Doanh thu và lợi ích

Sự lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho thể thao nói chung cũng như các sự kiện lớn nói riêng trên thế giới... Tuy nhiên, với mức độ phủ sóng rộng khắp và sự phát triển vượt bậc của các nền tảng truyền thông mới, nguồn thu của các tổ chức lẫn đội ngũ vận động viên vẫn được bảo đảm.

Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 tại sân vận động quốc gia mới.
Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 tại sân vận động quốc gia mới.

Vắng bóng khán giả - sụt giảm doanh thu

Trước tiên, cần phải khẳng định việc tổ chức Thế vận hội từ trước đến nay vốn không thể ngay lập tức mang lại lợi ích kinh tế cho các thành phố đăng cai, do nguồn thu không thể bù đắp mức chi phí thường xuyên tăng vọt so dự tính. Olympic London 2012 chi hơn 18 tỷ USD và tạo ra 5,2 tỷ USD. Olympic Rio 2016 không vọt lên quá cao, 13,2 tỷ USD cũng mang về khoảng 5,7 tỷ USD. Olympic Tokyo 2020 ghi nhận mức doanh thu 6,6 tỷ USD nhưng đã chi hơn 20 tỷ USD. Kinh phí của Thế vận hội lần này biến động lớn khi phải trì hoãn một năm trời cùng nhiều khoản chi tiêu không thể lường trước.

Với nỗ lực khẳng định vị thế cường quốc công nghệ, Nhật Bản đã đầu tư mạnh tay, từ sân vận động quốc gia mới (trị giá 1,3 tỷ USD), tới hàng loạt dự án táo bạo về giao thông, dịch vụ tự động hóa... biến Tokyo thành đô thị siêu thông minh. Việc trì hoãn thời gian tổ chức, đồng thời tăng cường các biện pháp ứng phó dịch bệnh cũng biến kỳ Olympic này trở nên đắt đỏ bậc nhất.

Riêng ngân sách bổ sung hệ thống kiểm tra, xét nghiệm PCR, cũng như công tác phòng, chống lây nhiễm Covid-19 và khử trùng tại Làng Olympic đã tiêu tốn thêm 880 triệu USD. Phí quản lý cơ sở vật chất cũng đội thêm 490 triệu USD chưa kể các khoản phụ trội vì phải kéo dài thời gian thuê hay chi phí cung cấp dịch vụ y tế. Việc gia hạn hợp đồng thuê phương tiện, vận hành hệ thống video giám sát và thuê nhân lực bên ngoài, hay thậm chí việc hoàn lại tiền bán vé cũng làm tăng các chi phí phát sinh.

Trong bối cảnh ấy, Nhật Bản không tiếp đón người hâm mộ tới cổ vũ tại Olympic cũng gây thiệt hại đối với nền kinh tế, ước tính lên tới 1,8 tỷ USD. Các nguồn thu bị mất là khoản chi của 600.000 du khách dự khán Olympic cùng 300.000 người tại Paralympic, chưa kể các hoạt động ăn uống, chi tiêu và du lịch ước đạt hơn 820 triệu USD đã tan thành mây khói. Xa hơn nữa, hàng tỷ USD doanh thu lâu dài nhờ làn sóng cổ động viên quảng bá cho du lịch, tiêu dùng tại Xứ sở mặt trời mọc cũng không còn. Tất cả đã biến mất ngay trước thời điểm sự kiện này diễn ra, bởi biến thể Delta của SARS-CoV-2 bùng phát rộng trên toàn cầu, bao gồm ngay chính tại Thủ đô Tokyo.

Thể thao vẫn sống tốt giữa đại dịch

Dù không mang lại lợi nhuận cho nước chủ nhà, các tổ chức thể thao hay chính các vận động viên vẫn tạo ra nguồn thu đáng kể khi tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Báo cáo năm 2020 của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nêu rõ: Hơn 25 nghìn nội dung truyền thông đã được tạo ra và những con số này vẫn tăng lên theo mỗi kỳ Thế vận hội. Các kênh truyền hình Olympic được phát sóng rộng khắp trên 175 vùng lãnh thổ và thu hút hơn 3,4 tỷ lượt xem trên tất cả các nền tảng. Ðặc biệt, mạng xã hội thu hút hơn 10,4 triệu like, với 75% lượt tương tác đều là những người dưới 35 tuổi. Ngay tại kỳ Olympic trẻ Lausanne 2020, ước tính có khoảng 170 triệu khán giả truyền hình theo dõi trên toàn thế giới, bên cạnh ba triệu người sử dụng các nền tảng kỹ thuật số như Olympic Channel, Olympics.com và Lausanne2020.sport (tăng 200% so trước đây).

Hơn thế nữa, cần phải biết rằng dòng tiền đã đổ vào ngân sách các tổ chức thể thao lớn như IOC thông qua bản quyền truyền hình được ký trước đó hàng năm trời. Và nguồn thu này luôn tăng đều đặn sau mỗi kỳ Thế vận hội. Ðiển hình như Mạng lưới phát sóng truyền hình Mỹ (NBC) đã trả trước cho IOC 4,4 tỷ USD gói bản quyền phát sóng Olympic đến năm 2020, cộng thêm 7,65 tỷ USD "đặt gạch" cho hai sự kiện tiếp theo diễn ra tại Pháp và Mỹ (tới năm 2032). Ðây là một trong những thỏa thuận thương mại quan trọng nhất lịch sử IOC. Nếu Olympic Tokyo 2020 bị hủy bỏ, IOC sẽ phải bồi hoàn hơn 4 tỷ USD cho các đối tác phát sóng của mình.

Tương tự, chính sự phát triển vượt bậc của các nền tảng truyền thông cũng giúp mỗi vận động viên tham dự Olympic (đặc biệt là các cá nhân giành thứ hạng cao) mang về những khoản thu nhập đáng kể. Với hơn 600 cá nhân tham gia tranh tài tại Thế vận hội Tokyo 2020, Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ thưởng các vận động viên 37.500 USD cho mỗi huy chương vàng, 22.500 USD và 15.000 USD tương ứng cho các tấm huy chương bạc và đồng. Ngoài ra, họ cũng nhận được các hình thức hỗ trợ khác bao gồm bảo hiểm y tế, tiếp cận các cơ sở y tế hàng đầu và hỗ trợ học phí đại học. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải "chiếc cần câu cơm" chính.

Năm 2018, vận động viên trượt tuyết Lindsey Vonn đã mang về hơn năm triệu USD sau chiếc huy chương vàng tại kỳ Olympic mùa đông tổ chức tại Hàn Quốc. Ngoài số tiền đến từ danh mục các nhà tài trợ, các nhà cung cấp dụng cụ thể thao, 3,6 triệu người theo dõi của Vonn đã tạo nên hơn 30,8 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội. Tận dụng sức hút "khủng" từ Thế vận hội, sự phát triển vượt bậc của các nền tảng truyền thông chính là nguồn thu giúp tất cả các thành phần liên quan "sống khỏe" sau những khoảng trống khó khăn mà đại dịch Covid-19 để lại.