Nỗ lực để giành lại lợi thế

Từ nhiều năm nay, Pencak Silat luôn là môn thế mạnh, đóng góp số lượng lớn huy chương vàng vào thành tích của thể thao nước ta trên đấu trường quốc tế. Sau lễ bế mạc giải vô địch quốc gia 2021, Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam Nguyễn Văn Hùng (ảnh nhỏ), về kế hoạch và sự chuẩn bị của bộ môn này trước thềm những sự kiện quan trọng sắp diễn ra trong thời gian tới.

Ngoài Giải VÐQG 2021, pencak silat Việt Nam vẫn mong chờ các chuyến tập huấn quốc tế, để sẵn sàng cho các mục tiêu cuối năm.
Ngoài Giải VÐQG 2021, pencak silat Việt Nam vẫn mong chờ các chuyến tập huấn quốc tế, để sẵn sàng cho các mục tiêu cuối năm.

- Thưa ông, Giải Vô địch quốc gia (VÐQG) vừa kết thúc tại Ðà Nẵng là lần đầu áp dụng luật thi đấu mới. Cùng với điều đó, giải đấu lần này có những điểm nhấn gì khác biệt?

a104-1619151160788.jpg

- Năm 2021, lần đầu Giải VÐQG áp dụng luật thi đấu mới, cũng như chứng kiến sự thay đổi toàn diện về kỹ thuật. Trước đây, các động tác túm kéo để ra đòn (đấm, đá, đánh ngã...) vốn bị hạn chế, nay đã được cho phép. Chính vì vậy, hầu hết các vận động viên (VÐV) còn khá bỡ ngỡ trong quá trình thi đấu, chưa thể thích ứng hoàn toàn với số lượng lớn những thay đổi, mà chỉ dần dần tạo dựng và hình thành thói quen.

Bên cạnh đó, Ðội tuyển quốc gia (ÐTQG) pencak silat mới tập trung từ giữa tháng 3, gần một tuần trước ngày diễn ra Giải VÐQG tại Ðà Nẵng. Vì thời gian tập trung rất sát, cộng thêm quá nhiều thay đổi, nên Ban Huấn luyện (BHL) chưa thể đánh giá được thực lực của các VÐV. Thay vào đó, chỉ xác định được một số cá nhân nổi trội hơn cả. Như Nguyễn Văn Trí cũng như các trụ cột ở hạng cân lớn đã thi đấu xuất sắc, nhờ sở hữu nền tảng thể lực tốt hơn những gương mặt còn lại. Những thay đổi khiến các cá nhân có kỹ thuật cao dần đánh mất lợi thế trước lối chơi giàu thể lực và sức mạnh.

Năm nay, các thành viên chủ chốt của ÐTQG vẫn chiếm ưu thế lớn. Tuy nhiên, sự chênh lệch đã giảm dần ở các hạng cân từ 50 đến 70 kg. Việc các địa phương có sự chuẩn bị kỹ càng, số lượng VÐV đông đảo, cùng sự thích nghi mạnh mẽ của họ với luật thi đấu mới đã khiến khoảng cách về trình độ không còn đáng kể.

- Trước đổi mới về kỹ thuật và luật thi đấu, pencak silat Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

- Năm 2020, các kỹ thuật và điều luật thi đấu mới đã được ban hành tới đội ngũ huấn luyện và các VÐV ở nước ta. Dù bộ môn đã tổ chức các lớp tập huấn ở Ðà Lạt, nhưng việc nghiên cứu ứng dụng vốn chỉ dựa trên video của Liên đoàn pencak silat thế giới và sách hướng dẫn đơn thuần. Với các kỹ thuật khó nắm bắt được tính chính xác, ÐT phải tập cả hai trường hợp để chuẩn bị sẵn sàng trước mọi tình huống. Ngay như việc túm kéo đối thủ ra ngoài sàn thi đấu, chưa ai có thể khẳng định chỉ yêu cầu một chân hay phải đưa cả hai chân ra khỏi vạch mới được tính điểm?

Với những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Việt Nam chưa thể tham dự bất kỳ giải đấu quốc tế nào, việc cọ xát và thực hành nhằm nâng cao kinh nghiệm còn thiếu. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta không thể xác định kỹ thuật đó đúng hay sai trong thực tế, sẽ khó trụ lại được với các đối thủ. Bên cạnh đó, các nước sáng lập như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a biết trước, hiểu rõ luật, qua đó tập luyện và thích nghi sớm sẽ khiến chúng ta không thể xác định được thực lực của VÐV nước bạn.

- Vậy, BHL đội tuyển pencak silat cần những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn và ứng phó với các thay đổi mới?

- Từ đầu năm, lãnh đạo bộ môn và BHL đã xây dựng kế hoạch cụ thể, nhằm chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế sắp tới. Dự kiến vào tháng 5, ÐT sẽ lên đường tập huấn ở Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a hoặc Thái-lan, nhằm cọ xát và nâng cao hiểu biết về các kỹ thuật và luật thi đấu mới. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, cũng như thời điểm ÐT tiêm phòng Covid-19 tại Việt Nam. Sau đó, chúng ta sẽ tham dự Giải châu Á vào tháng 7, SEA Games 31 và Giải vô địch thế giới vào giai đoạn cuối năm.

Ngay lúc này, BHL đã có những điều chỉnh về kế hoạch huấn luyện cũng như về mặt chiến thuật. VÐV đang đẩy mạnh tập luyện và áp dụng các động tác mới (như quăng, quật, túm, kéo...). Nếu trước đây các em chủ yếu tận dụng nền tảng kỹ thuật nhằm giảm khả năng bị khống chế, những đổi mới hiện tại sẽ khiến họ mất nhiều sức hơn. Bởi vậy, chúng ta đã xây dựng lại hàng loạt các bài tập để nâng cao nền tảng thể lực, gia tăng sức mạnh cơ bắp, giúp cải thiện sức chống chịu trong khoảng thời gian ba hiệp thi đấu.

- ÐT pencak silat Việt Nam đặt mục tiêu như thế nào trước kỳ SEA Games sẽ diễn ra vào tháng 12 tới?

- Trước mỗi kỳ Ðại hội, BHL khẳng định có thể nhìn nhận và đánh giá chính xác về thực lực và tiềm năng của từng VÐV, qua đó đề ra mục tiêu cụ thể về số lượng HCV hay dự đoán tỷ lệ giành chiến thắng của ÐT. Tuy nhiên, với quá nhiều sự thay đổi, chúng ta chỉ có thể cùng nhau ngồi lại, tổng kết Giải VÐQG, thay vì đưa ra bất kỳ kết luận cụ thể nào. Việc dự tính, cân đo đong đếm là bất khả thi ở thời điểm hiện tại.

Với pencak silat tại SEA Games 31, việc các nước Ðông - Nam Á chỉ bỏ phiếu khoảng 10 hạng cân đối kháng khiến cuộc chiến giành huy chương sẽ trở nên vô cùng khốc liệt. Những gương mặt nổi trội từng đạt thành tích cao như Trần Ðình Nam hay Nguyễn Văn Trí chắc chắn sẽ gặp khó khăn lớn. Do đó, mỗi VÐV ở ÐTQG phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần trong cả tập luyện cũng như thi đấu, mới có thể hy vọng về viễn cảnh tươi sáng ở kỳ SEA Games lần này.

- Xin chân thành cảm ơn ông.