Nơi bóng đá là niềm vui bất tận

Khi bóng đá đã trở thành ngành công nghiệp giải trí khổng lồ với lợi nhuận hàng tỷ euro mỗi năm, thì ở nhiều nơi, bóng đá vẫn chỉ là một môn thể thao thuần khiết đến kỳ lạ.

Sân vận động ở Greenland.
Sân vận động ở Greenland.

Dĩ nhiên, đó không phải là những mảnh đất có nền bóng đá tiếng tăm, nhưng bóng đá khẳng định vẫn có những nơi mà nó tồn tại như bản chất của nó cách đây hơn trăm năm.

1 Thế giới không thể sống thiếu bóng đá và vì thế mà những giải đấu lớn ngày một lớn hơn. Ngoại hạng Anh, Champions League, La Liga, Bundesliga, World Cup, EURO... đang có quy mô ngày càng lớn và mục tiêu cuối cùng của nó là vươn đến sự hoàn thiện về kinh tế, sự hào nhoáng và tầm vóc vượt quá cả định dạng của một môn thể thao. Mỗi trận đấu đỉnh cao có chi phí cả trăm triệu euro, với lực lượng lao động ở mỗi SVĐ lên đến cả nghìn người. Đi kèm với nó là hàng tá công nghệ, thiết bị, hàng trăm tập đoàn, tổ chức... Và những thứ ấy biến bóng đá thành môn thể thao đắt giá nhất thế giới.

Một CLB lớn như Arsenal, Man Utd, Barca, Real Madrid, Bayern Munich... cần những gì? Mỗi CLB có hàng chục nhà tài trợ, có sự liên kết với cả chục hãng thống kê, công nghệ. Từ công nghệ theo dõi, kiểm tra sức khỏe cầu thủ đến các thuật toán thống kê, điều tra, phân tích từ thông số kỹ thuật, y tế, tập luyện, thể chất... Một số CLB như Liverpool còn đi đầu áp dụng cả công nghệ tên lửa, theo dõi hành trình tên lửa để thực hiện các phân tích chuyên môn, nhằm loại bỏ mọi yếu tố đánh giá nhận định chủ quan. Chỉ tính riêng chi phí mua, vận hành và thực hiện các loại công nghệ, mỗi năm một CLB bỏ ra từ vài triệu đến cả mấy chục triệu euro. Bóng đá đã phát triển đến mức độ đỉnh cao như vậy để thấy nó không còn chỉ là môn thể thao giải trí nữa. Đó là cuộc "chạy đua vũ trang" về công nghệ, tiền bạc, tài chính, danh hiệu và cả sự hào nhoáng.

Nhưng vẫn có những nơi người ta đến với bóng đá với những ánh nhìn thuần khiết nhất. Ở đó bóng đá vừa là trò chơi cạnh tranh, nhưng cũng là nơi bóng đá được sống với bản ngã của chính nó.

2 Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới nằm ở giữa Bắc Cực và Đại Tây Dương với dân số gần 60 nghìn người. Ở đây, bóng đá cũng tồn tại từ rất lâu rồi và nó được duy trì suốt nửa thế kỷ qua. Từ năm 1971, giải vô địch quốc gia Greenland đã được hình thành. Họ đá bóng trong những sân vận động trên các núi lửa cổ đại, mặt sân đất, gần như không có cỏ và cũng không có khán đài. Giải đấu ở đây có thể coi là giải đấu lãng mạn nhất thế giới, bởi cổ động viên xem bóng đá có thể ngồi xem đá bóng trên các triền núi, xa xa là biển, những tảng băng trôi. Số lượng cầu thủ đăng ký ở Greenland có lẽ cao nhất thế giới, chiếm 12% dân số, tức là có khoảng hơn sáu nghìn cầu thủ. Mặc dù vậy, giải bóng đá ở đây chỉ kéo dài có... một tuần bởi nơi này suốt chín tháng trong năm, không ai dám chơi bóng vì mọi nơi đóng băng kín mít. Và khi các trận đấu diễn ra, người ta khuyến cáo cầu thủ tránh tuyệt đối xoạc bóng, va chạm mạnh vì nếu ngã sẽ... rất đau, vì sân toàn đất đá. Mãi sau này Greenland mới có một sân cỏ nhân tạo và sân này chỉ dành cho các trận chung kết.

Ở một nơi khá xa Greenland, đảo Scilly, nơi chỉ có hơn hai nghìn cư dân ở hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ. Mặc dù hẻo lánh vậy, bóng đá ở đây đã xuất hiện tròn 100 năm. Những năm đầu có hẳn một giải đấu quy tụ đại diện của nhiều đảo tham dự, nhưng đến những năm 1950 chỉ còn lại hai CLB tồn tại. Thế nhưng, bóng đá không mất đi. Thực chất hai CLB này lại thuộc... cùng một CLB. Họ được phân chia đội theo cách rất truyền thống là mỗi đội chọn cầu thủ luân phiên để tạo ra hai đội bóng có sức mạnh tương đương. Và đặc biệt hơn, ở đây dù có hai CLB nhưng họ tham dự tới... bốn giải đấu trong một mùa bóng, với 18 trận đấu diễn ra hằng tuần.

Nơi bóng đá là niềm vui bất tận -0
  Chiếc cúp nhỏ nhất thế giới Lyonesse Cup.

Với quy mô giải đấu còn nhiều gấp đôi số CLB, bóng đá ở đây có khi còn hoành tráng hơn nhiều nơi. Bởi nó được hãng thể thao khổng lồ Adidas tài trợ, được tiếp đón rất nhiều huyền thoại đến thăm trong đó có Patrick Vieira, David Beckham, Steven Gerrard... Hai CLB ở đây ban đầu có tên Rangers và Rovers, sau này đổi tên là Garrison Gunners và Woolpark Wanderers. Các hệ thống giải đấu ở đây còn được quản lý bởi Liên đoàn bóng đá Anh và được sách kỷ lục Guinness công nhận là giải đấu nhỏ nhất thế giới. Vấn đề của hai CLB tại Scilly là các cầu thủ... quá già, với độ tuổi trung bình gần 40. Lý do bởi các thanh niên khi 16 tuổi phải chuyển về đất liền học tập nên bóng đá gần như chỉ dành cho những "cầu thủ" già.

Ở đây còn có một kỷ lục khác là chiếc cúp Lyonesse Cup. Nó là chiếc cúp đơn giản nhất và nhỏ nhất thế giới với chiều cao chỉ có... 6 mm. Và chiếc cúp này cũng như hai CLB ở Scilly được ghi tên và trưng bày tại bảo tàng FIFA. Không chỉ có vậy, bóng đá ở Scilly còn có một điểm đặc biệt, đi đầu với một công nghệ mà rất có thể sau này các cường quốc bóng đá phát triển sẽ áp dụng. Cách đây hơn hai năm, tập đoàn viễn thông Vodafone đã tài trợ toàn bộ hệ thống 5G, hợp tác để thử nghiệm một hệ thống gọi là FAR. Nó tương tự như VAR mà bóng đá thế giới đang rất quen thuộc. FAR có nghĩa là Fan Assistant Referecting. Tức là trợ lý trọng tài là các CĐV. Nhờ hệ thống 5G, hình ảnh trận đấu sẽ được kết nối đến thiết bị di động thông minh của các CĐV. Khi có tình huống tranh cãi, trọng tài sẽ hỏi ý kiến của các... CĐV đang xem trực tuyến. Trọng tài sẽ dựa vào đánh giá của các CĐV để đưa ra quyết định.

3 Còn nhiều nơi bóng đá thật sự khác biệt với thế giới, như bóng đá ở Vatican, nơi mà HLV lừng lẫy Trapattoni từng là HLV của đội tuyển quốc gia Vatican. Rồi ở Mantserat, Bhutan... Bóng đá ở nhiều nơi vẫn là thứ thể thao nguyên sơ, đơn thuần là một môn thể thao nhưng vẫn được tôn sùng bởi người dân. Có thể bóng đá phát triển đến cỡ nào đi chăng nữa, hào nhoáng đến đâu, đắt đỏ và tiên tiến mức nào, thì vẫn sẽ tồn tại thứ bóng đá thuần khiết, với những điều thú vị.

LÊ THÀNH TRUNG