Được nhiều hơn mất

Tổng cục Thể dục - Thể thao chỉ ra hàng loạt khó khăn trong điều kiện hiện tại để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ phương án lùi thời gian tổ chức SEA Games sao cho phù hợp nhất, dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5/2022. Việc hoãn Đại hội thể thao số một Đông - Nam Á giúp Việt Nam và các quốc gia trong khu vực có sự chuẩn bị tối ưu nhất.
 

Việt Nam cần xây dựng lại kế hoạch tập luyện, thi đấu, nhằm giảm thiểu mức ảnh hưởng tới các sự kiện thể thao trong năm 2022.
Việt Nam cần xây dựng lại kế hoạch tập luyện, thi đấu, nhằm giảm thiểu mức ảnh hưởng tới các sự kiện thể thao trong năm 2022.

Vỡ kế hoạch vì Covid-19

Như dự kiến, SEA Games 31 sẽ được tổ chức từ ngày 21/11 đến 2/12 với 40 môn thể thao và 520 nội dung. Hà Nội là nơi đăng cai chính, cùng 11 địa phương: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Phú Thọ.

Sau lần đầu đăng cai năm 2003, Việt Nam tự tin tổ chức thành công Ðại hội thể thao hàng đầu khu vực, dù quỹ thời gian chuẩn bị không nhiều. Tuy nhiên, mọi kế hoạch của nước chủ nhà và các quốc gia trong khu vực đã bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Trong cuộc họp mới nhất, Liên đoàn Thể thao Ðông Nam Á (SEAGF), đại diện các quốc gia đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tổ chức SEA Games 31, nhưng do dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp nên sự kiện này diễn ra theo kế hoạch là không khả thi. Một lãnh đạo Tổng cục Thể dục -Thể thao chia sẻ, việc hoãn Ðại hội kéo theo khá nhiều hệ lụy, nhưng là bất khả kháng nên phải chấp nhận. Ðại diện các quốc gia trong khu vực cũng thừa nhận họ gặp khó trong việc xin kinh phí của chính phủ, khi tất cả đều đã được giải ngân trong năm 2021.

Với Việt Nam, Ban tổ chức SEA Games 31 cũng đã triển khai một số đầu việc liên quan khảo sát địa điểm thi đấu, vận động tiếp thị tài trợ, truyền thông... Ðặc biệt là công tác tiến hành kiểm tra, rà soát việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất ở các địa phương, nhưng giờ tất cả phải dừng lại.

Tuy nhiên, bài toán lớn nhất khi SEA Games dừng lại là việc xây dựng lại kế hoạch tập luyện, thi đấu, nhằm giảm tác động tới các sự kiện thể thao khác trong năm tới. "Chúng ta chưa biết các quốc gia trong khu vực liệu đã được tiêm vaccine đủ vào năm 2022 để miễn dịch cộng đồng chưa. Việt Nam còn phải tham dự nhiều sự kiện lớn như ASIAD hay tổ chức Ðại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc… Còn sang năm 2023, Campuchia sẽ đăng cai SEA Games 32 vào tháng 5, nên thời gian rất gấp rút và sát nhau", lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao chia sẻ.

Thách thức lớn, nhưng…

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Ðức Phấn bộc bạch, chưa một kỳ Ðại hội nào mà các nước trong khu vực phải đối diện khó khăn lớn như bây giờ. Theo ông Phấn, tại các kỳ SEA Games, ngoài lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, quan chức, trọng tài, sẽ có thêm một lượng lớn du khách, cổ động viên từ các nước đến theo dõi những môn hấp dẫn như bóng đá, bóng chuyền hay các môn Olympic. Ước tính số lượng người tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 sẽ vào khoảng 22 đến 25 nghìn người. "Tổ chức vào thời điểm tình hình dịch bệnh phức tạp cũng sẽ phát sinh rất nhiều kinh phí cho việc cách ly, xét nghiệm, phòng, chống dịch, điều trị khi các trường hợp nhiễm bệnh (bố trí cơ sở cách ly, bệnh viện, điều chỉnh địa điểm tổ chức thi đấu…). Trong khi đó những nguồn lực này chưa được dự toán trong đề án tổ chức SEA Games", ông Trần Ðức Phấn chia sẻ.

Với quan điểm khác, Tiến sĩ Quản lý Thể thao Huỳnh Trí Thiện của Trường đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nhận định: "Việc ưu tiên tiêm vaccine cho các vận động viên tham dự SEA Games 2021 không phải chuyện khó với các quốc gia. Vấn đề đặt ra là liệu các nước có ưu tiên đặt Ðại hội thể thao khu vực lên trên những chính sách phát triển kinh tế và bình ổn an sinh-xã hội trong thời điểm hiện tại? Ðó lại là một câu hỏi lớn".

SEA Games 31 dù được hoãn sang năm 2022 vẫn đối mặt nhiều thách thức lớn, cả về chuyên môn, quảng bá, công tác phòng, chống dịch, nhưng ngành thể thao và các huấn luyện viên, vận động viên đều thở phào nhẹ nhõm vì đại hội dời sang năm tới sẽ được nhiều hơn là mất.

"Trong năm nay, Ðội tuyển chúng tôi gần như không tập luyện được gì, nên thành tích chắc chắn không thể đạt được như mong muốn. Ðó là chưa kể tâm lý các vận động viên cũng không ổn định vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cả vận động viên trong và ngoài nước đều chưa biết có được tiêm đủ vaccine hay không", Huấn luyện viên Thể dục dụng cụ Trương Minh Sang bày tỏ.

Vận động viên Wushu Dương Thúy Vi của đội tuyển Wushu chia sẻ: "Hy vọng là trong gần một năm nữa, tình hình phòng, chống dịch của các nước được kiểm soát tốt, các nước có sự chuẩn bị lực lượng tốt nhất về chuyên môn".

Cuối cùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang khẳng định, SEA Games tổ chức mà không có khán giả coi như thất bại. Vì thế, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, người hâm mộ có thể đi cùng cổ vũ thì đó sẽ là điều tuyệt vời, đúng tinh thần "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", trong thời điểm hiện nay ■

“Vaccine” tinh thần giữa mùa dịch

Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) 2021 là thí dụ điển hình cho nỗ lực tổ chức sự kiện thể thao, với “nhiệm vụ kép” vừa nỗ lực phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm sự phát triển mọi mặt đời sống nhân dân nhưng vẫn an toàn trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Không chỉ thực hiện nghiêm quy định 5K, VBA còn áp dụng hình thức “năm tập trung cách ly”, từ ăn ở, di chuyển, tập luyện, thi đấu và điều hành… cho toàn bộ thành viên Ban tổ chức và tám đội bóng, bên cạnh điều kiện Nhà thi đấu không khán giả. 

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới thể thao Việt Nam

Mới đây, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thông báo hủy kế hoạch tổ chức trở lại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Các giải bóng đá nữ, Giải vô địch quốc gia các môn bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cử tạ… cũng hoãn vô thời hạn. Ngoài SEA Games, AFF Cup nhiều khả năng cũng phải tiếp tục hoãn, khiến các kế hoạch của Ðội tuyển Việt Nam liên tục thay đổi.