Lộ trình cho bắn cung Việt Nam

Tại Olympic Tokyo 2020, bắn cung Việt Nam tuy không làm nên được bất ngờ, nhưng đã để lại dấu ấn trong lần đầu ra mắt tại Thế vận hội. Với những tiến bộ trông thấy, có lẽ đây chính là thời điểm để môn thể thao này có những kế hoạch phát triển dài hơi.

Ánh Nguyệt thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: REUTERS
Ánh Nguyệt thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: REUTERS

Những năm gần đây, môn bắn cung đang ngày càng được đầu tư mạnh mẽ và có chiều sâu hơn. Điểm nhấn đáng nhớ trong hành trình phát triển của bộ môn kén người chơi này chính là việc giành hai vé tham dự trong lần đầu góp mặt tại Olympic. Tuy không tạo bất ngờ, nhưng hai cung thủ trẻ tuổi Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã có màn trình diễn tự tin trước những đối thủ hàng đầu thế giới.

Ở vòng loại nội dung đôi nam - nữ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ không lọt vào vòng 1/8. Còn ở nội dung đơn, Phi Vũ thất bại trước đối thủ vừa giành HCB đồng đội Tang Chih-chun của Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, Ánh Nguyệt gây ấn tượng khi chiếm lợi thế trước đối thủ chủ nhà Nhật Bản Ren Hayakawa dày dặn kinh nghiệm và chỉ chịu thua ở loạt bắn phụ với tỷ số sát sao 5-6 ở vòng 1/32, xếp hạng 49 chung cuộc.

Trở về sau Olympic Tokyo, bắn cung được giới chuyên môn đánh giá là một trong số ít môn tiềm năng có thể giúp thể thao Việt Nam giành được huy chương Olympic trong tương lai. Được cọ xát cùng những cung thủ xuất sắc thế giới chính là cơ hội để Phi Vũ và Ánh Nguyệt tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân.

Hiện tại, mục tiêu tiếp theo của bắn cung là bảo vệ “ngôi vương” khu vực Đông Nam Á ở kỳ SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2022. Tại SEA Games 30-2019 các cung thủ đã xuất sắc đứng nhất vị trí toàn đoàn khi giành 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Trước đó, bắn cung Việt Nam cũng tạo nên hàng loạt thành tích ấn tượng, với tấm HCB Giải vô địch châu Á 2019 của Nguyễn Văn Đầy. Và sự tiến bộ ở sân chơi SEA Games, sau tấm HCV năm 2007 tại Thái Lan, đến năm 2017 tại SEA Games 29 ở Malaysia, bắn cung Việt Nam giành 1 HCV sau 10 năm chờ đợi.

Theo ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao), đội tuyển bắn cung sẽ được tạo mọi cơ hội để tập luyện, trong đó có kế hoạch tập huấn, thi đấu tại nước ngoài khi điều kiện cho phép. “Về lâu dài, Tổng cục sẽ nghiên cứu lộ trình, giải pháp phát triển môn bắn cung và xây dựng lực lượng VĐV hùng hậu. Phối hợp với các địa phương đầu tư đối với tuyến VĐV trẻ, tạo lớp VĐV kế cận”, ông cho biết.

Để có được những thành công bước đầu như ngày hôm nay, Tổng cục Thể dục Thể thao đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu các lộ trình, giải pháp phát triển môn bắn cung và xây dựng lực lượng VĐV hùng hậu trong tương lai. Trong đó, chú trọng khích lệ các địa phương tăng cường đầu tư đối với tuyến VĐV trẻ. Những năm gần đây, các cung thủ Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị tập luyện, thi đấu với những cây cung lên tới cả trăm triệu đồng. Đội tuyển cũng được huấn luyện với chuyên gia Hàn Quốc Kim Sung Min và cũng được tạo điều kiện tập huấn quốc tế, tại những quốc gia hàng đầu thế giới về bắn cung như Hàn Quốc. Lực lượng của đội tuyển hiện tại không chỉ có lứa VĐV kỳ cựu mà còn có nhiều tay cung trẻ đầy nhiệt huyết, đã chứng tỏ được bản thân và có thể gánh vác các nhiệm vụ quốc tế.

Lối đến Olympic đã được mở, song để duy trì và phát triển lại là việc không dễ, cần nhiều thời gian và sự đầu tư hơn nữa. Ngoài ra, các VĐV cũng cần sự kiên nhẫn tập luyện, tự tin hơn để tính đường dài cho mình, không chỉ giới hạn mình ở sân chơi SEA Games. Những hiệu ứng từ thành tích quốc tế gần đây cần được tận dụng và duy trì để thường xuyên có VĐV tham dự Olympic, sau đó mới có thể tính đến việc tranh chấp huy chương. Việc tham dự Olympic là “quả ngọt” mà chúng ta đã hái được, cũng là động lực tinh thần rất lớn đối với các cung thủ trẻ Việt Nam đang nuôi trong mình những giấc mơ lớn.