Bệ phóng hướng đến sân chơi châu lục

Chỉ còn hơn một tháng nữa, SEA Games 31 sẽ chính thức khai màn. Trong guồng quay tất bật những phần việc cuối cùng, Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Thiện - Trưởng bộ môn Thể dục dụng cụ (Tổng cục Thể dục-Thể thao), về công tác chuẩn bị của Đội tuyển quốc gia trước thềm những sự kiện lớn sắp diễn ra trong năm nay.

Bệ phóng hướng đến sân chơi châu lục

- Để đạt được mục tiêu giành vị trí dẫn đầu toàn đoàn tại SEA Games 31, thể dục dụng cụ Việt Nam cần vượt qua những thách thức gì, thưa ông?

- Khó khăn đầu tiên phải kể đến sự cạnh tranh gắt gao của các nước bạn trong khu vực. Điển hình như nhà vô địch thế giới người Philippines - Carlos Yulo. Sau nhiều năm đào tạo tại Nhật Bản, chàng trai sinh năm 2000 là đối thủ nặng ký của các vận động viên Việt Nam ngay ở những nội dung thế mạnh của ta (như vòng treo, xà kép hay nhảy chống...). Còn với các nội dung của nữ, chúng ta phải cố gắng vượt qua đoàn Malaysia mới hy vọng giành được top đầu Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, dù là nước chủ nhà, các vận động viên vẫn đang ngóng chờ trang thiết bị thi đấu mới được lắp đặt, để có thể tiến hành việc tập luyện và làm quen càng sớm càng tốt. Thực tế, nếu sở hữu cơ sở vật chất hiện đại để vừa tập luyện và thi đấu sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Việc tập luyện một loại và thi đấu trên một loại dụng cụ khác nhau sẽ khiến chúng ta đánh mất lợi thế. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn chung với tất cả các quốc gia tham dự.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới kế hoạch tập huấn và thi đấu quốc tế của các vận động viên. Ngay như đợt dịch mới đây, Ban huấn luyện cũng phải điều chỉnh lại giáo án, bố trí nhiều khung giờ tập luyện khác nhau, nhằm hạn chế khả năng lây nhiễm chéo. Lãnh đạo bộ môn và Liên đoàn cũng thường xuyên động viên tinh thần toàn đội cố gắng nỗ lực để giành được kết quả tốt nhất.

Bệ phóng hướng đến sân chơi châu lục -0
 Khánh Phong lọt vào chung kết nội dung vòng treo trong lần đầu tham dự Giải vô địch thế giới.

- Vậy, Thể dục dụng cụ Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào về lực lượng trước thềm SEA Games 31?

- Hiện tại, các thành viên Đội tuyển đang nỗ lực hoàn thiện và nâng cao độ ổn định của các động tác thông qua những bài tập kỹ thuật chuyên sâu, tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Năm nay, chúng ta không còn có sự tham gia của Đặng Nam (nhà vô địch vòng treo bốn kỳ SEA Games liên tiếp, huy chương đồng ASIAD 2014). Tuy nhiên, lứa vận động viên kế cận cũng dần thể hiện khả năng, sẵn sàng gánh vác trọng trách.

Đối với các em nữ, cô trò huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Thúy hướng tới việc gây bất ngờ ở ba trong tổng số năm nội dung tranh tài. Tuy nhiên, nhiều gương mặt trẻ còn chưa tham dự SEA Games lần nào nên kinh nghiệm thi đấu và tâm lý còn yếu. Sau thời gian dài rèn luyện, tất cả đang tự tin hướng tới mục tiêu giành các thứ hạng cao, đặc biệt khi được ra sân dưới sự cổ vũ của các khán giả nhà.

Mới nhất, bảy thành viên Đội tuyển quốc gia đã góp mặt tại Giải vô địch thế giới 2022 diễn ra tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 31/3 đến 3/4. Đây là cơ hội quý giá giúp các vận động viên tìm lại cảm giác thi đấu quốc tế, cũng như làm quen tâm lý và ổn định bài thi trước thềm SEA Games 31. Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, dù mới lần đầu tham dự, tài năng trẻ sinh năm 2002 Nguyễn Văn Khánh Phong đã xuất sắc lọt tới vòng chung kết ở nội dung vòng treo, sau khi kết thúc vòng loại ở vị trí thứ tư với 14.400 điểm.

- Cùng với đó, Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam có kế hoạch gì để chinh phục các giải đấu quốc tế lớn sẽ diễn ra trong thời gian tới, thưa ông?

- Thể dục dụng cụ luôn gặp rất nhiều khó khăn đặc thù xuyên suốt quá trình tuyển chọn vận động viên cho tới khâu đào tạo. Bắt đầu từ thời điểm các em còn rất nhỏ (khoảng năm đến sáu tuổi), để cho "ra lò" một lứa vận động viên có khả năng giành thành tích cao phải mất tối thiểu 10 năm. Vậy nên, khi Thể dục dụng cụ Việt Nam xác định SEA Games là bệ phóng hướng đến các đấu trường châu lục (như ASIAD và Olympic), song song công cuộc trẻ hóa lực lượng, chúng ta phải chấp nhận thực tế giảm sút về thành tích. Các vận động viên tiềm năng vẫn cần thêm thời gian cọ xát, tích lũy và trau dồi kinh nghiệm thi đấu.

Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi chiến lược trong đào tạo và tập huấn quốc tế ngay từ bây giờ. Chẳng hạn như thành lập những đội nhóm trẻ, tìm kiếm các chuyên gia nước ngoài huấn luyện từ khi còn nhỏ và sau đó tuyển chọn những gương mặt ưu tú đi du học dài hạn. Trước mắt là từ tám đến mười tháng và sau đó là từ 3 đến 5 năm. Kế hoạch này yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn, đòi hỏi các địa phương và cả Liên đoàn phải phối hợp chặt chẽ. Mỗi địa phương cần có sự đầu tư bài bản vì đây là mắt xích quan trọng nhất, sở hữu lực lượng nòng cốt ban đầu của quá trình tuyển chọn. Sau đó, cần kết nối với Trung ương để lên phương án tập huấn dài hạn. Chỉ có vậy, Việt Nam mới có thể mơ về thế hệ vàng sẽ được sản sinh trong thời gian sắp tới.

- Xin chân thành cảm ơn ông!