Bóng đá châu Âu

14 năm trước & 14 năm sau...

Những màn quay xe ngoạn mục. Những cuộc chơi đầy drama với hàng loạt khúc cua bất ngờ. Có ai tưởng tượng nổi, trong vài ngày mà Messi, C.Ronaldo, Griezmann, Ramos, Alaba... lũ lượt kéo nhau tạo ra những cú nổ lớn trên khắp châu Âu. Bóng đá thời Covid, giữa lúc khủng hoảng đã khác nhiều, nhưng giá trị hào nhoáng của nó có lẽ không thay đổi.

 

Drama của Ronaldo khiến cả thế giới tẽn tò và ngẩn ngơ...
Drama của Ronaldo khiến cả thế giới tẽn tò và ngẩn ngơ...

1 Ngày 11/7/2007, tức là cách đây đã 14 năm, khi David Beckham đặt chân đến Mỹ, thi đấu cho LA Galaxy, anh tuyên bố rõ ràng: “Tôi đến đây để chơi bóng, là một phần của CLB, làm việc hết sức và giành chiến thắng chứ không phải tới đây làm một ngôi sao”. Lúc ấy Beckham vừa bước sang tuổi 32 được hơn hai tháng.

Nói là thế, nhưng thực chất Beckham đã là một cuốn drama được lên kế hoạch sẵn. Một cuộc chiến truyền thông bắt đầu nổ ra với chiêu trò PR của bộ phận truyền thông của Beckham là công ty 19 Entertainment. Nghe cái tên giải trí vậy cũng đủ hiểu. Bản hợp đồng của Beckham được tung ra có giá 250 triệu USD. Nhưng đó chỉ là một chiêu bài thống kê kiểu đếm cua trong lỗ, tạo hiệu ứng truyền thông. Và hiệu quả cũng khác thật. Beckham đến Mỹ với rừng người chào đón, với gần 800 đơn vị truyền thông có mặt đưa tin. Rồi sau đó, số lượng áo của Beckham bán ra trong vài ngày đủ phủ lấp 12 sân vận động của LA Galaxy khi mà Beckham còn chưa chính thức ra mắt. Hiệu ứng kinh doanh đi kèm của CLB lẫn của cá nhân Beckham bỗng dưng bùng nổ. Và Beckham thật sự là một siêu sao chứ không còn đơn thuần là cầu thủ bóng đá.

Và những gì diễn ra sau đó chúng ta đều biết. Beckham hiện là một triệu phú trên đất Mỹ, là ông chủ của CLB Inter Miami, với khối tài sản siêu khủng. Bóng đá tạo ra những siêu sao, tạo ra những drama và biến những nhân vật trong câu chuyện đó trở thành những công cụ để thúc đẩy, nâng tầm bóng đá.

Vòng quay tròn trĩnh ấy là vĩnh cửu, dù là 14 năm trước hay hiện tại, khi bóng đá đang lầm than, kêu cứu vì dịch bệnh. Bất kể có chuyện gì thì những nhân vật chính của cuộc chơi vẫn phải tạo ra những giá trị để nâng tầm cuộc chơi vốn dĩ đã điên rồ.

2 Trước khi Messi đến PSG, cái miếng giấy ăn anh lau nước mắt ngày chia tay Barca được rao bán một triệu euro. Khi đặt chân đến PSG, chỉ sau 10 phút, khoảng 200.000 áo đấu của anh được bán sạch và chẳng bao lâu sau, khoảng một triệu áo đấu đã được bán trên các nền tảng mua bán trực tuyến. Tiền bán áo đấu thừa sức trả lương Messi cho hai năm ở đây. Thậm chí, nghe đâu hãng thống kê tài chính Forbet đã “kiểm kê” tài sản của Messi và khẳng định Messi đã có gia tài lên đến trên một tỷ USD.

14 năm trước & 14 năm sau... -0
PSG cần Messi để vĩ đại hơn, dù chỉ là thời gian ngắn.Ảnh trong bài | Getty 

Câu chuyện Messi đến PSG na ná giống câu chuyện Beckham đến LA Galaxy cách đây 14 năm. Từ cách chuyển nhượng, truyền thông, PR hình ảnh, đến cả những thống kê, câu chuyện chung quanh liên quan đến tiền bạc, sự hào nhoáng. Chỉ khác một điều là Beckham năm ấy 32 tuổi, còn Messi bây giờ đã 34 tuổi. Hàng triệu bài báo, con số được đưa ra và chẳng biết có bao nhiêu phần thông tin được đưa ra là sự thật, khi mà chẳng ai có thể kiểm chứng ngoại trừ cái gọi là “sự uy tín” của các hãng thông tấn đưa tin. Nhưng chắc chắn có một sự thật, là hiệu ứng của một ngôi sao thật sự khủng khiếp. Nó có thể thay đổi mọi thứ.

Khi đến PSG, từng bước đi của Messi được theo dõi kỹ càng. Trận đầu ra mắt PSG, gần 200 hãng thông tấn có mặt tại sân vận động để ngóng bước chân đầu tiên của anh tại Ligue 1.

Các CĐV đối phương cũng hô vang tên Messi. Các đối thủ ngưỡng mộ anh ngay trên sân bóng. Chẳng ai ngại ngần chấp nhận xếp hàng chỉ để chụp ảnh với Messi... Và điều đáng nể hơn, Messi có thể thay đổi một giải đấu, từ tầm vóc, động lực, sự phát triển đến cả khả năng kiếm tiền.

Vậy thì Messi đâu chỉ đơn thuần là một cầu thủ? Anh ấy còn hơn cả một cầu thủ, hơn cả một siêu sao, mặc dù nếu xét trên khía cạnh chuyên môn, chưa chắc PSG đã cần Messi trong đội hình đã có quá nhiều ngôi sao lớn. PSG cần Messi để mạnh hơn? Không phải. PSG cần Messi để vĩ đại hơn, dù trong khoảng thời gian ngắn thôi. Vì Messi lúc này đã 34 tuổi.

Và gần như ngay lập tức, người luôn được mang ra so sánh với Messi là Cristiano Ronaldo cũng tạo một drama kinh điển. Nếu drama của Messi được xây dựng kéo dài tận một năm, với quá nhiều điểm nhấn, nút thắt từ mâu thuẫn với HLV, chủ tịch, đòi ra đi, ở lại, đấu tranh giảm lương, rồi cuối cùng đau khổ ra đi, thì drama của Ronaldo kéo dài chỉ trong một ngày.

Ronaldo bỏ tập một buổi ở Juventus. Rồi sang Manchester đàm phán với Man City và vài tiếng sau, anh chính thức ký hợp đồng để trở lại ngôi nhà cũ Man Utd. Quá bá đạo và đầy ma thuật với khả năng tưởng tượng siêu phàm của giới truyền thông. Không đi theo bất kỳ kịch bản quen thuộc nào, thậm chí còn gay cấn, tạo hiệu ứng trong chớp mắt, drama của Ronaldo khiến cả thế giới việt vị, tẽn tò và ngẩn ngơ.

Và dĩ nhiên, hiệu ứng Ronaldo vượt ra ngoài tầm của một cầu thủ, thậm chí nó còn hơn cả ngày anh rời Man Utd để đến khoác áo Real Madrid năm 2009. Sau 12 năm, Ronaldo trở lại sân Old Trafford với niềm kỳ vọng lớn lao, với mức lương lớn lao không kém, và dĩ nhiên cũng có nhiều hồ nghi với một cầu thủ chỉ còn sáu tháng nữa sẽ bước sang tuổi 37, tức là hơn Beckham khi đến Mỹ tới năm tuổi.

3 Bên cạnh những lời tung hô, những hiệu ứng mà Ronaldo mang lại sẽ nâng tầm những ngôi sao trẻ Man Utd, khiến giải Ngoại hạng Anh hấp dẫn hơn... thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Ronaldo không phải là bản hợp đồng mang ý nghĩa chuyên môn với Man Utd. Một cầu thủ sắp 37 tuổi, dù có cường tráng, cơ bắp và vẫn ghi bàn đều đặn thì vẫn là một mảnh ghép khiên cưỡng trong đội hình đã có Pogba, Greewood, Bruno, Maguire, Sancho... Nhiều phân tích cho rằng, Ronaldo thậm chí còn làm hỏng bố cục đội hình, lối chơi và hệ thống của HLV Solskjaer, và nghiêm trọng hơn là mức lương 500.000 bảng/tuần của Ronaldo có thể khiến Man Utd chịu hậu quả tài chính về sau này. Nhưng dù gì cùng bản hợp đồng hai năm (hoặc ba năm nếu gia hạn), có nghĩa Ronaldo gần như sẽ giải nghệ ở Man Utd, và đó là một cái kết đẹp cho một siêu sao.

Và đó cũng là cái kết mang mô-típ quen thuộc của những tấn drama hào nhoáng, siêu hạng và đầy ảo ảnh trong thế giới bóng đá. 14 năm trước với Beckham, hay bây giờ cũng vậy...