Đâu rồi, những quân bài tẩy?

Những trận thua liên tiếp của Đội tuyển quốc gia Việt Nam trong khoảng thời gian gần đây không chỉ mang đến nỗi buồn cho người hâm mộ bóng đá nước nhà, mà còn là tín hiệu cảnh báo về tương lai đầy khó khăn sắp tới. Đặc biệt, khi lứa U23 hiện tại chưa thể đóng vai những người thay thế xứng tầm.

Nỗ lực của Quang Hải không thể giúp Đội tuyển Việt Nam lọt vào chung kết AFF Suzuki Cup 2020.
Nỗ lực của Quang Hải không thể giúp Đội tuyển Việt Nam lọt vào chung kết AFF Suzuki Cup 2020.

Nếu sự xuất sắc của Tiến Linh hay Quang Hải đã giúp chúng ta có lần đầu tham dự vòng loại thứ ba của một kỳ World Cup, vẫn những gương mặt ấy, Đội tuyển Việt Nam đã không thể một lần làm rung lưới đội tuyển Thái Lan tại AFF Suzuki Cup 2020. Khi phong độ của các trụ cột tụt dốc, chấn thương hoành hành, hay thậm chí may mắn cũng ngoảnh mặt, chẳng còn điều gì có thể níu kéo tia hy vọng. "Chúng ta đã sử dụng hết những nhân tố ưu tú nhất", thầy Park khẳng định trong cuộc họp báo sau trận đấu.

Việt Nam không sở hữu quân bài tẩy nào, ở đây chính là lứa cầu thủ kế cận với khả năng tạo nên đột biến. Bế tắc trong tìm kiếm những gương mặt mới, danh sách triệu tập của thầy Park gần như chẳng thay đổi gì sau nhiều lần tập trung. Hơn thế, nếu nhìn vào sự trầy trật của lứa măng non tham dự vòng loại U23 châu Á, công tác đào tạo trẻ trong nước đang cho thấy sự hạn chế một cách rõ ràng. Điều tất yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung tài năng trẻ cho Đội tuyển quốc gia.

Cần phải thừa nhận, thành công của thế hệ Công Phượng (lứa 95-96) hay Quang Hải (lứa 97-98) đều đến từ sự đầu tư mạnh tay của các ông bầu trong quá khứ. Hiện tại, nguồn tiền này vì nhiều lý do đã bị giảm đáng kể. Hoàng Anh Gia Lai giờ không còn đủ nguồn lực để hợp tác với JMG-Arsenal. Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF cũng mới được chuyển giao cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang. Và đơn vị này dù rất nỗ lực duy trì, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên quy mô đào tạo cũng không được như trước. Số lượng học viên năm nay ra tập trung chỉ vỏn vẹn 14 người. Đào tạo là vậy, ngay cả khi trưởng thành, không nhiều gương mặt trẻ được tạo cơ hội thi đấu và cọ xát thường xuyên nhằm nâng cao trình độ.

Theo ông Dương Vũ Lâm-Nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, câu chuyện bóng đá trẻ hay bài toán định hướng của cả nền bóng đá vẫn chưa được xây dựng một cách khoa học, bài bản và đồng bộ. Nhiều vấn đề tồn tại không dễ gì thay đổi vì thiếu sự đồng tâm hợp lực, cũng như không thắng được sức ép thành tích từ các đội bóng. Đơn cử như việc đề xuất mỗi câu lạc bộ tại V-League phải cho ra sân một vài cầu thủ U23 trong đội hình cũng bất thành.

Các cầu thủ trẻ cần được tạo cơ hội thi đấu nhiều hơn, trong hệ thống các giải vô địch, Cúp quốc gia hay ở các sân chơi khu vực như AFC Cup. Nếu không, hệ lụy nhãn tiền chính là sự thiếu hụt lực lượng cũng như sự chênh lệch về năng lực và kinh nghiệm giữa lứa U23 với thế hệ đàn anh tại Đội tuyển quốc gia. Theo đó, ước mơ tham dự World Cup 2026 chắc chắn cũng ngày càng xa vời hơn, xét trên thực lực của thế hệ kế cận ở thời điểm hiện tại.