Chủ động thích ứng

Trải qua một năm 2021 với vô vàn thử thách, Thể thao Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, nhằm sẵn sàng cho các sự kiện quốc tế lớn sẽ diễn ra dồn dập trong quãng thời gian sắp tới.

Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục 5.000 m tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021.
Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục 5.000 m tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021.

Khó khăn bủa vây

Năm qua, guồng quay thể thao Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhiều giải đấu trong nước bị hoãn, hủy bởi các địa phương thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, hạn chế các hoạt động thể thao trong nhà và ngoài trời. Lần đầu trong lịch sử 20 năm, Ban tổ chức cùng các Câu lạc bộ đã thống nhất hủy các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như V-League, giải hạng Nhất… Nhiều bộ môn Olympic cũng "án binh bất động" suốt năm, và mới vừa được tổ chức gấp rút trong tháng 12.

Dịch bệnh khiến các đường bay quốc tế bị thắt chặt. Vận động viên không thể ra nước ngoài tập huấn và thi đấu mà chỉ duy trì tập luyện tại chỗ. Điều này ảnh hưởng nhiều đến phong độ và đặc biệt là sự phát triển của lứa tài năng trẻ, vốn cần được thi đấu, cọ xát liên tục để cải thiện thành tích. Tại Olympic Tokyo 2020, Đoàn Thể thao Việt Nam "trắng tay", xếp dưới Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines về thành tích.

"Năm nay, vận động viên không được đi tập huấn quốc tế, nhiều giải đấu cũng bị hoãn hoặc hủy nên tâm lý và sự sẵn sàng bị ảnh hưởng. Thời gian đầu, chúng tôi không nghĩ tình hình dịch bệnh căng thẳng sẽ kéo dài. Giờ đây, tất cả phải học cách để ứng biến", Huấn luyện viên Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Minh Sang khẳng định.

Chủ động thích ứng -0
Đội tuyển Việt Nam phải bắt nhịp với mô hình "bong bóng" khép kín khi tham dự các giải đấu quốc tế. 

Những bài học năm cũ

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến vòng quay thể thao, nhưng đây là khó khăn chung, buộc tất cả phải chuyển mình để tồn tại. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, không phải bất cứ ai cũng thật sự cởi mở với những thay đổi. Một số tỉnh, thành phố nhận đăng cai các giải thể thao, nhưng lại xin rút giữa chừng khiến đội ngũ huấn luyện viên và vận động viên rơi vào thế bị động.

Ở thời điểm các giải bóng đá lớn trên thế giới trở lại bình thường đi kèm bộ quy tắc chung để ứng phó Covid-19, bóng đá Việt Nam chưa thể ngay lập tức tiếp thu những kinh nghiệm ấy. Thậm chí, Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) dù đã tiên phong xây dựng mô hình thi đấu "tập trung, cách ly, khép kín, không khán giả", vẫn bị hủy do lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở địa phương. Dẫu vậy, việc tất cả đội ngũ nhân sự của VBA trở về nhà an toàn sau hơn 70 ngày tập trung sinh hoạt và thi đấu chuỗi trận thực nghiệm, đã chứng minh sự hiệu quả của mô hình này.

Phải khẳng định, khi thế giới liên tục đúc rút những mô hình thích ứng an toàn để tổ chức sự kiện thể thao, các cơ quan quản lý trong nước vẫn có phần e dè, thiếu năng động trong công tác tổ chức. Tư duy ấy chỉ thay đổi vào thời điểm cuối năm, để rồi hàng loạt môn như taekwondo, điền kinh đã tổ chức thành công các Giải vô địch quốc gia. Đó chính là bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong năm 2021. Dù dịch bệnh khiến công tác tổ chức khó khăn hơn, các giải đấu cần được tạo điều kiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho vận động viên, giúp thể thao Việt Nam thoát khỏi tình trạng "ngủ đông", dẫn đến suy yếu phong trào, kéo tụt thành tích thi đấu.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Thể dục-Thể thao Lê Thị Hoàng Yến, ngành thể thao đã gặp khó khi không thể tổ chức các giải đấu trong điều kiện bình thường mới. Thời gian đầu, chúng ta có tổ chức một số giải, nhưng có những sự kiện phải hoãn, hủy do có một số vận động viên, tình nguyện viên hay thành viên ban tổ chức... mắc Covid-19. Khi một số địa phương phòng dịch tốt, các hoạt động thể thao diễn ra trở lại, tổ chức an toàn trong điều kiện bình thường mới (tiêm phòng đầy đủ, xét nghiệm thường xuyên).

"Để tổ chức giải, chúng tôi cách ly các vận động viên ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, trong môi trường khép kín an toàn. Tất cả đều nỗ lực tập luyện, thi đấu cọ xát để duy trì thể trạng và phong độ. Ở giải điền kinh, nhiều kỷ lục quốc gia được phá như kỷ lục 5.000m của Nguyễn Thị Oanh, 10.000m của Phạm Thị Hồng Lệ,... Ở môn bơi, các kình ngư đã đi Hungary tập huấn, thi đấu và có thành tích khả quan. Đó là hai môn thể thao trọng điểm chuẩn bị cho Olympic. Nhìn chung, thể thao Việt Nam học được rất nhiều từ trong khó khăn đại dịch để thay đổi cho phù hợp", bà Yến khẳng định.

Hướng tới năm 2022 bận rộn

Xuyên suốt một năm với không nhiều sự kiện thể thao được tổ chức, bóng đá có thể coi như điểm sáng hiếm hoi khi Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự liên tiếp vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á và hiện tại là AFF Cup 2020. Trong quá trình này, các thành viên phải sinh hoạt, tập luyện theo mô hình "bong bóng khép kín" (hạn chế tiếp xúc với bên ngoài), được xét nghiệm RT-PCR đều đặn ba ngày một lần. Trước đây, cầu thủ sau các đợt tập trung ngắn hạn thường được tạo cơ hội về thăm gia đình, nhưng do tuân thủ mô hình phòng dịch, có những người phải hai, ba tháng mới được về thăm nhà.

"Việc thực hiện mô hình khép kín khiến chúng tôi ban đầu bỡ ngỡ, nhưng sau cũng phải thích nghi vì lợi ích chung của tập thể", một thành viên trong ban huấn luyện chia sẻ. Bên cạnh thành tích lần đầu lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, cách các tuyển thủ thích ứng với điều kiện bình thường mới có thể xem như hình mẫu để thể thao Việt Nam hướng tới trong tương lai gần.

Chủ động thích ứng -0
Chuỗi trận thực nghiệm VBA 2021 khép lại thành công và an toàn sau hơn 70 ngày. 

Hơn thế nữa, trong năm 2022, Thể thao Việt Nam đứng trước nhiều giải đấu quốc tế lớn như SEA Games và ASIAD. Điều này đòi hỏi ngành thể thao cũng như đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên phải nỗ lực và thích ứng tốt hơn nữa với tình hình mới. Rút kinh nghiệm từ năm 2021, chúng ta cần có những cơ chế đặc thù để quá trình đi tập huấn và thi đấu dễ dàng hơn. Các chuyên gia cũng hy vọng mọi khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ khi các đường bay quốc tế mở cửa trở lại.

Trên cương vị nước chủ nhà SEA Games 31, công tác tổ chức Đại hội phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho các vận động viên, tình nguyện viên, khán giả... trong tình hình dịch bệnh diễn biến còn tương đối phức tạp. Về chuyên môn, Thể thao Việt Nam muốn hướng tới thành tích cao cũng cần được đầu tư kỹ lưỡng về mọi mặt. Bởi vậy, Tổng cục Thể dục-Thể thao đã chuẩn bị các kế hoạch cụ thể nhằm đưa vận động viên đi tập huấn và tham dự các giải đấu quốc tế. Thí dụ như các giải đơn môn ở châu Á, thế giới... nhằm cải thiện thành tích.

"Trước SEA Games và ASIAD năm tới, chúng tôi cũng tăng chế độ (trong đó có chế độ dinh dưỡng, tập luyện…) cho các vận động viên, đặc biệt là những cá nhân trọng điểm để đấu huy chương. Quan trọng nhất, tất cả phải có cơ hội thi đấu quốc tế nhằm cọ xát để hướng tới ASIAD. Đó là sân chơi rất lớn, tầm cỡ châu lục và hội tụ các vận động viên rất mạnh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều", bà Lê Thị Hoàng Yến nhận định.