U23 Việt Nam

Quyết tâm vượt qua vòng loại châu Á

Giải U23 châu Á chính là nơi mở ra chu kỳ thành công của triều đại Park Hang-seo với ngôi á quân lịch sử năm 2018. Chính vì vậy, tại giải năm nay U23 Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng và trước mắt là mục tiêu vượt qua vòng loại, lấy tấm vé vào Vòng chung kết (VCK) U23 châu Á 2022.

U23 Việt Nam sẽ có hai đợt tập huấn trước vòng loại U23 châu Á. Ảnh | VFF
U23 Việt Nam sẽ có hai đợt tập huấn trước vòng loại U23 châu Á. Ảnh | VFF

Vòng loại U23 châu Á 2022 sẽ được diễn ra từ 23 đến 31/10 với 43 đội tuyển tham dự chia thành 11 bảng đấu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi bảng đấu được tổ chức ở một quốc gia đăng cai và vòng loại sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng tại mỗi bảng. 11 đội xếp thứ nhất và bốn đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền vào VCK tổ chức tại Uzbekistan từ ngày 1 đến 19/6/2022.

Lá thăm may rủi đưa U23 Việt Nam vào bảng I, cùng các đối thủ là U23 Myanmar, U23 Hồng Kông (Trung Quốc) và đội chủ nhà U23 Đài Loan (Trung Quốc). Đây được đánh giá là bảng đấu khá “dễ thở” với U23 Việt Nam. Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết U23 Việt Nam dự kiến sẽ có thêm hai đợt tập huấn nữa trước khi vòng loại diễn ra và mục tiêu vẫn là tiếp tục giành các chiến thắng để góp mặt ở VCK.

Để hướng đến mục tiêu này, từ năm ngoái HLV Park Hang-seo đã có sự chuẩn bị cho lứa U23 với bốn đợt tập trung cùng hai trận giao hữu cùng đội tuyển Việt Nam. Đây cũng là lứa cầu thủ được xây dựng để hướng đến mục tiêu thi đấu tại SEA Games. Nòng cốt U23 Việt Nam tham dự chiến dịch vòng loại sắp tới là lứa cầu thủ sinh năm 1999 trở về sau. Trong đó có bảy cái tên thuộc danh sách đội tuyển Việt Nam làm nên lịch sử khi lần đầu tiên góp mặt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 tháng 6 vừa qua, gồm: Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Hai Long, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Xuân, Lý Công Hoàng Anh. Dù trình độ chung của lứa U23 hiện tại không được đánh giá cao như lứa Quang Hải, Xuân Trường, Tuấn Anh, Duy Mạnh... nhưng giới chuyên môn cho rằng Việt Nam vẫn là ứng viên số một cho tấm vé đi tiếp.

Quyết tâm vượt qua vòng loại châu Á -0
 

Ba kỳ liên tiếp gần nhất, U23 Việt Nam đều vào tới vòng VCK. Đội tuyển giành ngôi á quân vào năm 2018 và dừng chân tại vòng bảng năm 2016 và 2020. Nhìn sang các đối thủ ở bảng I sắp tới, có thể thấy cả ba đội đều được đánh giá “dưới cơ” so với thầy trò HLV Park Hang-seo. U23 Hồng Kông (Trung Quốc) và U23 Đài Loan (Trung Quốc) chưa có lần nào vào VCK U23 châu Á. Điều này là do LĐBĐ của cả hai chỉ tập trung đầu tư vào đội tuyển quốc gia với chính sách nhập tịch ngoại binh mà không chú trọng công tác đào tạo trẻ, cho nên thường chỉ đóng vai “lót đường” ở vòng loại U23 châu Á.

Còn U23 Myanmar mới có một lần vào VCK năm 2013. Họ là đối thủ quen mặt với các cầu thủ trẻ Việt Nam tại các giải trẻ khu vực và có nhiều khả năng gây khó khăn cho U23 Việt Nam. Trong quá khứ, U23 Việt Nam từng đối đầu với U23 Myanmar tại SEA Games 28. Thời điểm đó, Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Miura đã phải nhận thất bại đáng tiếc 1-2 trước đối thủ này. Tại SEA Games 30 (2019), màn trình diễn của U22 Myanmar cũng không hề tệ khi giành ngôi đầu bảng A và chỉ thua U22 Indonesia, á quân của giải đấu trong hiệp phụ. Tuy nhiên, với trình độ và thực lực hiện tại chỉ cần không chủ quan, chơi đúng sức, U23 Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến vị trí nhất bảng để đoạt vé chính thức đến Uzbekistan.

Bên cạnh vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 31 (đã hoãn sang năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19), giải U23 châu Á mang tính chất rất quan trọng cho bóng đá Việt Nam trong năm nay. Đây là sân chơi để “thử lửa” sức mạnh và sự tiến bộ của các cầu thủ trẻ, nơi mà “thế hệ vàng” hiện tại của bóng đá Việt Nam trưởng thành. Vì vậy, nhiệm vụ của U23 Việt Nam là phải vượt qua vòng loại U23 châu Á để vào VCK, thì các cầu thủ trẻ mới có thêm cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành từ những trận cầu đỉnh cao cùng những đối thủ hàng đầu khu vực.