Kết thúc EURO 2020

Khi bóng đá không đơn giản là đá bóng...

EURO 2020 đã kết thúc. Ngày hội bóng đá vào mùa hè kéo dài từ năm ngoái đã khép lại một cách trọn vẹn nhất có thể. Ở đó, có những bài học, những điều suy ngẫm mà nó không chỉ dành cho những trận đấu trên sân cỏ.

Thụy Sĩ được ngưỡng mộ với sức mạnh tập thể phi thường.
Thụy Sĩ được ngưỡng mộ với sức mạnh tập thể phi thường.

1 Bóng đá có thể diễn ra quanh năm, nhưng EURO hay World Cup lại là câu chuyện khác hẳn những gì chúng ta thường biết đến. Dường như có một thế giới khác ẩn sau những đội tuyển tham dự giải. Thành công của một trận đấu không chỉ có nỗ lực, may mắn... mà nó còn có cả những câu chuyện ở phía sau. Cả thế giới đã chấn động khi Eriksen gục ngã xuống sân ngay đầu giải. Có thể đó là một bi kịch, nhưng cuối cùng người Đan Mạch đã biến nó thành sức mạnh.

Eriksen qua khỏi thần kỳ, chẳng biết anh có thể trở lại sân cỏ không, nhưng sức chiến đấu của anh, năng lượng và tinh thần của Eriksen là nền tảng cho hành trình kỳ diệu của Đan Mạch. Đến mức, người ta nói rằng, chức Vô địch EURO 1992 của Đan Mạch là chuyện cổ tích Andersen, thì cuộc chinh phục của họ tại EURO năm nay là câu chuyện cổ tích Eriksen. Có một câu chuyện ít người biết về sự kiện này. HLV đội tuyển Đan Mạch là ông Kasper Hjulmand, trợ lý cho ông là Morten Wieghorst. Đúng 12 năm trước, vai trò của họ ngược lại, Wieghorst làm HLV trưởng CLB Nordsjaeland còn Hjulmand là trợ lý.

Tại một trận đấu, chính hai con người này đã tận mắt chứng kiến một sự kiện hy hữu. Một tiếng sét đánh trúng sân, tiền vệ Jonathan Richter gục ngã, hôn mê 11 ngày và may mắn thoát chết. Tuy nhiên anh đã không còn chân trái nữa. 12 năm sau, dù trong vai trò đổi ngược nhưng Hjulmand và Wieghorst lần thứ hai trong đời chứng kiến một sự kiện đầy ám ảnh.

Họ không chỉ vượt qua sự sợ hãi, mà còn biến nó thành sức mạnh. Hjulmand kể lại câu chuyện cách đây 12 năm. Ông treo chiếc áo của Eriksen ở nơi tập trung đội, nói chuyện với những người còn lại về sự sống và cái chết, may mắn và sự nỗ lực. Bất kỳ bi kịch nào cũng có thể xảy đến và bất kỳ điều kỳ diệu nào cũng có thể xảy ra. Ông đã trải qua hai lần, tại sao Đan Mạch không thể lần thứ hai viết nên câu chuyện cổ tích? Hơn ai hết, họ mong muốn được thấy Eriksen chiến đấu, giành lại sự sống và họ hiểu điều đó có ý nghĩa như thế nào? Cứ thế, từng thành viên đội tuyển Đan Mạch chiến đấu như cách Eriksen sống lại thần kỳ. Và hành trình của họ thật sự là câu chuyện cổ tích, “câu chuyện Eriksen” được viết tiếp với hồi ức của Jonathan Richter.

Khi bóng đá không đơn giản là đá bóng... -0
 Tinh thần của Eriksen là nền tảng cho hành trình kỳ diệu của Đan Mạch. Ảnh trong bài | Getty

2 Thụy Sĩ có thể không đi tới tận cùng cuộc chơi, nhưng họ được coi là một trong những đội bóng xứng đáng được ngưỡng mộ nhất. Không có ngôi sao cỡ bự, không được đánh giá cao, cũng chẳng có bất cứ niềm tin nào dành cho họ, nhưng Thụy Sĩ lại khẳng định, một tập thể thật sự có thể làm được nhiều điều không tưởng.

Họ loại đương kim vô địch thế giới Pháp, suýt tiễn nốt “đại gia” Tây Ban Nha ở tứ kết với sức mạnh tinh thần, thể chất không tưởng. Trước khi bắt đầu giải đấu, Thụy Sĩ tập trung, các cầu thủ đến sân tập bằng siêu xe. Đó là chuyện rất bình thường, nhưng nó lại mang đến sự khó chịu với các CĐV nhà. Những bức hình các ngôi sao bóng nhoáng, nhung lụa thay vì mồ hôi đổ trên sân tập được họ chia sẻ, tạo ra những phản ứng chẳng mấy hay ho gì. Thậm chí, báo chí Thụy Sĩ đã nói rằng, khi những hình ảnh sang trọng được bày biện như thể một trò khoe khoang, liệu sẽ chờ đợi gì ở họ? Nhưng khi vào giải, 26 cầu thủ Thụy Sĩ tạo ra một sức mạnh tập thể khủng khiếp. Granit Xhaka kết nối tất cả bằng khả năng thuyết phục. Anh chính là người tạo ra động lực cho cả đội, kể cả khi bị treo giò không thể thi đấu, với câu chuyện trong buổi tập. Xhaka đã nói với đồng đội bằng lời nói đanh thép, đầy sức mạnh và máu lửa rằng: trong một tháng thôi, chúng ta hãy là một và chiến đấu để tạo ra lịch sử. Câu nói ấy tiếp tục đến trong mỗi trận đấu, chứ không phải từ HLV. Và Thụy Sĩ dù dừng bước ở tứ kết nhưng vẫn được ngưỡng mộ với sức mạnh tập thể phi thường. Nó trái ngược hoàn toàn với những gì đội tuyển Pháp thể hiện.

Quá nhiều ngôi sao, nhưng mỗi người là một tính cách, là một cái tôi quá cao. Ngay trước giải, hàng loạt những mâu thuẫn nội bộ diễn ra, tạo ra không khí căng thẳng tột độ. Chẳng có bất kỳ ai là thủ lĩnh tinh thần, chẳng có người nào gắn kết, che đi những vết nứt ngày càng lớn. Các buổi tập chẳng ai nói với ai câu nào, từng nhóm cầu thủ lẳng lặng đến rồi về. Thậm chí, ở trận thua Thụy Sĩ, một câu chuyện khó tin đã xảy ra trên khán đài. Hàng loạt tờ báo tại Pháp đã chua chát nói rằng, đội tuyển Pháp đã làm xấu đi hình ảnh của nhà đương kim vô địch thế giới và chính cá nhân họ. Các gia đình cầu thủ đến dự khán trên khán đài cãi vã, đổ lỗi cho nhau. Mẹ Rabiot mắng mẹ Pogba không dạy bảo con, khệnh khạng và vô trách nhiệm khiến Pháp thua. Rồi những gia đình khác cũng lao vào những cuộc đổ lỗi, rồi xô xát trên khán đài. Và cuối cùng, Pháp ra về chẳng hề giống một đội bóng. Câu chuyện của Thụy Sĩ và Pháp khẳng định, bóng đá cuối cùng vẫn là môn chơi tập thể, chứ không phải của một vài ngôi sao. Ngôi sao có thể giải quyết một tình huống nhưng tập thể mới là hành trang cho một chặng đường.

3 Tuy nhiên, để thành công không đơn giản chỉ cần có những lý thuyết kiểu sách vở đó. Sự chuẩn bị được coi là yếu tố quan trọng. Và người Anh vẫn là những người đi đầu để tạo nên những giá trị mới. Được đá hầu hết các trận trên sân nhà Wembley, người Anh đã chuẩn bị cho đội tuyển kỹ đến từng chi tiết. Ngoài những công nghệ hỗ trợ thông thường, họ còn tạo ra mặt sân tập đúng y hệt mọi chỉ số của sân Wembley để đội tuyển Anh có cảm giác thi đấu tốt nhất. Kích thước mặt sân, chiều cao cỏ, độ mềm của mặt sân, loại cỏ... tất cả được copy 1/1 tại sân tập của  tuyển Anh. Thậm chí, họ cắt cử nhóm năm người chăm sóc bảo đảm độ chuẩn xác được duy trì đến cuối giải. Mọi thông số về sân Wembley được cung cấp, kết nối với sân tập của Tam Sư hằng ngày để bảo đảm mọi sự thay đổi dù nhỏ nhất ở Wembley và sân tập đều được kiểm soát. Và điều này góp yếu tố quyết định giúp họ đánh bại Đức lần đầu tiên sau 55 năm tại sân Wembley ở một giải đấu lớn.

Vậy đó, bóng đá hiện đại không chỉ là bóng đá. Nó còn là những câu chuyện ở phía sau hậu trường, và đôi khi đó là những câu chuyện mang tính quyết định đến một hành trình.