Bóng đá thế giới

Nơi đất cằn...

Mùa giải mới trên khắp châu Âu đã bắt đầu. Năm thứ hai, bóng đá châu Âu khởi động mùa giải với những vết thương chằng chịt. Ngành công nghiệp giải trí, truyền thông, kinh doanh đầy lợi nhuận này đang bước vào một giai đoạn vật vã, như thể một kẻ rơi xuống hố sâu đang vùng vẫy để leo lên...

Mùa giải mới bắt đầu với những bài toán kinh tế đau đầu cho các CLB.
Mùa giải mới bắt đầu với những bài toán kinh tế đau đầu cho các CLB.

1 Cho đến thời điểm một tuần trước khi La Liga mùa giải 2021/22 khởi tranh, Messi vẫn không thể đăng ký. Trên trang chủ của Ban tổ chức La Liga, cái tên lẫy lừng ấy vẫn mất tích, mặc dù chính La Liga là những người muốn giữ Messi lại hơn ai hết. Tại sao? Đơn giản vì quỹ lương của Barca đã phình quá mức quy định, trong khi Messi đã ký hợp đồng mới nên được coi là “tân binh” và khi quỹ lương chưa được cân bằng ở tỷ lệ quy định thì tất cả các tân binh đều không được đăng ký. Có lẽ mới chỉ mỗi Barca gặp trường hợp này, nhưng toàn châu Âu lúc này đều rơi vào tình trạng báo động về tài chính kiểu như vậy.

Đúng thời điểm này năm ngoái, các giải Vô địch quốc gia châu Âu trở lại thi đấu nốt sau vài tháng phải hoãn lại vì dịch Covid-19. Thiệt hại thì lúc đó đã được nói đến rất nhiều. Nhưng có lẽ chẳng ai có thể ngờ được là nó kéo dài và tạo ra một cuộc khủng hoảng ghê gớm đến thế. Câu chuyện về Messi chỉ là một thí dụ nho nhỏ. Bởi bên cạnh Messi, hàng loạt những cuộc tháo chạy diễn ra trên khắp châu Âu. Nó như một cuộc di cư lớn mà ở đó bài toán kinh tế, những mưu toan tiền lương được tính chi tiết và cực kỳ phức tạp, tạo ra một chuỗi domino kéo dài.

Chưa bao giờ có một kỳ chuyển nhượng mùa hè lại có nhiều bom tấn như năm nay, với quá nhiều cái tên đình đám. Nhưng hầu hết họ đều là những bản hợp đồng tự do, miễn phí. Từ Sergio Ramos, David Alaba, Sergio Aguero, Depay, Donnarumma... Và thay vào đó là những đàm phán triền miên, rối rắm về tiền lương. Ramos, huyền thoại sống của Real Madrid phải ra đi vì không chấp nhận giảm 10% lương, tương đương khoảng 1,2 triệu euro, cùng hợp đồng mới chỉ một năm. Sang PSG, Ramos giữ nguyên lương, được ký hai năm. Ở khía cạnh toán học, một vài triệu euro có thể tống khứ cả một huyền thoại.

Khi một CLB thua lỗ trong thời gian dài, chuyện bỏ hàng chục triệu euro, hay thậm chí cả trăm triệu euro mua một cầu thủ cùng mức lương vài chục triệu euro mỗi năm, đó là một điều phi lý. Những khoản tiền khổng lồ đã thôi không còn xuất hiện nhan nhản nữa, nhưng thay vào đó, vấn đề lương lại khiến các CLB kiệt quệ.

2 Tập đoàn Kiểm toán tài chính Deloitte thông báo, cuối mùa giải 2019/20, mùa giải bị gián đoạn bởi Covid-19, thị trường bóng đá châu Âu giảm doanh thu 3,7 tỷ euro so với mùa giải trước. Đây cũng chính là mùa giải thâm hụt tài chính lớn nhất từ xưa đến nay trong làng bóng đá châu Âu đầy hào nhoáng. Trong đó, các nền bóng đá của Anh, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Pháp thiệt hại chiếm 60%. 98 CLB ở năm giải đấu này có tổng thu nhập là 15,1 tỷ euro, ít hơn mùa trước gần hai tỷ euro. Một con số quá lớn tương đương 13%.

Có thể mỗi giải đấu có ảnh hưởng thu nhập khác nhau. Như Bundesliga của Đức có các giải pháp hạn chế thiệt hại, nên họ chỉ mất 4%, Serie A của Italia thì thâm hụt tới 18%, nhưng điều cơ bản là tất cả các CLB đều chịu ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Và trớ trêu là các CLB càng lớn thì thiệt hại càng cao. Các CLB Anh là những người hào nhoáng nhất lại là những người thâm hụt lũy kế nặng nề nhất. Tỷ lệ giữa lương và thu nhập của các CLB đã tăng lên 73%, có nghĩa là số tiền chi trả lương cầu thủ chiếm 73% thu nhập mỗi đội bóng. Đồng nghĩa các CLB chỉ hoạt động, kinh doanh để trả lương và... cạn kiệt ngân sách. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì nó có thể dẫn một đội bóng đến miệng vực phá sản, nếu các ông chủ tỷ phú không ném tiền vào. Điều này đã từng diễn ra với hàng loạt CLB như Leeds Utd, Portsmouth... Thê thảm hơn, có tới 15/20 CLB đã có chỉ số kinh doanh nằm ở mức báo động đỏ.

Nơi đất cằn... -0
PSG chiêu mộ Sergio Ramos theo dạng chuyển nhượng tự do. Ảnh trong bài | Getty 

Sụt giảm doanh thu từ bán vé, bản quyền truyền hình, các loại hình kinh doanh khác liên quan, đã khiến cấu trúc kinh tế của các CLB lâm vào cảnh bi đát. Điển hình chính là Barca, cách đây một năm họ đối diện nguy cơ phải tuyên bố phá sản. Và đến nay hệ quả ấy vẫn hiển hiện nếu không cắt giảm được tiền lương, trước mắt là không thể đăng ký Messi thi đấu. Rồi Real Madrid, kẻ luôn thích phá những kỷ lục chuyển nhượng cũng chẳng thể mua bất cứ ai suốt hai kỳ chuyển nhượng mùa hè.

Có thể số tiền ném vào thị trường chuyển nhượng đã giảm đi nhiều, nhưng vấn đề đã xuất hiện sau gần hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid, đó là mức lương quá khủng khiếp được duy trì nhiều năm qua giống như quả bom nổ chậm mà không ai có thể tháo gỡ, ngoại trừ việc bán bớt ngôi sao. Mặc dù vậy, nhưng chẳng ai có thể chấp nhận chịu thiệt về mình, cầu thủ hay CLB đều lắc đầu, và nếu ở đâu đó cầu thủ có đồng ý giảm lương thì cũng chỉ là cái gật đầu khe khẽ, tạm thời và được tính toán theo phương án thủ công: trả chậm không lương hoặc bù lại ở một khoản nào đó. Có rất ít nơi như Bundesliga khi các cầu thủ tự giác yêu cầu giảm lương hỗ trợ CLB, thậm chí họ cắt giảm lương để hỗ trợ các CLB nhỏ hơn, nghèo hơn. Điều đó dẫn đến thâm hụt của Bundesliga thấp hơn hẳn các giải đấu khác. Họ hiểu cắt giảm lương là cần thiết bởi đội bóng là của công, là tổ chức phi lợi nhuận, chứ không phải là những quân bài kinh doanh dát vàng như các CLB Tây Ban Nha hay Anh.

3 Một mùa giải mới đã bắt đầu và ngoài những sự hối hả chuẩn bị, những chờ đợi, hy vọng, những màu sắc đầy hứa hẹn trên khán đài, các CĐV trở lại... thì bài toán kinh tế vẫn là một quả bom có thể gây ra những cú nổ lớn bất kỳ lúc nào. Và bóng đá vẫn cứ hào nhoáng, đắt đỏ, nhưng cuối cùng có thể nó sẽ đổ tất cả lên đầu của các CĐV, những người trả tiền để được xem bóng đá. Và nếu các CĐV cũng không thể cứu nổi những thiệt hại lên đến hàng tỷ euro, bóng đá có thể sẽ phải tự tạo ra một mô hình, một cấu trúc mới. Rất có thể quá khứ sẽ quay lại, bóng đá sẽ không thể là những con số cắt cổ như trước được nữa?