Bắn súng Việt Nam với mục tiêu trẻ hóa

Với việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh quyết định không tham dự SEA Games 31 trên sân nhà Việt Nam để tập trung lấy vé dự Olympic 2021 đã tạo cơ hội cho các xạ thủ trẻ vươn lên khẳng định mình. Đã đến thời điểm mà bắn súng Việt Nam cần mạnh dạn đặt niềm tin vào những sự thử nghiệm mới.

Các xạ thủ trẻ đang đứng trước cơ hội thể hiện mình. Ảnh: GIANG NGUYỄN
Các xạ thủ trẻ đang đứng trước cơ hội thể hiện mình. Ảnh: GIANG NGUYỄN

1. Theo bà Nguyễn Thị Nhung - HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, việc một xạ thủ kỳ cựu nghỉ thi đấu ở sân chơi khu vực là chuyện bình thường, bởi sau Hoàng Xuân Vinh có nhiều VĐV trẻ đang rất tiến bộ, cần được trao cơ hội thể hiện mình. Ngoài Hoàng Xuân Vinh, xạ thủ Trần Quốc Cường cũng đang bỏ ngỏ khả năng tham dự kỳ đại hội thể thao Đông - Nam Á diễn ra ở Việt Nam năm tới.

Trong năm kỳ SEA Games gần nhất, số HCV của tuyển bắn súng Việt Nam ngày càng sụt giảm. SEA Games 25-2009 tại Lào, tuyển bắn súng thành công rực rỡ với 11 HCV. Hai kỳ tiếp theo (2011, 2013) bắn súng vẫn duy trì vị thế là mỏ vàng của TTVN khi đều được bảy HCV và cũng là hai kỳ SEA Games thành công nhất của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Nhưng thành tích của bắn súng cứ thế thụt lùi khi đội tuyển rời SEA Games 30-2019 mà không có HCV nào. Bắn súng Việt Nam những năm qua đều phụ thuộc quá nhiều vào phong độ của các lão tướng để chinh phục các đấu trường quốc tế và Hoàng Xuân Vinh dù là tượng đài nhưng cũng không thể cứ mãi tiếp tục thi đấu hết năm này qua năm khác.

Để lấy lại vị thế vốn có của mình, đội tuyển bắn súng Việt Nam cần mạnh dạn trẻ hóa lực lượng để tìm những gương mặt mới trong tương lai, tính tới mục tiêu lâu dài. Việc Hoàng Xuân Vinh giải nghệ ở sân chơi SEA Games chính là cơ hội cho các VĐV trẻ chứng tỏ thực lực. Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã quyết định không hướng tới thành tích ở tương lai gần để tạo cơ hội cho các tuyển thủ trẻ, đó là điều tốt cho bất cứ môn thể thao nào. Với bảy kỷ lục được xác lập sau giải Bắn súng quốc gia 2019, nhiều nhân tố trẻ tài năng đã lộ diện như Nguyễn Thị Thảo (Quảng Ninh), Nguyễn Thu Trang (Quân Đội), Iwaki Ai (TP Hồ Chí Minh)...

2. Tuy nhiên, việc đào tạo trẻ đang là bài toán khó với bắn súng Việt Nam vào lúc này. Bà Nguyễn Thị Nhung cho biết: “Khi các bạn có tuổi trẻ thì sẽ có được sức bật lớn hơn các thế hệ đàn anh. Nếu muốn có những VĐV đỉnh cao thế giới thì phải có dàn lực lượng trẻ ở các CLB, còn đội tuyển chỉ là nơi tuyển chọn những VĐV giỏi để lên tập luyện. Trong tình trạng “đãi cát tìm vàng” hiện nay, những VĐV có cơ bản nhất cũng rất ít. Trước đây, mỗi một địa phương có thể tuyển chọn 10 - 15 VĐV giỏi rất dễ dàng, nhưng đến nay chỉ còn một, hai VĐV có thể chọn được”. Tại nhiều địa phương, các xạ thủ trẻ cũng gặp khó khăn khi phải tập luyện trong điều kiện thiếu đạn, không có bia điện tử... Muốn duy trì thể thao đỉnh cao đều đặn thì nguồn cung lực lượng kế cận luôn phải dồi dào và khi chưa làm được thì phải chấp nhận phải chờ đợi, mà theo bà Nguyễn Thị Nhung có thể sẽ là sáu đến tám năm.

Bất kể môn nào cũng vậy, muốn có nguồn cung dồi dào thì phải phát triển tốt thể thao phong trào. Hiện nay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều CLB bắn súng hơi dành cho bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu và tập luyện. Tuy nhiên tiếp cận với súng thật, đạn thật là rất hạn chế với số đông và đó cũng là một trong những cản trở để bắn súng phát triển dưới dạng phong trào, không giống những môn phổ biến khác như võ thuật, bóng đá, bóng chuyền... Nếu có thêm sự chung tay của các cơ quan chức năng, vừa kiểm soát vừa tạo điều kiện để có nhiều hơn các CLB bắn súng, từ đó giúp cho những người yêu thích bắn súng có nhiều cơ hội trải nghiệm và phát triển tài năng.