Kết quả đáng khích lệ

Cầm hòa Nhật Bản là điều chưa từng diễn ra trong lịch sử bóng đá Việt Nam cho tới trước trận đấu tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Song, nếu coi đây là kỳ tích để tin Đội tuyển quốc gia nói riêng và trình độ của nền bóng đá nước nhà nói chung đã nhích lại gần được Nhật Bản, thì câu trả lời là: chưa.

Việt Nam hòa Nhật Bản 1-1 với bàn thắng của trung vệ Thanh Bình.
Việt Nam hòa Nhật Bản 1-1 với bàn thắng của trung vệ Thanh Bình.

Chênh lệch giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản đã bị cào bằng trong 90 phút tại sân vận động Saitama, bởi sự thiếu may mắn của các ngôi sao xứ sở Phù Tang, cùng phong độ xuất thần của thủ lĩnh Quế Ngọc Hải. Tuy nhiên, bước ra khỏi sân đấu, Nhật Bản vẫn là hình mẫu để Việt Nam học hỏi. 

Chúng ta chỉ có 20 cầu thủ lên đường làm nhiệm vụ, khi phần lớn đội hình không thể ra sân do chấn thương và Covid-19. Huấn luyện viên Park Hang-seo thiếu người đến mức dù sở hữu năm quyền thay người, nhưng chỉ dùng đến ba. Thực tế, chúng ta chẳng còn nhiều phương án trên băng ghế dự bị.

Ở phía đối thủ, Nhật Bản giàu nhân sự tới mức khi bế tắc đã tung vào sân Takumi Minamino, ngôi sao đang thi đấu cho Liverpool. Trước đó, Junya Ito - người ghi bốn bàn ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, cũng được thay vào để tạo đột biến. 

Ito có thể xem là biểu tượng cho sự khác biệt giữa hai nền bóng đá. Tiền vệ sinh năm 1993 là sản phẩm của bóng đá học đường Nhật Bản. Ito gây ấn tượng lớn trong màu áo Trường đại học Kanagawa và trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ở tuổi 22, sau khi lấy bằng cử nhân.

Những trường hợp trưởng thành từ bóng đá học đường và trở thành ngôi sao như Ito không hiếm ở Nhật Bản, nhưng gần như không tồn tại với nền bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ nước ta gần như chỉ trưởng thành từ một mô hình đào tạo kiểu gà nòi và phải nỗ lực vượt bậc để có thể trở thành tuyển thủ. Trong khi đó, cơ chế và môi trường của bóng đá Nhật Bản tạo điều kiện tối đa để các cầu thủ có sân chơi rèn luyện và thi thố tài năng.

Năm 2011, Nhật Bản thành lập giải U18 Premier League, và lúc này đã có 20 đội tham dự chia thành hai miền Đông-Nam thi đấu theo thể thức không khác gì các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Một cầu thủ trẻ Nhật Bản có thể đá gần 40 trận mỗi năm nếu tính cả các trận đấu tại cúp Quốc gia.

Ở Việt Nam, một cầu thủ trẻ lứa tuổi U18 chỉ chơi bóng khoảng sáu trận mỗi năm. Nếu không có tố chất đặc biệt như Văn Hậu, Quang Hải hay Công Phượng..., các cầu thủ U23 có thể cũng chỉ thi đấu với cường độ kiểu này.

Xét về tố chất kỹ thuật lẫn thể chất, cầu thủ Việt Nam không thua kém Nhật Bản, nhưng cách biệt giữa hai nền bóng đá Việt Nam-Nhật Bản chưa bao giờ là câu chuyện nền tảng con người. Cách làm bóng đá của người Nhật giúp khuếch đại tối đa tiềm năng của cầu thủ, còn Việt Nam vẫn chỉ đang mò mẫm tìm đường với ngọn hải đăng chính là đất nước Mặt trời mọc. 

Trận hòa trước Nhật Bản, vì thế, nên được nhìn nhận như một kết quả đáng khích lệ với bóng đá Việt Nam.