Bài học cũ

Nguyễn Thị Ánh Viên đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định chia tay sự nghiệp thi đấu, nhưng với ngành thể thao, với những người quản lý có trách nhiệm, họ nghĩ gì khi không thể nâng trình độ vận động viên kiệt xuất Việt Nam tới tầm châu Á hay Olympic?

Ánh Viên hoàn toàn có thể chia tay sự nghiệp với nụ cười.
Ánh Viên hoàn toàn có thể chia tay sự nghiệp với nụ cười.

Ðã nhiều lần xin nghỉ

Ông Võ Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Từ đầu tháng 10, Ánh Viên đã gửi đơn xin rời Ðội tuyển Bơi quốc gia. Trong đơn, kình ngư 25 tuổi đề đạt nguyện vọng muốn nghỉ để tập trung hoàn thành chương trình học năm cuối tại Trường đại học Thể dục - Thể thao TP Hồ Chí Minh và có thời gian bên gia đình".

Thực tế Ánh Viên đã nhiều lần xin giải nghệ nhưng do lãnh đạo ngành thể thao thuyết phục, cho nên cô ở lại. Tuy nhiên, có vẻ như sau thất bại tại Olympic Tokyo 2020, cô gái quê Cần Thơ đã không còn nhiều động lực để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp. Khi đã ở bên kia sườn dốc, chuyện Ánh Viên nghỉ thi đấu cũng là bình thường. Một lần nữa, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, Bộ môn bơi và lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao thuyết phục nữ vận động viên ở lại, ít nhất là hết SEA Games 31, dự kiến tổ chức vào tháng 4 năm sau.

Như nhận định của giới chuyên môn, dù không còn ở thời đỉnh cao, Ánh Viên vẫn có thể giành khoảng 10 huy chương vàng, bởi ở đấu trường khu vực, cô gần như không có đối thủ. Bên cạnh lối mòn bệnh thành tích, liệu ngành thể thao có nhận ra mình đã lãng phí một tài năng hiếm có, một kình ngư mà có thể 50 năm nữa cũng không xuất hiện trở lại?

Sự im lặng

Tài năng của Ánh Viên được phát hiện từ rất sớm và bắt đầu được đầu tư mạnh từ năm 16 tuổi. Quân đội và Tổng cục Thể dục - Thể thao đã phối hợp đưa tập huấn dài hạn tại Mỹ từ năm 2012 đến 2019. Trong suốt bảy năm đó, mức kinh phí ước tính lên tới 30 tỷ đồng là con số đáng mơ ước với một vận động viên thành tích cao. Tuy nhiên, chừng ấy chỉ đủ để giúp Ánh Viên "vẫy vùng" ở sân chơi khu vực. Thành tích 25 huy chương vàng cùng 11 kỷ lục là vô tiền khoáng hậu, nhưng cứ mỗi lần tham dự Asiad hay Olympic, Ánh Viên cũng không thể làm được gì nhiều.

Thực tế, ngay từ khi Ánh Viên "làm mưa, làm gió" ở SEA Games 2015 với tám huy chương vàng, giới chuyên môn đã cảnh báo cách đầu tư của ngành thể thao không thể giúp kình ngư này vươn tầm châu lục. Chiến lược đầu tư, định hướng và phương pháp huấn luyện với Ánh Viên chỉ phù hợp mục tiêu giành huy chương vàng SEA Games.

Ðặc biệt, việc Ánh Viên hết năm này qua năm khác chỉ tập cùng huấn luyện viên Ðặng Anh Tuấn trên đất Mỹ là một mô hình huấn luyện không giống ai. Mỗi tuần, các báo cáo gửi về bằng văn bản luôn là những số liệu rất đẹp. Trong khi đó, Tổng cục Thể dục - Thể thao cùng lắm cũng chỉ sang Mỹ kiểm tra mỗi năm một lần và hoàn toàn phó mặc cho người thầy. Trong suốt thời gian dài, giới truyền thông đều đặn lên tiếng về việc Ánh Viên phải có một quy trình huấn luyện khoa học, phải có một huấn luyện viên đẳng cấp cao, nhưng đổi lại là sự im lặng của những người có trách nhiệm.

Phải đến sau giải vô địch thế giới 2019, Tổng cục Thể dục - Thể thao mới có buổi làm việc với hai thầy trò. Lúc này, nhiều người mới vỡ lẽ chuyện ông Anh Tuấn chủ yếu đi thuê bể bơi cho Ánh Viên tập luyện, rồi cả chuyện vị huấn luyện viên này dính vụ lùm xùm cá nhân buộc phải chia tay Ðội tuyển bơi. Ðáng buồn hơn cả, chỉ khi kình ngư này đã qua thời đỉnh cao, các bất cập mới được phát hiện. Việc tuyên bố Ánh Viên đã "chạm ngưỡng", để rồi hưởng chế độ như một vận động viên bình thường chẳng khác nào thừa nhận thất bại của ngành thể thao trong việc định hướng, phương pháp huấn luyện, chiến lược đầu tư…

Bài học xương máu

Nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: "Ánh Viên được đầu tư quá dàn trải. Ðây là sai lầm. Nếu được tập trung khoảng hai nội dung tủ, kình ngư này có lẽ sẽ tranh chấp được huy chương ở đấu trường châu lục, thậm chí tiệm cận Olympic".

Ở mỗi kỳ SEA Games hay thậm chí là Giải vô địch quốc gia, Ánh Viên cũng chịu áp lực vô cùng lớn về mặt thành tích tới mức bị trầm cảm. Với số nội dung đăng ký lên tới con số 18, kình ngư trẻ thi đấu như một cỗ máy, còn ngành thể thao "hả hê" trong chiến thắng khi luôn chắc một vị trí trong tốp ba khu vực.

Bảy năm trước, Ánh Viên giành huy chương vàng 200 m bơi hỗn hợp nữ ở Thế vận hội trẻ. Người về sau là kình ngư Hồng Công (Trung Quốc), kém cô một tuổi. Tại Olympic Tokyo 2020, cô gái này đã xuất sắc giành tấm huy chương bạc 200 m bơi tự do, còn thành tích của kình ngư Việt Nam lại kém nhất trong vòng 10 năm qua. Phải khẳng định, Ánh Viên là vận động viên bơi lội vĩ đại nhất lịch sử bơi lội Việt Nam. Và câu chuyện giải nghệ của cô ở thời điểm này một lần nữa lại nhắc nhở chúng ta về bài học tuy mới mà cũ.