Thế giới vẫn cần thận trọng sau làn sóng Omicron

Biến thể Omicron của Covid-19, được xác định lần đầu tiên vào tháng 11/2021, nhanh chóng khiến số ca mắc trên toàn cầu  tăng thêm 3 triệu ca/ngày, với khoảng 1/5 số ca ghi nhận ở Mỹ. Có thể nói, trong ba tháng Omicron đã định nghĩa lại đáng kể về một làn sóng dịch bệnh nguy hiểm kể cả khi có sẵn các loại vắc-xin. Tình hình này càng làm dấy lên những hoài nghi về điều gì sẽ xảy ra sau Omicron.

Tiêm ngừa Covid-19 tại Jordan Downs, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 10/3/2021. Ảnh: REUTERS
Tiêm ngừa Covid-19 tại Jordan Downs, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 10/3/2021. Ảnh: REUTERS

Số ca mắc mới do nhiễm Omicron ở Anh và Nam Phi giảm mạnh giúp dấy lên hy vọng rằng dịch bệnh tại Mỹ sẽ dịu hơn. Tuần qua, các thành phố ở Mỹ đều đã ghi nhận dịch bệnh có chiều hướng giảm bớt. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ tập hợp các dự báo cho thấy, làn sóng dịch tại Mỹ sẽ “lập đỉnh” trong hai tuần tới, với số ca mắc mới có thể tới 800.000 ca mỗi ngày trước khi giảm mạnh. 

Chuyên gia vaccine Scott Hensley, tại Ðại học Pennsylvania, hy vọng những yếu tố trên giúp làn sóng dịch do biến thể Omicron trở thành làn sóng cuối cùng trong đại dịch. Virus sẽ tiếp tục lây nhiễm nhưng gây ít ca tử vong và nhập viện hơn, các văn phòng mở cửa trở lại, các sự kiện cộng đồng được tổ chức và không cần đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tỏ ra thận trọng hơn, cho rằng không có gì bảo đảm số ca mắc mới ở Mỹ sẽ giảm tới mức trước khi làn sóng Omicron xảy ra. Bác sĩ Lemieux, từ Bệnh viện đa khoa Massachussets cho rằng, hiện chưa đến lúc khẳng định Mỹ đã vượt qua đại dịch. Ở một số nơi, sau làn sóng do Omicron đến làn sóng do biến thể phụ BA.2 của Omicron hay biến thể Delta lại xuất hiện trở lại. Bác sĩ này cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát quá trình tiến hóa của Virus này vì đây là yếu tố quan trọng định hình đại dịch.

Hầu hết các nhà khoa học nhất trí rằng sự xuất hiện của Omicron là một bước ngoặt trong tiến trình đại dịch xảy ra. Theo nhà miễn dịch học Shane Crotty, từ viện miễn dịch La Jolla, biến thể này có tới 50 đột biến, với khả năng lây lan rất nhanh và linh hoạt hơn rất nhiều so với những gì từng được biết. Ðó là điều đáng lo ngại và khiến giới khoa học phải cảnh giác hơn trước khả năng biến đổi tiếp theo của Virus này.

Về mặt dữ liệu, Omicron gây tỷ lệ tử vong thấp hơn Delta. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn và các nhà khoa học đang tìm cách đánh giá liệu Omicron có thực sự gây bệnh nhẹ hơn, hay chỉ vì số người bệnh đã được tiêm phòng cao hơn nên nguy cơ tử vong ít hơn.

Chuyên gia Scott cho rằng, so với Delta, Omicron gây ra ít ca tử vong hơn, nhưng so với biến thể gốc thì Omicron không hề ít nguy hiểm hơn. Các loại vaccine đã làm tốt công việc bảo vệ trước nguy cơ bệnh  nặng và con người có thể có miễn dịch tốt hơn sau làn sóng dịch do Omicron gây ra. Tuy nhiên, thế giới vẫn cần cảnh giác vì hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm phòng và đây là dư địa lớn cho Virus tiếp tục biến đổi.

Chuyên gia Deepta Bhattacharya, từ Ðại học Arizona, cho rằng Omicron có thể chỉ là một biến thể giúp thế giới có thêm thời gian để ứng phó dịch bệnh, đồng thời nhấn mạnh sau làn sóng dịch do Omicron vẫn cần chú trọng tăng cường tiêm phòng cho người dân.

Do biến thể Omicron của Virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, các nhà khoa học và người dân đều đang băn khoăn về nguy cơ tái nhiễm biến thể này.

Theo tạp chí Newsweek, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, hay còn gọi là “Omicron tàng hình” là biến thể đang khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quan ngại. Các nghiên cứu cho thấy, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 30% so với biến thể gốc BA.1. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm biến thể Omicron thấp trong cùng tháng với lần lây nhiễm đầu tiên.