V-League 2014

Bóng đá nào, trọng tài nấy

Vấn nạn bạo lực ở V-League không phải là mới, sân cỏ chuyên nghiệp Việt Nam những năm gần đây luôn được biết đến với những pha "biểu diễn võ thuật" đầy man rợ. Sau hơn cả thập kỷ làm bóng đá chuyên nghiệp, việc ngăn chặn nạn bạo lực sân cỏ chưa thể giải quyết dứt điểm, chuyện cầu thủ chơi thô bạo là rất đáng lên án, bên cạnh đó vai trò của trọng tài cũng là vấn đề nóng được quan tâm.

Quyền lực của các “ông vua áo đen” tại V-League đang bị xem nhẹ? Ảnh: TRẦN HẢI
Quyền lực của các “ông vua áo đen” tại V-League đang bị xem nhẹ? Ảnh: TRẦN HẢI

Vấn nạn bạo lực ở V-League không phải là mới, sân cỏ chuyên nghiệp Việt Nam những năm gần đây luôn được biết đến với những pha “biểu diễn võ thuật” đầy man rợ. Sau hơn cả thập kỷ làm bóng đá chuyên nghiệp, việc ngăn chặn nạn bạo lực sân cỏ chưa thể giải quyết dứt điểm. Chuyện cầu thủ chơi thô bạo là rất đáng lên án, bên cạnh đó vai trò của trọng tài cũng là vấn đề nóng được quan tâm.

1. Những ngày vừa qua, sân cỏ V-League làm dư luận “náo động” bởi những chấn thương kinh hoàng xuất hiện liên tiếp. Điển hình trong số đó là pha bóng khiến ngoại binh Bruno (Than Quảng Ninh) và cầu thủ Anh Hùng (HV An Giang) gãy chân, hay tình huống Danny David (ĐT.LA) bất tỉnh ngay tại chỗ. Dẫu biết rằng bóng đá là phải có ít nhiều sự va chạm, thế nhưng cái cách mà cầu thủ tại V-League chơi bóng như thể họ muốn “ăn tươi nuốt sống” đối thủ vậy. Sau mỗi vòng đấu lại là những lời than vãn về tính bạo lực trong bóng đá. Đó là lời nói phát ra từ cầu thủ khi chứng kiến đồng đội mình bị chơi xấu, là lời chỉ trích của HLV cũng như các ông bầu. HLV Lê Huỳnh Đức còn “mỉa mai” rằng nếu được phép ông sẽ xin thua cuộc còn hơn phải nhìn các học trò đang gồng mình lên cam chịu những đòn xấu trên sân Lạch Tray vừa qua. Còn HLV Nhan Thiện Nhân thì chỉ trích thêm về tổ trọng tài khi đã không mạnh tay và dung túng cho bạo lực.

Ở đây, người viết muốn bàn về “quyền lực” của các “ông vua áo đen” ở Việt Nam. Tại các giải trong nước như V-League, hạng Nhất, nhiều cầu thủ thường đá rất ác ý để dằn mặt để đối phương. Cũng những cầu thủ đó khi thi đấu quốc tế lại “hiền như cục đất”, có lẽ họ sợ sự trừng phạt của trọng tài? Nếu vậy, tại sao trọng tài Việt Nam khi bắt trong nước không dám mạnh tay?

“Được bảo vệ, được tôn trọng là một điều chúng tôi rất mong mỏi, nó tạo ra niềm tin vững vàng, tạo ra bản lĩnh nghề trên sân. Và khi ấy, chúng tôi mang đến sự công bằng cho cầu thủ”, đó là lời chia sẻ của cựu “còi vàng” Võ Quang Vinh. Như vậy, những “ông vua sân cỏ” lại đang cần được bảo vệ (?!)

2. Nhìn từ thực trạng của bóng đá Việt Nam trong suốt thời gian qua, việc bạo lực bùng phát như hiện giờ là do sự dung túng, thiếu nghiêm minh của những người có trách nhiệm của VFF, VPF, lãnh đạo các đội bóng... Bên cạnh đó, một phần cũng do trọng tài không thể hiện được “cái uy” của mình trong khi điều khiển trận đấu dẫn đến lối chơi thô bạo có dịp tung hoành. “Cái uy” ở đây gồm nhiều thứ nhỏ tạo thành, từ tác phong bên ngoài như ăn vận đến hành vi, cử chỉ và lời nói phải chuẩn mực, đàng hoàng, cương quyết... Tuy nhiên, điều này không phải trọng tài nào cũng có mà do rèn luyện, xây dựng theo thời gian. Nghề trọng tài tại Việt Nam có rất nhiều áp lực, từ Ban tổ chức, cổ động viên, các CLB... hay cả từ những cám dỗ vật chất. Trọng tài phải có bản lĩnh thật “cứng” thì mới dám mạnh tay xử phạt với các hành vi phạm lỗi thô bạo và từ chối những cám dỗ vô hình.

Các “ông vua áo đen” ở Việt Nam rất nổi tiếng, tuy nhiên họ chỉ được biết đến qua những scandal, những pha bẻ còi không tưởng, những quyết định vô tiền khoáng hậu, đổi trắng thay đen và thậm chí là rút nhầm thẻ vì mắt không nhìn rõ... Sự việc ầm ĩ nhất đến từ V-League 2011, khi Hội đồng trọng tài quốc gia cùng VFF quyết định treo còi vĩnh viễn ba trọng tài: Trần Công Trọng, Nguyễn Văn Quyết, Đỗ Quốc Hoài. Nếu trọng tài Hoài do những lùm xùm từ việc sinh hoạt, hai người còn lại dính vụ việc thổi ép đối thủ giúp Hải Phòng trụ hạng, khiến Hòa Phát uất ức phải bỏ bóng đá.

“Bóng đá nào, trọng tài nấy” cũng thấy có lý. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng, giới trọng tài cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan thay vì biết lắng nghe, học hỏi và trau dồi bản lĩnh... Với những gì đang diễn ra, việc người ta đang lo ngại cho nền bóng đá nước nhà rồi đây sẽ trôi nổi về đâu là hoàn toàn có cơ sở.

Trọng tài phải có bản lĩnh thật “cứng” thì mới dám mạnh tay xử phạt với các hành vi phạm lỗi thô bạo và từ chối những cám dỗ vô hình.