Những thách thức lộ diện

Với vị thế nhà đương kim vô địch AFF Cup và đội đầu bảng G (vòng loại World Cup 2020 khu vực châu Á), bóng đá Việt Nam lại một lần nữa rơi vào cảnh huống bị chồng chéo nhiệm vụ trong cùng thời điểm.

Những thách thức lộ diện

SEA Games và AFF Cup vốn là hai giải đấu không nằm trong lịch thi đấu chính thức của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Trong quá khứ, khi bóng đá Việt Nam chưa hội nhập sâu, việc thi đấu ít nhiều không tạo nên những bế tắc. Kể từ khi bắt đầu làn sóng xuất ngoại của các cầu thủ Việt cũng như khi vị thế của bóng đá nước nhà được củng cố, “sự lệch pha” tiềm tàng sẽ tạo nên nhiều trắc trở.

Chưa bao giờ, những người dẫn dắt bóng đá Việt Nam phải liên tục đứng trước việc lựa chọn giữa “ao làng” và các giải đấu châu lục như lúc này. Trong năm 2019, HLV Park Hang Seo thậm chí từng có ý định không dẫn dắt đội tuyển tham dự SEA Games 30 để tập trung cho vòng loại World Cup 2022 và giải U23 châu Á 2020.

Đội tuyển Việt Nam hiện tại còn gặp khó trong việc triệu tập nhân sự. Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng và mới nhất là Đoàn Văn Hậu hay Đặng Văn Lâm là những thí dụ điển hình. Các tài năng trẻ khao khát cống hiến bao nhiêu khi xuất ngoại nay lại vất vả và khổ sở bấy nhiêu để trở về phục vụ Tổ quốc ở những sự kiện không nằm trong lịch thi đấu chính thức của FIFA.

Trước đây bóng đá Đông - Nam Á cần những giải đấu riêng để tăng cơ hội cọ xát nâng cao trình độ cho các đội tuyển. AFF chính là sân chơi giúp nâng tầm trình độ bóng đá khu vực và giúp các quốc gia ở đây có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn. Riêng với SEA Games, đó còn là đòn bẩy cho cả nền thể thao với hàng chục môn thi đấu khác nhau.

Bóng đá Thái-lan cũng đối diện vấn đề tương tự và chưa thể tìm được giải pháp thấu đáo. Cựu danh thủ Kiatisuk Senamuang nhận định: “Thái-lan phải thống trị Đông - Nam Á trước khi nghĩ tới chuyện vươn tầm châu Á hay xa hơn là giấc mơ World Cup. Chỉ khi vô địch ở cả các cấp độ đội tuyển lẫn cấp độ trẻ, mục tiêu hướng tới sân chơi châu Á và vươn tầm châu lục mới dần khả thi”.

Chính vì vậy, nếu muốn dừng việc phải cân nhắc giữa giải khu vực với các giải đấu châu lục và thế giới, ngay từ bây giờ, hệ thống đào tạo trẻ cần phải được cải thiện và nâng cao. Sự cân bằng cũng như nguồn nhân lực dồi dào từ các tuyến sẽ phần nào giúp giải quyết mâu thuẫn hiện tại, để đội tuyển không còn phải bế tắc trước những lần triệu tập bất thành trong tương lai.