Nguyễn Thùy Linh

Tôi luôn phải là số 1!

Từ khi chỉ là một cô bé rất đam mê với cầu lông, Nguyễn Thùy Linh đã mơ ước một ngày nào đó mình là VĐV số 1 Việt Nam. Đến nay, giấc mơ đã thành hiện thực và hành trình lên ngôi số 1 ấy của cô gái quê Phú Thọ đã phải đánh đổi rất nhiều.

Ảnh trong bài | Quyết Nguyễn
Ảnh trong bài | Quyết Nguyễn

Olympic và trận đấu cảm xúc nhất sự nghiệp Olympic Tokyo đã kết thúc được một tháng, có lẽ đến giờ này Thùy Linh vẫn còn nguyên cảm xúc đặc biệt trong lần đầu tham dự Thế vận hội?

Olympic là giấc mơ của bất cứ VĐV nào. Được tham dự Olympic 2020 lại càng trở nên ý nghĩa khi tôi và các VĐV không được tập huấn, thi đấu quốc tế, chủ yếu tập chay ở trong nước. Trước ngày lên đường, cứ nghĩ đến sắp được tranh tài tại Olympic Tokyo, tôi thật sự cảm thấy vô cùng tự hào và phấn khích.

Là VĐV không mấy tên tuổi, điều gì đã làm nên một Nguyễn Thùy Linh luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt mỗi khi xuất hiện tại Tokyo?

Trước khi đến với Olympic tôi đã tập luyện rất chăm chỉ, chính vì vậy tôi luôn giữ một tinh thần lạc quan rằng sẽ thi đấu hết sức có thể, cho dù thắng hay thua thì cũng phải chiến đấu hết mình vì mầu cờ sắc áo. Trước mỗi trận đấu, tôi phải nhắc nhở chính bản thân mình không được phép gục ngã, mà phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng.

Kết quả bốc thăm đã đưa Thùy Linh rơi vào bảng đấu cực khó, trong đó các đối thủ đều có đẳng cấp cao hơn, đặc biệt là sự có mặt của tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu-ying. Cảm giác khi biết mình gặp các đối thủ này thế nào?

Dĩ nhiên khi thi đấu ai cũng muốn mình có một chút may mắn. Tôi thì không được như vậy khi gặp các đối thủ rất mạnh. Công sức cả năm tập luyện, cũng hy vọng vào được vòng 1/16, nhưng vào bảng này thì là không thể rồi. Tôi đã tự trấn tĩnh, đặt lại mục tiêu là đứng nhì bảng.

Sau trận ra quân với chiến thắng trước tay vợt người Pháp, Linh đã gặp tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu-ying. Đây chính là trận đấu để đời?

Đúng vậy. Tzu-ying chính là thần tượng của tôi, là động lực để tôi theo đuổi cầu lông đến ngày hôm nay. Tôi gần như xem đi xem lại các trận đấu của cô ấy hàng tối trước khi đi ngủ, đến mức còn nhớ từng pha bóng, từng quả cầu.

Tôi luôn phải là số 1! -0

Tôi bước vào trận mà không cần quan tâm tới kết quả, bởi lần đầu được thi đấu với thần tượng là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi chọn cách đối diện với cô ấy thay vì quá lo lắng, tôi cảm thấy hào hứng và mong muốn thể hiện nhiều hơn. Dĩ nhiên Tzu-ying không biết cảm xúc đặc biệt của tôi. Cô ấy chơi hết sức. Tai Tzu-ying giỏi toàn diện rồi, còn tôi chơi cống hiến, đối thủ đánh quả nào mình chạy quả đấy để họ biết rằng là dù có thắng thì đây cũng là một trận đấu không dễ dàng.

Một giải đấu mà Thùy Linh học hỏi được quá nhiều từ đối thủ?

Điều mà tôi học hỏi từ Tzu-ying là tinh thần và sự lì lợm. Sau trận đấu, tôi đã xin chụp ảnh chung với VĐV người Đài Loan, và nói rằng mình thần tượng từ rất lâu rồi. Tai Tzu-ying mỉm cười rất thân thiện. Đó chính là khoảnh đáng nhớ nhất sự nghiệp thi đấu của tôi. Từ một trận đấu mà hai bên đều đã cống hiến, rồi sau đó cười nói, tặng quà cho nhau, thật là tuyệt vời!

Bên cạnh đó, các tay vợt thi đấu với tôi ở vòng bảng đều là những đối thủ từng xếp trên BXH, vì vậy mỗi trận đấu đều để lại những ấn tượng, bài học riêng. Sau lần đầu được tham dự Olympic, tôi thấy mình tiến bộ hơn, nhất là sự tự tin và tinh thần thi đấu. Điểm yếu lớn nhất của tôi là thể lực vẫn chưa thật sự tốt, dẫn đến việc chưa duy trì được tốc độ, chất lượng thi đấu trong suốt trận đấu. Tôi phải sớm hoàn thiện mình.

Hành trình lên ngôi số 1

So với các quốc gia trong khu vực, VĐV Việt Nam gặp rất nhiều thiệt thòi. Ngay cả tay vợt từng xếp hạng 5 thế giới Nguyễn Tiến Minh cũng thường xuyên phải tự bỏ tiền túi để tham dự các giải đấu quốc tế. Linh nghĩ sao khi cầu lông Việt Nam vẫn chưa được đầu tư xứng tầm?

Môn thể thao nào cũng vậy, sự đầu tư mang tính quyết định tới thành công. Để phát triển thì mình cần phải đầu tư nhiều và các VĐV cũng cần phải cố gắng nhiều. Nhất là vấn đề thi đấu và tập huấn ở nước ngoài là điều chắc chắn phải có thì mới có thể rút ngắn khoảng cách với các đối thủ mạnh trên thế giới. Tôi thấy các VĐV đỉnh cao quốc tế đều có nhiều tài trợ và ủng hộ từ doanh nghiệp và xã hội. Tôi mong cầu lông Việt Nam được như vậy.

Trong sự nghiệp của mình, chắc hẳn Thùy Linh có nhiều kỷ niệm đẹp?

Có nhiều lắm chứ. Tôi nhớ lần tham dự một giải đấu ở Italia cùng anh Tuấn Đức, chị Như Thảo, anh Cao Cường và ban huấn luyện. Toàn đội phải quá cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ mất 11 tiếng không có wifi. Mọi người phải ngồi nhìn nhau mất nửa ngày trời. Hơn thế nữa, thời gian thi đấu lại chỉ toàn ăn mì ăn liền và phở gói kèm xúc xích, thịt hộp mang từ Việt Nam. Phải đến tận hôm cuối cùng mới được ăn bát cơm cháy tự nấu mà còn phải “nấu chui”. Mặc dù vất vả nhưng khoảng thời gian ấy lại rất vui.

Một ngày tập luyện trong mùa dịch Covid-19 của Thùy Linh thế nào?

Trước Olympic tôi chỉ có thể tập cùng HLV trong nước, còn chuyên gia nước ngoài thì gửi giáo án online để tôi học. Mỗi tuần, ngoài những buổi tập về kỹ thuật cầu thì tôi còn có những buổi chạy thể lực, tập tạ, tập gym, nhảy dây và các động tác linh hoạt chân. Cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh việc tập luyện rồi đi thi đấu, xong lại về tập luyện. Mỗi ngày đều giống nhau cả, thức dậy vào lúc 7 giờ sáng và bắt đầu tập từ 8 giờ 30 phút đến 12 giờ, buổi chiều từ 15 giờ 30 phút đến 18 giờ. Được nghỉ nửa ngày thứ 7 và chủ nhật để thả lỏng.

Sau Olympic, tôi bước vào một quy trình tập luyện mới với khối lượng, độ khó được nâng cao hơn đáng kể, trong đó tất nhiên sẽ đặc biệt chú trọng đến việc rèn thể lực.

Điều gì đã giúp Thùy Linh luôn giữ được sự lạc quan, hào hứng và quyết tâm như vậy?

Tôi đặt mục tiêu mình luôn phải là số 1, là VĐV cầu lồng nữ số 1 Việt Nam một cách thuyết phục.

Mục tiêu ấy giờ đã đạt được và điều đó có khiến Linh mất ít nhiều động lực?

Chưa bao giờ tôi hài lòng với chính mình. Đạt được đã khó, giữ được còn khó hơn. Tôi phải nâng cao thể lực, chiến thuật, kỹ thuật, cải thiện thứ hạng để chuẩn bị tốt nhất cho các giải đấu sắp tới. Gần nhất, tôi sẽ phấn đấu tranh chấp huy chương ở SEA Games 31 trên sân nhà. Các đội tuyển ở Đông Nam Á đều là những cường quốc cầu lông hàng đầu thế giới, nên độ khó cũng không kém gì Olympic. Xa hơn, tôi muốn lại tiếp tục giành suất dự tranh Olympic 2024, và có thể đạt thành tích cao hơn.

Quyết thực hiện lời hứa với ông ngoại

Cơ duyên nào đưa Thùy Linh đến với cầu lông?

Từ nhỏ ông ngoại đã phát hiện ra niềm đam mê của tôi. Ngày nào tôi cũng xin ông cho ra sân xem mọi người đánh cầu và mượn vợt của ông đứng một góc tự tâng. Sau nhiều lần đạt giải nhất cầu lông ở trường và thành phố, ông thấy tôi có năng khiếu nên đã hướng mình theo con đường này.

Con đường cầu lông chuyên nghiệp chắc chắn đầy gian nan, thử thách?

Đúng vậy, ban đầu mẹ không đồng ý cho tôi theo cầu lông vì thương con gái vất vả. Đến khi mẹ mất một năm, tôi mới đi tập lại. Ông ngoại là người đã dìu dắt tôi. Nhưng năm tôi 15 tuổi, ông qua đời. Sự ra đi của mẹ rồi ông ngoại để lại một khoảng trống lớn. Tôi quyết tâm theo đuổi cầu lông tới cùng và giành tấm huy chương SEA Games theo nguyện vọng cuối cùng của ông.

Sau khi trở thành tay vợt nữ số 1 Việt Nam, tôi đã hứa trước mộ ông rằng mình phải mang huy chương SEA Games về tặng ông.

Ở tuổi 24, Thùy Linh thấy mình được gì từ cầu lông?

Một trong những khó khăn nhất của tôi khi theo đuổi cầu lông là liên tục phải thay HLV vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ vì được học với nhiều thầy, nên tôi đã lĩnh hội được nhiều lối chơi, để tạo nên phong cách chơi riêng của mình.

Tôi học được rất nhiều từ cầu lông, từ một người được gia đình bao bọc tôi đã tự lập trên con đường của mình ngay từ khi còn trẻ. Tôi cũng rất cố gắng vượt qua khó khăn và luôn sống tích cực. Sau này giải nghệ, hy vọng tôi có thể quay lại cống hiến tiếp cho cầu lông và thể thao nước nhà bằng những kinh nghiệm của mình.

Xin cảm ơn Thùy Linh vì những chia sẻ thú vị!

Nhỏ nhưng có võ

Liên đoàn cầu lông thế giới có bài viết đánh giá Thùy Linh là một trong những VĐV tạo bất ngờ lớn ở Olympic Tokyo 2020. Bài viết có tựa đề: “Punching above their weight”. Về nghĩa đen, cụm từ này được hiểu đơn giản là “nhỏ nhưng có võ”.

Tại Olympic Tokyo, tay vợt sinh năm 1997 đã cho thấy một ý chí kiên cường. Mặc dù được đánh giá thấp nhất bảng nhưng Thùy Linh vẫn xuất sắc giành hai chiến thắng tại vòng bảng và chỉ chịu thất bại trước tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu-ying.