Nhìn từ những khán đài đầy ắp khán giả

"Ấn tượng nhất ở kỳ Đại hội năm nay phải kể đến sự ủng hộ của người dân. Có thể khẳng định, thể thao đã thật sự gắn liền với cuộc sống và nếp sinh hoạt thường nhật", Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, ông Trần Đức Phấn nhận định.

Các cầu thủ đội tuyển bóng ném bãi biển Thái Lan cảm ơn người hâm mộ, tình nguyện viên Quảng Ninh. Ảnh: MỸ HÀ
Các cầu thủ đội tuyển bóng ném bãi biển Thái Lan cảm ơn người hâm mộ, tình nguyện viên Quảng Ninh. Ảnh: MỸ HÀ

Rực lửa, đam mê

SEA Games 31 khép lại thành công và trở thành sự kiện thể thao quốc tế nổi bật khi hầu hết các địa điểm thi đấu đều đầy ắp khán giả. Thậm chí, ở nhiều nơi, số lượng người hâm mộ đông tới mức, không ít cá nhân chấp nhận đứng cả buổi để theo dõi và cổ vũ cho các vận động viên.

Không chỉ thể hiện sức cuốn hút đặc biệt của giải đấu quốc tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, thành quả của công tác truyền thông cũng như việc đẩy mạnh phát triển các phong trào thể thao trong nước được nhận thấy rõ ràng, thông qua cách khán giả quan tâm và cổ vũ ở từng địa điểm thi đấu. Sau thời gian dài phổ cập và nâng cao nhận thức của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân, những bộ môn Olympic xuất hiện tại SEA Games 31 đã trở nên gần gũi hơn với cuộc sống.

Trước thời điểm Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam ra đời (năm 2016), người hâm mộ nước nhà chưa có cơ hội làm quen với phong cách cổ vũ mới. Việc giới hạn không quá 10 cầu thủ chơi bóng trong khoảng sân có phần chật chội, cộng thêm nhịp độ dồn dập hơn (mỗi đội chỉ có 24 giây để ném rổ), yêu cầu khán giả phải xây dựng bầu không khí sôi động với tiết tấu khẩn trương và thôi thúc hơn. Do đó, các nhà thi đấu bóng rổ trước đây luôn cần đến một cá nhân dẫn nhịp cho các bài cổ vũ trên khán đài.

Sau hơn sáu năm, sự cuồng nhiệt của các cổ động viên tại Nhà thi đấu Thanh Trì đã biến bóng rổ trở thành một trong những hiện tượng hiếm gặp tại SEA Games 31. Những tiếng hô vang "Lên rổ, Việt Nam, lên rổ! Let’s go Vietnam, let’s go!" hay "Defense" (phòng ngự) hoặc "Air Ball" (ném trượt hoàn toàn)... nay đã trở thành những câu khẩu hiệu quen thuộc mà nhiều người nắm rõ. Từ những bỡ ngỡ khi xưa, việc cả đấu trường cùng chung một nhịp là minh chứng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của bộ môn này ở Việt Nam, bắt đầu từ phong cách cổ vũ của người hâm mộ.

Hơn thế nữa, việc cả khán đài râm ran bàn luận dõi theo từng tình huống ghi bàn hay những quyết định thay người chiến thuật... cũng thể hiện sự am hiểu tường tận của giới trẻ xuyên suốt các diễn biến trên sân. Và cũng chính họ, giờ đây, đã trực tiếp truyền đi ngọn lửa đam mê cháy bỏng tới những bậc cha mẹ hay ông bà lớn tuổi đi theo xem cùng.

Thành quả từ phát triển thể thao học đường

Để sở hữu lực lượng cổ động viên nhiệt thành, Việt Nam đã hợp tác với Giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) triển khai đề án "Phát triển Bóng rổ học đường đến năm 2030". Sau hai năm xây dựng bộ giáo trình huấn luyện hợp chuẩn quốc tế và đào tạo đội ngũ giáo viên thể chất tại 8.000 trường, chương trình đã bước vào giai đoạn hai (2020-2025), nâng số lượng trường triển khai lên mức 12.000-15.000, đồng thời xây dựng hệ thống các giải đấu cấp trường, tỉnh, thành phố và toàn quốc. Qua đó, đẩy mạnh và duy trì niềm đam mê tập luyện bóng rổ. Giai đoạn ba (2025-2030), đề án sẽ nỗ lực nhân rộng tới hơn 43.000 trường, hướng đến việc nhiều cơ sở giáo dục lựa chọn bóng rổ trở thành môn học chính thức và là môn thể thao được nhiều học sinh, sinh viên tập luyện nhất.

Như nhận định của chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, chính sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng cũng như việc chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục thể chất ngay từ trong trường học đã tạo điều kiện cho các thế hệ người Việt phát triển tình yêu và niềm đam mê với các bộ môn thể thao. Trải qua chặng đường dài phát triển, từ quốc gia có xuất phát điểm hạn chế chúng ta đã khẳng định được vị thế và tầm vóc ở sân chơi khu vực. Ấn tượng về những khán đài đầy ắp khán giả tại SEA Games 31 là thành quả của quá trình cố gắng đáng tự hào.

Cũng trong thời điểm diễn ra Đại hội, hàng loạt các giải đấu thể thao (dành cho lứa tuổi từ học sinh đến sinh viên) cũng được tổ chức trên cả nước. Có thể kể đến Giải Cờ vua học sinh toàn quốc 2022 với sự góp mặt của khoảng 124.000 kỳ thủ đến từ 23.600 câu lạc bộ tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Sau đó, Giải Bơi học sinh phổ thông toàn quốc chuẩn bị khởi tranh cũng thu hút hàng nghìn người tham dự.

Bắt nguồn từ mục tiêu cải thiện và phát triển tầm vóc, chính các hoạt động thể chất trong nhà trường là "cái nôi" nuôi dưỡng niềm đam mê, giúp thế hệ trẻ làm quen với nhiều bộ môn thể thao. Song song với các chương trình được triển khai đồng bộ và sâu rộng tại các cơ sở giáo dục, sự quan tâm và định hướng rõ ràng trong mỗi gia đình cũng tạo nên nhiều khác biệt, giúp các phong trào thể thao ngày càng thu hút đông đảo số lượng người tham dự. Bởi vậy, không khó để nhận ra hình ảnh các gia đình với nhiều độ tuổi cùng tham dự các sự kiện thể thao.

Từ đây, khi niềm đam mê thể thao được bồi dưỡng, sự phát triển các phong trào thể thao trong nước cũng giúp thúc đẩy công tác tìm kiếm và đào tạo nhân tài, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Với hình ảnh những khán đài đặc kín người hâm mộ tại SEA Games 31, tình yêu và bầu không khí cổ động hết mình được kỳ vọng sẽ ngày càng nhân rộng.