Câu chuyện sân cỏ

Có một EURO... trái mùa

Dịch Covid-19 khiến EURO 2020 phải lùi lại một năm. Nhưng điều đó lại khiến nó trở nên hấp dẫn hơn, được mong đợi hơn và chẳng khác gì một trái cây trái mùa. Và cũng vì EURO đặc biệt, nên bản thân giải đấu cũng có những điều thú vị rất riêng.

Có một EURO... trái mùa

Đúng vào giải đấu kỷ niệm 60 năm, EURO bị hoãn. Nên dù có diễn ra vào năm 2021, nhưng tên chính thức của kỳ EURO này vẫn được giữ nguyên. Một lý do nữa khiến UEFA không đổi tên là vì... tài chính. Họ không muốn thay đổi bất kỳ yếu tố gì trong logo để đỡ chi phí làm lại toàn bộ bộ nhận diện, các thương hiệu truyền thông đã có sẵn. Nếu thay đổi chỉ một con số, từ 2020 sang 2021 thôi thì chi phí sản xuất lại toàn bộ hình ảnh sẽ tốn ít nhất ba triệu euro. Đây là một con số lớn trong giai đoạn tiền khó như “gió vào nhà trống” như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Suốt một năm đình trệ, bóng đá ảnh hưởng nặng nề, và EURO 2020 cũng vậy. Mọi thứ sẽ khó khăn hơn khi số lượng khán giả vào sân sẽ bị hạn chế rất nhiều. Mang ý nghĩa kỷ niệm 60 năm EURO ra đời, giải đấu được tổ chức ở khắp châu Âu với 12 địa điểm đăng cai nhưng cuối cùng chỉ có 11 thành phố (Dublin - thủ đô của Ireland bị hủy) và với tình hình dịch Covid-19 hiện tại, các địa điểm phải bảo đảm cho CĐV vào sân ít nhất 30% sức chứa của sân vận động. Và mỗi CĐV được vào sân sẽ còn gặp khó khăn hơn gấp bội  việc tham dự một trận đấu ở các kỳ EURO trước. Mua vé đã khó, vào sân giờ còn khó hơn. Có vé chưa chắc được vào là chuyện bình thường, bởi họ phải tuân thủ ba bộ luật phòng chống Covid-19 của quốc gia sở tại,  luật ở địa phương nơi có SVĐ tổ chức và luật của Liên đoàn Bóng đá châu Âu - UEFA. Riêng bộ hướng dẫn ứng xử dành cho CĐV đã được rút gọn để CĐV dễ dàng mang theo gồm... 25 điều. Và phức tạp hơn là 11 thành phố có 11 kiểu phòng, chống dịch bệnh khác nhau, nơi chỉ cần giấy xét nghiệm âm tính trong hai ngày, nơi phải xét nghiệm tại chỗ, nơi thì chỉ cho những người đã được tiêm phòng vaccine đến... Nói chung để vào sân xem EURO 2020 lúc này, mỗi CĐV cần rất kiên nhẫn bởi phải làm rất nhiều thủ tục khá mệt mỏi.

Một năm trước, việc hủy bỏ EURO 2020 từng được tính đến, nhưng ngoài lý do kỷ niệm 60 năm EURO ra đời còn có nhiều lý do về tổ chức, tài trợ kinh tế... Mặc dù giải đấu lớn nhất châu Âu vẫn được tổ chức sau một năm, nhưng việc lùi lại giải đấu cũng khiến UEFA thiệt hại rất nhiều. Theo như hãng thống kê Statista tính toán thì việc hủy bỏ EURO 2020 sẽ thiệt hại 400 triệu euro, còn lùi lại một năm cũng thiệt hại 300 triệu euro. Đó chỉ là vấn đề tài chính bề nổi, còn thực tế, nếu bỏ hẳn giải đấu này, UEFA có thể mất tới hai tỷ euro vì đền bù hợp đồng truyền thông, tài trợ, truyền hình... Vì thế, có lẽ mất có 300 triệu euro vẫn còn may .

Và cũng theo Statista, ngành du lịch và các hoạt động thương mại ăn theo EURO mới thật sự bị ảnh hưởng nặng nề. Do bị hạn chế rất nhiều nên các dịch vụ từng rất quen thuộc ở các kỳ EURO, World Cup sẽ không tồn tại hoặc sẽ phải sống lay lắt, như đồ lưu niệm, hàng quán ăn uống, khách sạn, dịch vụ du lịch bóng đá... Thiệt hại này được ước tính lên đến 1,2 tỷ euro.

Với tình hình như vậy, EURO cần điều gì để thu hút hơn? Dĩ nhiên vẫn phải là bóng đá. Chất lượng chuyên môn phải được đề cao, do đó, UEFA cho phép các đội tuyển đăng ký 26 cầu thủ thay vì 23. Bên cạnh đó, các đội bóng buộc phải tập trung bảo vệ thể lực, sức khỏe của mình, tập trung tuyệt đối vào trận đấu bởi vì những ràng buộc cực kỳ khắt khe khi tham dự EURO 2020. Các đội tuyển tham dự sẽ buộc phải ra sân nếu có đủ 13 cầu thủ trong đó có một thủ môn. Nếu không đủ con số này, trận đấu sẽ được hoãn lại trong 48 tiếng. Nếu như đội không đủ 13 người, sẽ được bổ sung cho đủ quân số và phải loại những người bị nhiễm Covid-19. Và nếu như đội tuyển nào không thể đáp ứng được yêu cầu ra sân trong 48 tiếng sẽ bị xử thua 0-3 đồng thời sẽ phải nhận án kỷ luật cực nặng từ UEFA. Điều này dễ hiểu, bởi mỗi trận đấu ở EURO có giá trị hàng chục triệu euro, từ phí bản quyền truyền hình, các chương trình đồng hành, các nhãn hiệu tài trợ... Một trận đấu không thể diễn ra, thiệt hại sẽ cực lớn và ảnh hưởng đến cả giải đấu.

Cũng chính vì yếu tố an toàn giải đấu nên tất cả các cầu thủ, quan chức, HLV đội tuyển tham dự đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cách ly. Ngay cả lãnh đạo UEFA cũng bị hạn chế đến các SVĐ, các trọng tài, những người có liên quan đến khâu tổ chức đều bị cách ly trước giải đấu. Họ chỉ được đăng ký tham gia các hoạt động EURO trước ngày khai mạc hoặc trước các trận đấu làm nhiệm vụ diễn ra trong hai ngày, khi có xác nhận kết quả âm tính, kể cả những người đó đã được tiêm phòng. Các trọng tài UEFA mới khổ. Họ sẽ hoàn toàn bị cách ly ở khách sạn, đặc biệt trước khi điều khiển các trận đấu và chỉ được phép tập thể lực ở ngay trong sân của khách sạn. Mọi hoạt động của họ sẽ được đội ngũ an ninh, ban tổ chức của UEFA giám sát chặt chẽ, được báo cáo sức khỏe, kiểm tra dịch tễ liên tục trong vòng 24 giờ.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, EURO kỷ niệm 60 năm ra đời cũng mang những mảng màu khác biệt. Và bất chấp khó khăn tài chính, chi phí cho EURO 2020 cũng ở mức kỷ lục, từ việc an ninh, an toàn y tế, đến bảo mật thông tin, truyền hình, bản quyền... Và tiền thưởng cũng ở mức kỷ lục với hơn 371 triệu euro. Chính vì diễn ra ở thời điểm đặc biệt, lại vào năm lẻ, EURO 2020 giống như quả trái mùa. Khác lạ, độc đáo và hứa hẹn sẽ rất... ngon, bởi sự chờ đợi suốt một năm qua. Và giải đấu lớn đầu tiên diễn ra kể từ khi thế giới bùng dịch, sẽ thật sự là điều đáng để chờ đợi, để thỏa mãn và để đắm chìm trong không khí lễ hội mà đã quá lâu rồi thế giới không được tận hưởng.

Có một EURO... trái mùa -0
EURO luôn là giải đấu hấp dẫn dù có ở hoàn cảnh nào. 
Có một EURO... trái mùa -1 
Có một EURO... trái mùa -2
Ảnh trong bài | GETTY