Thể thao Việt Nam trở lại sôi động

Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động tập luyện của VĐV các đội tuyển trên toàn quốc đã chính thức khởi động lại, để sẵn sàng cho những giải đấu thành tích cao trở lại bắt đầu từ tháng sáu.

Đội tuyển điền kinh quốc gia tập luyện chuẩn bị cho những giải đấu tới. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Đội tuyển điền kinh quốc gia tập luyện chuẩn bị cho những giải đấu tới. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, mọi giải đấu, hoạt động của Thể thao thành tích cao và Thể thao quần chúng Việt Nam buộc phải hoãn hoặc hủy bỏ. Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) cho biết, đến thời điểm này, Tổng cục TDTT đã xây dựng xong các kế hoạch chuẩn bị tổ chức giải đấu thành tích cao khởi tranh trở lại khi có sự đồng ý của Chính phủ. Theo thống kê của Tổng cục TDTT, sáu tháng đầu năm 2020 thể thao Việt Nam (TTVN) dự kiến tham dự 113 giải đấu, sự kiện thể thao quốc tế. Còn ở trong nước, theo kế hoạch sẽ có 71 giải đấu thể thao thành tích cao cùng với đó 19 đội tuyển thể thao lên chương trình đi tập huấn nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Phấn, chủ yếu các giải đấu thành tích cao được khởi động trở lại bắt đầu từ tháng sáu, dựa vào tình hình thực tế, Tổng cục TDTT đã tính toán sẽ chỉ có các giải đấu chính - nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, mới được tổ chức. Chỉ trong tháng sáu đã có rất nhiều giải đấu diễn ra như: các giải đá bóng quốc gia; Giải vô địch cung thủ xuất sắc tại Huế; Giải kickboxing Cúp các CLB tại Đắk Nông; Giải điền kinh Cúp Thống nhất tại TP Hồ Chí Minh; Giải Vô địch trẻ judo toàn quốc tại Đồng Nai; Giải vô địch pencal silat toàn quốc tại Hà Tĩnh; Giải vô địch Vovinam các đội mạnh toàn quốc tại Yên Bái...

Bên cạnh đó, hiện thực hóa mục tiêu giành 20 vé dự Olympic Tokyo 2020 (được lùi thời gian đến năm 2021) là nhiệm vụ trọng tâm của thể thao Việt Nam khi trở lại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới chỉ có năm suất dự Thế vận hội, gồm Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt - Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung) và Nguyễn Văn Đương (boxing). Cũng theo ông Trần Đức Phấn, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới lộ trình hoàn thành mục tiêu giành vé tham dự Olympic của TTVN, kế hoạch tập huấn nước ngoài dành cho các VĐV trọng điểm đều bị dừng lại. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn về trình độ chuyên môn của nhóm VĐV trọng điểm hướng đến đấu trường này thì TTVN vẫn còn khá nhiều cơ hội để giành những tấm vé tiếp theo. Chúng ta tiếp tục kỳ vọng có vé ở các môn khác như điền kinh, đua thuyền, cử tạ, đấu kiếm, một số môn võ như judo, karate, taekwondo... Song, việc lấy đủ vé tham dự Olympic Tokyo là khả quan nhưng không đồng nghĩa với khả năng giành huy chương ở đấu trường quá khắc nghiệt này. Cùng với đó, quan trọng không kém là sự chuẩn bị tốt nhất về chuyên môn cho SEA Games 31 vào năm 2021 khi Việt Nam là nước chủ nhà. Đây chính là hai nhiệm vụ kép được lãnh đạo ngành TDTT khẳng định trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra gần đây.

Ngay từ những ngày đầu tháng năm, VĐV tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đã trở lại tập trung, luyện tập sôi nổi để chuẩn bị tốt nhất cho những cuộc tranh tài ở các giải đấu quốc nội, quốc tế khi được tổ chức trở lại. Covid-19 đã khiến thể thao thế giới tê liệt, TTVN cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của đại dịch này. Trong suốt bốn tháng qua, các VĐV Việt Nam không được tham dự bất kỳ giải đấu nào. Việc tập luyện với đa số VĐV cũng bị ảnh hưởng nhiều, bởi khi đội tuyển bị giải tán, họ tự tập tại nhà với khối lượng chỉ bằng 50 - 60% tập ở đội tuyển hay CLB. Vì thế, vào lúc này họ rất mong muốn và háo hức để được trở lại thi đấu. Sáu tháng cuối năm sẽ là giai đoạn tập luyện và thi đấu rất quan trọng của các VĐV, sẽ có muôn vàn khó khăn nhưng cũng đầy khí thế, quyết tâm của các VĐV Việt Nam trong hành trình chinh phục những mục tiêu quan trọng.