dần tới những ngày cuối cùng, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng thể hiện phong độ cao khi bỏ xa vị trí thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương. Không những vậy, nhiều vận động viên ở một số bộ môn trọng điểm còn khẳng định sự quyết tâm và khả năng tuyệt vời của mình, khi liên tiếp xác lập các kỷ lục mới của Đại hội.

Đội tuyển bơi Việt Nam phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 4x200 m tự do nam. Ảnh: KHIẾU MINH
Đội tuyển bơi Việt Nam phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 4x200 m tự do nam. Ảnh: KHIẾU MINH

Từ đường đua xanh...

Ngay trong ngày đầu ra quân của Đội tuyển bơi, kình ngư trẻ Phạm Thanh Bảo đã bất ngờ phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 100 m bơi ếch với thành tích 1 phút 1 giây 17. Tới nội dung 200 m bơi ếch, Thanh Bảo tiếp tục có màn so kè quyết liệt trước đối thủ Singapore nhưng đáng tiếc lại không thể giành huy chương vàng. Dù chỉ về đích thứ hai, kết quả 2 phút 12 giây 09 cũng nhanh hơn so kỷ lục SEA Games được xác lập trước đó (2 phút 12 giây 57).

Tiếp bước đàn anh, kình ngư Trần Hưng Nguyên là cá nhân tiếp theo phá kỷ lục. Thậm chí, đây là kỳ Đại hội thứ hai liên tiếp anh làm được điều này cùng ở nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân nam. Cán đích sau 4 phút 18 giây 10, chàng trai 19 tuổi đã phá kỷ lục do chính mình lập nên cách đây ba năm. Qua đó, trở thành kình ngư nam thứ hai của Việt Nam (sau người đồng hương Nguyễn Huy Hoàng) xác lập kỷ lục trong hai kỳ Đại hội liên tiếp.

Chưa dừng lại ở đó, ở nội dung 200 m bơi ngửa nam, kình ngư quê Quảng Bình cũng có pha nước rút ngoạn mục để về nhất với thành tích 2 phút 1 giây 58. Đây là tấm huy chương vàng lịch sử với bộ môn bơi nước nhà. Bởi, chưa có bất kỳ vận động viên nào của Việt Nam giành được vàng ở nội dung này. Pha tăng tốc được Hưng Nguyên mô tả khiến anh "như không thể thở nổi" đã mang về kết quả không thể tuyệt vời hơn.

Trong những ngày thi đấu kế tiếp, chúng ta nhận thêm hai tin vui khi Nguyễn Huy Hoàng phá kỷ lục Đại hội ở nội dung 400 m tự do với thành tích 3 phút 48 giây 06, hơn một giây so thành tích cũ do chính anh xác lập tại Philippines ba năm trước. Đặc biệt hơn cả, Đội tuyển bơi Việt Nam cũng gây bất ngờ lớn khi phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 4x200 m tự do nam. Dù đây là nội dung thế mạnh của đoàn Singapore, nhưng Huy Hoàng và các đồng đội đã chiến thắng một cách thuyết phục, với thành tích 7 phút 16 giây 31. Kết quả vượt quá sự mong đợi khiến bốn kình ngư vỡ òa trong sung sướng và ôm chầm lấy nhau ăn mừng. Chính đối thủ Schooling và các vận động viên bơi còn lại cũng giành những lời khen và thể hiện sự tôn trọng với thành tích đáng tự hào này.

Theo huấn luyện viên Hoàng Vũ, toàn đội vẫn bám sát kế hoạch dài hơi mà chuyên gia Hoàng Quốc Huy đã đặt ra suốt bấy lâu nay. Những chiến thuật được các tuyển thủ sử dụng cũng cho thấy sự hiệu quả sau những năm tháng miệt mài tập luyện. Khác với hai kỳ SEA Games trước khi phần lớn số huy chương vàng của Đội tuyển bơi thuộc về Ánh Viên, đến kỳ Đại hội trên sân nhà, "đầu tàu" Huy Hoàng cùng sự tiến bộ vượt bậc của hai kình ngư trẻ là Hưng Nguyên và Thanh Bảo đã giúp Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét.

Tới làn chạy đỏ

Chuyển qua Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, nội dung chung kết 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ SEA Games 31 từ trước thời điểm khai cuộc đã thu hút rất nhiều sự chú ý của truyền thông với sự góp mặt của "nữ hoàng Đông Nam Á" Nguyễn Thị Oanh. Đúng như dự đoán, chân chạy quê Bắc Giang đã cán đích ngoạn mục với thông số 9 phút 52 giây 46, qua đó phá sâu kỷ lục cũ cũng của chính cô là 10 phút 00 giây 02. Tấm huy chương vàng này giúp Oanh hoàn tất cú ăn ba, sau khi chiến thắng ở cự ly 1.500 m và 5.000 m.

Dù chưa thể sánh vai cùng đàn chị, Ngần Ngọc Nghĩa cũng đã phá được kỷ lục quốc gia tồn tại trong suốt bảy năm. Đáng tiếc, thành tích này chỉ giúp anh về nhì do không thể đuổi kịp đối thủ Thái Lan Puripol Boonson. Phát biểu sau khi nhận huy chương, chân chạy 22 tuổi khẳng định: "Sẽ tuyệt vời hơn nếu tôi hiện thực hóa giấc mơ vàng và được hát Quốc ca trước người thân và khán giả nhà. Mặc dù vậy, tấm huy chương bạc sẽ là động lực để tôi phấn đấu hơn ở các giải sắp tới".

Kỷ lục quốc gia khác của Việt Nam cũng được phá khi vận động viên Nguyễn Linh Na bất ngờ giành huy chương vàng bảy môn phối hợp nữ SEA Games 31 với 5.415 điểm. Đây là một trong số những nội dung khốc liệt nhất của điền kinh khi phải thực hiện chạy 100 m rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200 m, nhảy xa, ném lao và chạy 800 m, sau đó cộng từng điểm số vào thành tích chung. Với sự quyết tâm cao độ, Linh Na đã tạo nên "cơn địa chấn" khi phá kỷ lục quốc gia (5.350 điểm do Nguyễn Thị Thu Cúc xác lập cách đây 17 năm).

Với hàng loạt kỷ lục được xác lập ở kỳ SEA Games 31, thể thao Việt Nam đã cho thấy sự phát triển trình độ vượt bậc của các vận động viên cũng như đường lối đúng đắn trong công tác đào tạo và phát triển nhân tài. Đây cũng là động lực giúp chúng ta tin tưởng vào một kỳ Đại hội thành công rực rỡ.

Thước đo sự tiến bộ vượt bậc -0