“Chúng ta có những đôi cánh”

“We have wings” (tạm dịch Chúng ta có những đôi cánh) là chủ đề của Paralympic Tokyo 2020 vừa khép lại ngày 5/9, với thông điệp muốn chuyển tải rằng ai cũng có thể có “đôi cánh”, đặc biệt là các VĐV khuyết tật bằng “đôi cánh” của nghị lực và khát khao, vươn lên những đỉnh cao mới, tiến lên phía trước vượt qua sóng gió cuộc đời.

Lực sĩ Lê Văn Công với tấm HCB Paralympic 2020. Ảnh | TCTDTT
Lực sĩ Lê Văn Công với tấm HCB Paralympic 2020. Ảnh | TCTDTT

Thế vận hội dành cho người khuyết tật năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn, khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới và thành phố đăng cai đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Vì vậy, các nhà tổ chức đặt ưu tiên cao nhất cho việc bảo đảm an toàn cho những người tham dự. Đây cũng là kỳ Paralympic có số VĐV đông nhất trong lịch sử với 4.403 VĐV đến từ 161 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia tranh tài 22 bộ môn.

Trong lần thứ năm tham dự Paralympic, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam góp mặt với bảy VĐV gồm: Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (bơi), Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (điền kinh). Khép lại hành trình thi đấu tại Tokyo, đoàn Việt Nam đã thành công hơn mong đợi với chiếc HCB của đô cử Lê Văn Công.

Trước đó tại Paralympic Rio 2016, đoàn Việt Nam từng giành được 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Lực sĩ Lê Văn Công làm nên lịch sử cho Việt Nam với tấm HCV cử tạ hạng cân 49 kg cùng kỷ lục thế giới 183 kg. Tại Thế vận hội lần này, đô cử sinh năm 1984 đã không bảo vệ được HCV do chấn thương vai dai dẳng hai năm nay vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Song, tấm HCB của lực sĩ người Hà Tĩnh là cả sự nỗ lực và ý chí kiên cường. Có cùng thành tích 173 kg với đối thủ người Jordan Qarada Omar, nhưng anh chỉ được HCB do thua chỉ số phụ vì có trọng lượng cơ thể nặng hơn 100g.

Dù được tập trung từ đầu năm 2021, nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thời điểm các VĐV người khuyết tật không thể tập luyện được, như VĐV bơi lội Võ Thanh Tùng thậm chí không được xuống nước mà chỉ tập cạn trên bờ. Cũng vì dịch bệnh nên gần hai năm qua các VĐV chủ yếu tập “chay” trong nước không thể thi đấu quốc tế và hầu hết cũng đã ở độ tuổi ngoài 30, cho nên khó đột phá thành tích. Do vậy các VĐV đến Paralympic năm nay không có mục tiêu huy chương, mà chỉ quyết tâm vượt qua thành tích của bản thân.

Và cùng quyết tâm, nghị lực đáng khâm phục, họ đã làm được với những thành tích đáng khích lệ. Hai VĐV Đỗ Thanh Hải và Trịnh Thị Bích Như đã thi đấu xuất sắc, lọt vào vòng chung kết nội dung 100 m bơi ếch hạng thương tật SB5; hay VĐV Nguyễn Thị Hải hụt tấm HCĐ, khi phải dừng bước ở vị trí thứ tư nội dung ném đĩa nữ ngồi hạng thương tật F57...

Với thể thao người khuyết tật, điều quan trọng chính là nỗ lực vượt qua chính mình. Ở các môn thể thao thông thường, VĐV sẽ được tuyển chọn và luyện tập từ nhỏ, được nuôi ăn ở, học tập tại trung tâm huấn luyện với trang thiết bị đầy đủ. Nhưng với VĐV người khuyết tật thì khác, bên cạnh thể thao, họ còn phải mưu sinh hằng ngày với đủ nghề. Để có thể gắn bó với thể thao, các VĐV khuyết tật phải vượt qua mọi khó khăn bằng ý chí phi thường. Một VĐV khuyết tật thành công không chỉ có ý nghĩa tốt đẹp đối với bản thân, mà còn có sức lan tỏa đến nhiều người, về tinh thần vượt khó, về ý chí, nghị lực vươn lên.

Cùng ý nghĩa nhân văn, không đặt nặng chuyện thắng - thua, Paralympic là nơi thể hiện ý chí, khát vọng sống, hòa nhập cộng đồng, làm được những điều phi thường của những con người phải chịu sự thiệt thòi của số phận. Ở đó không chỉ khơi dậy tinh thần đoàn kết, mà còn thắp sáng hy vọng cho người khuyết tật trên toàn thế giới. Với họ, việc vượt qua chính mình và có một Thế vận hội đầy ý nghĩa trong tình yêu thương và chia sẻ, đã là mục đích cao quý. Chỉ riêng ý chí mạnh mẽ trong việc hòa nhập cùng cộng đồng với tinh thần thể dục, thể thao của những VĐV đặc biệt đã là điều ít người bình thường làm được. Họ thật sự là tấm gương sáng về nghị lực sống phi thường để tất cả chúng ta học tập và noi theo.