Không có đường tắt đến World Cup

Đội tuyển Việt Nam đã kết thúc hành trình lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 với 4 điểm có được. Song, dễ dàng nhận thấy đẳng cấp của Việt Nam còn cách nhóm đầu châu lục một khoảng cách lớn. Sau vòng loại, trong tương lai, bóng đá Việt Nam liệu có duy trì được thành tích và thu hẹp dần khoảng cách để mở ra con đường đến World Cup, vươn tầm ra khỏi khu vực?

Tuyển Việt Nam kiên cường trước những đối thủ hàng đầu châu lục. Ảnh: Trần Hải
Tuyển Việt Nam kiên cường trước những đối thủ hàng đầu châu lục. Ảnh: Trần Hải

Khép lại hành trình đẹp

Tại vòng loại thứ 3, tuyển Việt Nam ở bảng B cùng với các đội: Saudi Arabia, Nhật Bản, Australia, Oman, Trung Quốc. Đây đều là các đội bóng có thứ hạng FIFA cao hơn đội tuyển Việt Nam, trong đó, Saudi Arabia, Nhật Bản, Australia xếp cao hơn hàng chục bậc. Qua 10 trận đấu, mặc dù chỉ giành được 4 điểm với 1 trận thắng Trung Quốc, 1 trận hòa Nhật Bản, song đây là thành tích tốt nhất của một đội bóng Đông Nam Á khi sở hữu 1 trận thắng ở vòng loại cuối cùng này.

Vòng loại thứ 3 kéo dài 6 tháng với những đợt tập trung ngắt quãng. Vì thế, việc đội tuyển Việt Nam không thể duy trì một bộ khung ưng ý và ổn định như HLV người Hàn Quốc mong đợi cũng không phải là điều bất ngờ. Nhưng cũng từ chính sự thiếu hụt lực lượng như vậy nên Việt Nam vô tình lại tìm ra những phương án mới đầy tính bất ngờ. Thành Chung, Tấn Tài, Thanh Bình, Tuấn Hải hay thậm chí là thủ môn Nguyên Mạnh vốn dĩ không phải là ưu tiên của thầy Park. Thế nhưng, trong bối cảnh các trụ cột xuống phong độ hoặc gặp vấn đề về chấn thương, Covid-19... họ đã tận dụng rất tốt cơ hội để bước ra ánh sáng.

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã xác định mục tiêu cọ xát, học hỏi các đội bóng lớn để trưởng thành hơn trong tương lai. Tuy nhiên, trong thâm tâm ông Park và các tuyển thủ Việt Nam đều khao khát làm nên chuyện lớn với những cơn địa chấn như một vài lần đã gây tiếng vang. Với màn trình diễn xuyên suốt giải đấu này, đội tuyển Việt Nam xứng đáng nhận được những lời khen ngợi khi luôn giữ vững tinh thần quyết tâm, nỗ lực và không bỏ cuộc qua từng trận đấu dù phải đối mặt với những đội bóng hàng đầu châu lục.

Tiến bộ nhưng chưa đủ

Trước khi bước vào vòng loại thứ 3, HLV Park Hang-seo từng chia sẻ ông sợ sẽ thua cả 10 trận đấu. Đó không phải cách nói để giảm áp lực cho mình, cho học trò, mà nó thể hiện “mặc cảm” thực tế. Và nỗi lo đó dần trở thành sự thật khi Việt Nam trắng tay toàn bộ lượt đi, khiến ông thở dài: “Suốt cuộc đời làm bóng đá, tôi mới hiểu kiếm 1 điểm khó thật”.

Nhưng, càng thi đấu, đội tuyển Việt Nam càng cho thấy sự tiến bộ và bản lĩnh thi đấu được cải thiện rất nhiều. Thua trận trong những cuộc đối đầu với đối thủ lớn để có thể biết được trình độ, đẳng cấp của mình đứng ở đâu, rút ra bài học gì, còn hơn thắng các đội bóng nhỏ để rồi say sưa, rồi ngộ nhận về chính mình mà không thể tiến xa hơn.

Chúng ta lâu nay chỉ quen đá với các đội Đông Nam Á và thực tế trình độ của ta cũng mới vừa đủ để đứng đầu nhóm khu vực. Vươn lên để được góp mặt ở sân chơi hàng đầu châu lục đã là thành tựu đáng tự hào, nhưng rất tiếc, đó cũng là điểm ngưỡng. 4 năm làm việc tại Việt Nam, ông Park có thể giúp chúng ta hạn chế bàn thua, hạn chế thế trận một chiều khi gặp những đối thủ tầm cỡ Saudi Arabia, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng không thể xóa nhòa khoảng cách về đẳng cấp.

HLV Park Hang-seo rất thẳng thắn khi cho rằng tuyển Việt Nam không thể hài lòng với kết quả hiện tại. Kỳ World Cup tiếp theo sẽ diễn ra trong 4 năm tới, nhưng vòng loại sẽ sớm bắt đầu trong 1-2 năm tới. Đặc biệt, World Cup 2026 được dự tính tăng từ 32 lên 48 đội, mang đến cơ hội tuyệt vời để Việt Nam có hy vọng tham gia vào bữa tiệc. Nhiệm vụ của bóng đá Việt Nam sau lần đầu tiên vào đến vòng loại cuối cùng cúp thế giới 2022 là phải cố gắng xây dựng các phương án, đặt ra những mục tiêu tiếp theo, làm thế nào để có những kết quả tốt hơn.

Không có đường tắt đến World Cup -0
Đào tạo bóng đá trẻ cần sớm được nâng tầm. Ảnh: Anh Thông 

Không có con đường tắt

Không chỉ Việt Nam, rất nhiều quốc gia cũng đặt mục tiêu xuất hiện ở World Cup 2026. Từ Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan ở châu Á đến cả Guyana, quốc gia nhỏ bé với hơn 700 nghìn dân cũng bắt đầu mơ mộng. Vậy cơ hội nào cho Việt Nam?

Trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã tạo nên một số cú sốc khi đối đầu với nhóm 7 đội châu Á dự World Cup. Năm 2003, Văn Quyến ghi bàn giúp tuyển Việt Nam thắng Hàn Quốc. Năm 2016, tuyển Việt Nam của HLV Hữu Thắng đánh bại CHDCND Triều Tiên 5-2 tại sân Thống Nhất. Và tại vòng loại World Cup 2022 vừa qua, đoàn quân của ông Park Hang-seo thắng tuyển Trung Quốc 3-1 và hòa Nhật Bản 1-1 trên sân khách.

Nhưng chừng đó là không đủ làm cơ sở để tuyển Việt Nam nghĩ về chuyện có thể cạnh tranh vé dự World Cup sớm. Chúng ta vẫn có quá ít trận đấu thường xuyên với các đội bóng hàng đầu châu lục nói riêng và các đội mạnh trên thế giới nói chung. Thực tế, tuyển Việt Nam chưa đủ đẳng cấp để có thể chơi sòng phẳng với các đội tuyển mạnh hơn trong suốt thời gian dài. Quang Hải cùng đồng đội giành điểm trước Nhật Bản nhưng chưa thể nói đẳng cấp đã tiệm cận họ.

Bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu dự World Cup 2026, nhưng còn nhiều nỗi lo với nền tảng và nội lực còn yếu. HLV Park Hang-seo từng chia sẻ bóng đá Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu trung và dài hạn một cách thật cụ thể rồi nỗ lực đồng bộ nhằm tạo ra những kết quả tốt. Ông dẫn chứng nếu muốn vào sâu ở sân chơi World Cup trong hơn 10 năm nữa thì ngay từ bây giờ phải chọn lựa và chăm sóc kỹ lưỡng cho lứa cầu thủ U10, U12 với một hệ thống đào tạo trẻ có chiều sâu lẫn bề rộng trên khắp cả nước.

Bóng đá cần có sự kế thừa và phát triển và ở đó, vai trò của đào tạo trẻ là rất quan trọng, nhưng cũng là cuộc chơi tốn kém, dài hơi. Một vài năm gần đây, vì những lý do khác nhau, nguồn tiền cho công tác đào tạo trẻ không còn nhiều. Hoàng Anh Gia Lai giờ không còn hợp tác với hệ thống chất lượng JMG-Arsenal, PVF được chuyển giao cho đơn vị mới thay vì Tập đoàn VinGroup. Công tác đào tạo trẻ của Hà Nội, Sông Lam Nghệ An cũng chưa có nhiều đột phá. Trong khi đó, các học viện đào tạo non trẻ như Juventus ở Việt Nam cần thêm thời gian để trình làng những lứa cầu thủ nổi bật. Điều đó dẫn tới bóng đá Việt Nam thiếu dần đi những cầu thủ chất lượng cho tương lai.

Ngoài ra, hệ thống thi đấu các giải trẻ cần xuyên suốt, đều đặn thay vì cả năm chỉ đá trên dưới chục trận từ vòng loại đến vòng chung kết như hiện tại. Rồi việc đào tạo ra cầu thủ, bao nhiêu câu lạc bộ đủ can đảm để đôn họ lên đá V.League, để họ trau dồi và trưởng thành?

Bên cạnh sự phát triển tài năng trẻ, cơ sở vật chất dành cho tập luyện và đặc biệt là chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Có thể thấy các cầu thủ Nhật Bản dù không có thể hình vượt trội Việt Nam nhưng sức mạnh và sức bền hơn hẳn, dù mất nhiều năng lượng với khoảng thời gian di chuyển dài. HLV Park Hang-seo cho rằng lối đi World Cup không có đường tắt mà tất cả phải trải qua một quá trình dài với cách làm khoa học, cần sự chung tay của mọi giới để giúp bóng đá Việt Nam phát triển bài bản hơn. Ông đã khai thác gần hết tài nguyên của bóng đá Việt, rồi nhận ra nguồn tài nguyên ấy không dồi dào như ông tưởng.

Chuyện xây dựng lộ trình để tuyển Việt Nam vươn ra khỏi khu vực, rồi tiến tới tiệm cận trình độ những đội bóng hàng đầu châu lục, cũng như giành vé dự World Cup... không phải không có, nhưng chỉ là manh mún với từng cá thể riêng lẻ thay vì là mục tiêu chung của cả nền bóng đá. Khi mà tuyển nữ Việt Nam đã thành công với một cuộc vượt vũ môn ngoạn mục cùng tấm vé đến World Cup nữ 2023, thì ngay bây các nhà quản lý cần sớm bắt tay vào thực hiện mục tiêu dự World Cup 2026 cho đội nam, hoặc ít nhất tạo ra lộ trình cụ thể cho tương lai, để con đường đến với giải đấu lớn nhất hành tinh không còn xa vời.