Cơ hội cho thể thao điện tử

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, thể thao điện tử (eSports) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi được công nhận và đón nhận rộng rãi hơn ở Việt Nam. Đặc biệt, tại SEA Games 31, eSports được đưa vào nội dung chính thức thi đấu với 10 nội dung thuộc tám phân môn. Đã đến lúc cần phải nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về tiềm năng của môn thể thao được sinh ra từ công nghệ này.

Đội tuyển eSports Việt Nam thi đấu tại SEA Games 30. Ảnh | GAME4V
Đội tuyển eSports Việt Nam thi đấu tại SEA Games 30. Ảnh | GAME4V

Tuy nhiên, có nhiều người vẫn đang đánh đồng khái niệm trò chơi điện tử với eSports. Theo VĐV Nguyễn Vũ Hoàng Dũng - thành viên đội tuyển eSports Việt Nam, thể thao điện tử bị định kiến rất lớn từ xã hội tới gia đình bởi luôn bị nhầm lẫn với trò chơi điện tử thông thường trong khi truyền thông thường xuyên đề cập và phê phán về tác hại của game online. Rất khó khăn để thay đổi định kiến này khiến cho sự phát triển eSports ở Việt Nam không bằng các nước cùng khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia...

Nhằm giúp bộ môn thể thao này hướng đến việc chuyên nghiệp hóa theo chuẩn quốc tế, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) đã được thành lập theo Quyết định số 42/QĐ-BNV ngày 13-01-2009 của Bộ trưởng Nội vụ. Trên thế giới có hàng vạn trò chơi, nhưng không phải trò nào cũng được biên soạn luật và được tổ thi đấu do eSports quốc tế công nhận. eSports luôn có những yếu tố thể thao trong đó và cũng chính là điểm giúp phân biệt với các trò chơi điện tử. Theo VIRESA, một trò chơi điện tử được coi là một bộ môn thể thao điện tử cần đáp ứng được những yêu cầu như về tính cân bằng - không có một lợi thế tuyệt đối nào làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của người tham gia. Nói cách khác trong eSports, người chơi chỉ có thể chiến thắng dựa vào kỹ năng. Tính thi đấu là yếu tố quan trọng để quyết định một tựa trò chơi có phải là bộ môn thể thao điện tử hay không, eSports cần có một nền tảng kỹ thuật đáp ứng được việc tổ chức thi đấu, có thể tạo ra các trận đấu giữa các đối thủ, tùy chỉnh về chế độ thi đấu, thời gian, điều kiện phân thắng bại. Ngoài ra, thể thao điện tử còn cần có chế độ theo dõi để khán giả và trọng tài giám sát các hoạt động bên trong trận đấu...

Sau một thời gian định hình, phát triển, eSports đang là ngành nghề khá “hot”, đem lại giá trị kinh tế lớn, thậm chí, đôi khi còn vượt xa so với nhiều môn thể thao truyền thống và được giới trẻ dành sự quan tâm đặc biệt. Các tuyển thủ thể thao điện tử hàng đầu trong nước có thu nhập rất cao, có thể lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ đó kéo theo hàng loạt lĩnh vực khác cũng phát triển theo như: tổ chức sự kiện, streamer (người phát sóng trực tiếp khi chơi trò chơi điện tử), youtuber (người sáng tạo nội dung và sản xuất, chia sẻ những video trên YouTube)... Đối với các VĐV eSports, việc giành được thành tích cao tại các giải đấu không chỉ đem lại giải thưởng lớn mà còn là sự nổi tiếng lan truyền rất nhanh. Khi đã trở thành KOL (người có ảnh hưởng) trong mắt giới trẻ, họ có mức độ nổi tiếng gần như sánh ngang với các ngôi sao. Những tuyển thủ thể thao điện tử chuyên nghiệp ở bộ môn Liên Minh Huyền Thoại như Young Generation hay Team Flash từng được vinh danh ở WeChoice Awards cho thấy sự công nhận của xã hội.

Nghề này cũng giúp cho nhiều VĐV có hoàn cảnh khó khăn đạt được thành công và không có gì lạ khi nhiều bạn trẻ coi họ như những hình mẫu kỳ vọng để theo đuổi. Song, thực tế không giống với những gì các bạn trẻ đang tưởng tượng, nó là một nghề không phải ai cũng theo được. Không ít người trẻ đang lấy lý do về sự phát triển của eSports để bao biện cho việc học hành sa sút, cho rằng không cần phải tập trung đầu tư cho việc học mà chỉ cần theo nghề này sẽ thành công, điều đó thật sự không hề đơn giản. Theo Chủ tịch VIRESA Nguyễn Xuân Cường, không phải ai “chơi game” cũng trở thành VĐV thể thao điện tử, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phẩm chất, tư duy nhạy bén, sức khỏe tốt, thao tác nhanh nhẹn, nhân cách tốt. Trải qua quá trình đào tạo nghiêm túc và chuyên nghiệp, các VĐV mới có thể thi đấu, được công nhận ở các đẳng cấp khác nhau.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện eSports quy mô quốc tế, đồng thời có nhiều VĐV và đội tuyển mạnh đã đạt thành tích cao trong các giải đấu khu vực và quốc tế. Công tác tổ chức thi đấu các nội dung thể thao điện tử tại SEA Games 31 lần này được giao cho VIRESA chủ trì và đại diện VIRESA cho rằng: Đây là cơ hội tốt để thể thao điện tử Việt Nam khẳng định vị thế của mình, với sự tự tin vào một kỳ SEA Games thành công cả về công tác tổ chức lẫn thành tích thi đấu.