Sự kiện của hy vọng

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom đã dành tên gọi này cho Olympic Tokyo 2020, nhằm tôn vinh quyết tâm chiến thắng nghịch cảnh, không chỉ với riêng đại dịch Covid-19 mà thậm chí là tới hơn 80 triệu người tị nạn trên khắp năm châu.

Đội Olympic tị nạn diễu hành qua lễ đài.
Đội Olympic tị nạn diễu hành qua lễ đài.

Năm 2016, Ðội Olympic tị nạn lần đầu được mời tham dự Thế vận hội với chỉ vỏn vẹn 10 thành viên. Tới Olympic Tokyo 2020, IOC quyết định duy trì tập thể này cùng một số vận động viên khuyết tật lần đầu xuất hiện tại Paralympic. Ðây là nỗ lực nhằm gửi đi những thông điệp mạnh mẽ về hy vọng và hòa nhập cho hàng triệu người tị nạn trên khắp thế giới.

Hiện số lượng thành viên của đội đã tăng gần gấp ba, lên 29 người, gồm các cá nhân đến từ 11 đất nước (như Syria, Congo, Nam Sudan, Eritrea, Afghanistan...) đang sinh sống và tập luyện tại 13 quốc gia khác nhau. Tất cả đều là những vận động viên tị nạn được IOC hỗ trợ thông qua chương trình Học bổng Olympic và sẽ tranh tài ở 12 bộ môn thể thao.

Xạ thủ 10 m súng trường hơi nữ Luna Solomon đã rời bỏ quê hương Eritrea đến Thụy Sĩ nhằm tìm kiếm cuộc sống an toàn. Ở đây, cô cũng may mắn gặp được người thầy - nhà vô địch bắn súng Olympic người Italy - Niccolo Campriani. "Với nhiều cuộc xung đột diễn ra liên miên, súng là thứ vô cùng đáng sợ. Từ bước vào tập luyện, tôi mới biết đây cũng là môn thể thao chuyên nghiệp, tiếp thêm tự tin khi được gặp gỡ nhiều người và đi tới nhiều quốc gia trên thế giới. Dù không thể tiến vào chung kết, khoảnh khắc được thi đấu, vượt qua giới hạn bản thân cũng được là thành công lớn. Thật may mắn vì chúng tôi đã tập hợp cùng nhau, đại diện cho hy vọng của những người có cùng hoàn cảnh trên khắp thế giới", Luna chia sẻ cảm xúc về hành trình khó quên của mình tại Olympic Tokyo 2020.

Sáng kiến thành lập đoàn thể thao người tị nạn của IOC đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của những người như Luna Solomon. Những tài năng thể thao tị nạn xuất sắc đã được trao cơ hội trong mơ - tham dự Thế vận hội. Thậm chí, võ sĩ taekwondo Kimia Alizadeh đã trở thành tâm điểm tại Tokyo khi lần lượt đánh bại Jade Jones (nhà vô địch Olympic 2012, 2016) và quán quân thế giới 2019 người Trung Quốc Zhou Lijun. Ðáng tiếc, trong trận tranh huy chương đồng, cô gái 23 tuổi đã phải dừng bước trước Hatice Kubra Ilgun (Thổ Nhĩ Kỳ). Alizadeh được yêu thích tới nỗi nhà thi đấu Makuhari Messe luôn rộn vang tiếng reo hò, cổ vũ từ chính thành viên các nước tới Nhật Bản tranh tài.

Ðến với Olympic Tokyo 2020, cả Luna Solomon, Kimia Alizadeh hay các thành viên khác đều phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu trong hành trình đấu tranh giành lấy sự sống. Dù chưa thể giành được bất kỳ tấm huy chương nào, sự nỗ lực cùng niềm đam mê mãnh liệt của mỗi người cũng giúp Thế vận hội truyền cảm hứng và lan tỏa thông điệp về quyền tự do, khao khát được sống trong hòa bình tới khắp nơi trên thế giới.

QUỲNH ANH